Lâm Đồng chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và bền vững

04:08, 15/08/2022
Thực hiện chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 2563/QĐ-UBND ngày 15/10/2021 quy định tạm thời đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID -19 trên địa bàn; cũng như chuẩn bị phương án phục hồi kinh tế - xã hội cho thời kỳ “hậu COVID -19” bảo đảm phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương... và đã có được những kết quả tích cực. 
 
Du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng phục hồi nhanh sau đại dịch COVID-19. Ảnh: Bình An
Du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng phục hồi nhanh sau đại dịch COVID-19. Ảnh: Bình An
 
Với nội dung “từng bước bình thường hóa với dịch bệnh COVID-19”, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng năm 2022 của tỉnh cơ bản được duy trì ổn định. Tổng sản phẩm trong nước (GRDP) tăng 9,29% so với cùng kỳ; trong đó: ngành Nông - Lâm - Thủy sản tăng 4,08%, Công nghiệp xây dựng tăng 9,32%, Dịch vụ tăng 12,34%. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 7.862 tỷ đồng, bằng 71,5% dự toán địa phương, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Tình hình phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tương đối khả quan, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 703 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 10.306,8 tỷ đồng, tăng 7,3% về số doanh nghiệp và tăng 18,7% về số vốn đăng ký; có 226 doanh nghiệp hoạt động trở lại; 374 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động và 100 doanh nghiệp giải thể. Đến nay, toàn tỉnh có 12.107 doanh nghiệp đang hoạt động; 5 liên hiệp hợp tác xã , 483 hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Lâm Đồng vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế cần được khắc phục. Đó là, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm sút, đa số ở lĩnh vực thương mại, chủ yếu ở ngành bán buôn hàng hóa, sản xuất gặp khó khăn về vốn vay, lãi suất ngân hàng, nguồn nguyên liệu đầu vào… Bên cạnh đó sức mua của thị trường giảm, thiếu hụt lực lượng lao động.
 
Ngành hàng sản xuất rau, hoa, hàng hóa nông sản bị ảnh hưởng nhiều. Các doanh nghiệp trồng rau, hoa không xuất khẩu được, thị trường trong nước không tiêu thụ hết sản phẩm. Doanh nghiệp đầu tư vốn cho nông dân sản xuất, nhưng do không tiêu thụ được sản phẩm nên không trả nợ được cho doanh nghiệp, doanh nghiệp thiếu vốn tái đầu tư lại cho nông dân sản xuất… dẫn đến đứt gãy chuỗi liên kết. Đồng thời, doanh nghiệp còn chịu ảnh hưởng giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao…
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho biết: Tỉnh Lâm Đồng với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu phục hồi nhanh và phát triển bền vững, trong thời gian tới sẽ tập trung nguồn lực khôi phục và thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, với các định hướng phát triển trong thời gian tới là: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định phòng, chống dịch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hoá, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản.
 
Đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị (giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân) gắn với mở rộng, phát triển các sản phẩm nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Tiếp tục thực hiện lộ trình mở cửa đối với du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến du lịch, cung cấp thông tin về sản phẩm dịch vụ du lịch thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng với thông điệp “Du lịch Lâm Đồng - Điểm đến an toàn, tiềm năng và khác biệt”. Kết nối du lịch trong nước và quốc tế để phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ; nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch gắn với phát triển kinh tế ban đêm. 
 
Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực; đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh theo quy định. Xử lý kịp thời, hiệu quả phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục rà soát các chính sách hỗ trợ phù hợp với người dân, doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh; triển khai kịp thời các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí; các chính sách ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ giải quyết việc làm, cho vay mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại người lao động… 
 
Thực hiện chuyển đổi số toàn bộ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gắn với thực hiện cải cách hành chính với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Hoàn thiện hệ thống các quy hoạch trên địa bàn tỉnh đảm bảo cho sự phát triển bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội đầu tư. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp tục thúc đẩy, khuyến khích xây dựng mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, với mục tiêu đổi mới sáng tạo, tính mở và tính liên kết mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tạo động lực phát triển nền kinh tế, là “vườn ươm” của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong và ngoài nước. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, chủ động xây dựng và triển khai chương trình tổng thể về hội nhập quốc tế; tăng cường thu hút những nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh.
 
NHẬT QUÂN