Sức sống trên vùng kinh tế mới Cát Tiên

01:08, 18/08/2022
Trải qua những năm đầu gian khổ trên bước đường khai hoang, lập nghiệp, với bàn tay, khối óc của mình, các hộ dân kinh tế mới đã biến vùng đất hoang vu, hẻo lánh của huyện Cát Tiên ngày nào trở thành vùng quê ngày càng văn minh, giàu đẹp.
 
Một góc thị trấn Cát Tiên hôm nay
Một góc thị trấn Cát Tiên hôm nay
 
•  VƯỢT QUA GIAN KHÓ
 
Cách đây hơn 40 năm, rất nhiều người dân ở các xã, phường của tỉnh Nghĩa Bình và Hà Nam Ninh tức các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình lúc bấy giờ đã tình nguyện đến vùng đất Đạ Huoai để xây dựng kinh tế mới. Ngày 6/6/1986 Hội đồng Bộ trưởng quyết định chia huyện Đạ Huoai thành 3, gồm: Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Đây cũng là cột mốc đánh dấu cho sự ra đời hình thành và phát triển của huyện Cát Tiên. 
 
Vào vùng đất Cát Tiên từ năm 1983, đến nay đã gần 40 năm trôi qua, ông Cao Xuân Nghiêm nay là Phó Bí thư Đảng ủy xã Đức Phổ vẫn còn nhớ như in ngày gia đình ông cùng 40 hộ dân nữa ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đặt chân lên vùng đất này để lập nghiệp. Ngày đó, mỗi hộ như gia đình ông Nghiêm được chính quyền mỗi tỉnh Nghĩa Bình và Lâm Đồng hỗ trợ 6 tháng gạo để ổn định ban đầu, qua đó bám trụ thực hiện khai khẩn đất hoang. Mặc dù đất đai phì nhiêu, nhưng lại thiếu phương tiện sản xuất, việc cấp lương thực nhiều lúc còn chậm, nên hộ nào cũng đói, phải trồng thêm khoai mì, bắp để ăn. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng tạm bợ, hệ thống giao thông hầu như chỉ là những tuyến đường mòn sình lầy, hoang vu và không thể không kể đến những trận lũ lịch sử đã khiến Cát Tiên được mệnh danh là “rốn lũ” của tỉnh Lâm Đồng. Với đặc thù là một huyện thuần nông nên những cơn lũ liên tiếp trong 4 năm liền, từ năm 1999 đến năm 2002, đã khiến người dân Cát Tiên lao đao khi vườn, ruộng, nhà cửa đều ngập trắng trong nước. 
 
Chán nản vì cuộc sống khó khăn, lại lo sợ dịch sốt rét rình rập, không ít hộ dân kinh tế mới lần lượt kéo nhau bỏ về quê. Thấy vậy, gia đình ông cũng nao núng, nhưng rồi lại động viên nhau cố gắng bám trụ và tích cực cải tạo, khai hoang đất đai để sản xuất, làm ăn. Ông Nghiêm chia sẻ: Đối với nhiều người từng đi kinh tế mới đến xã Đức Phổ ngày nào đều ít nhiều có những kỷ niệm khó quên ở vùng đất này. Nhưng điều đáng nói, trong khó khăn, mọi người đã đoàn kết, cùng nhau vượt qua gian khổ, bám trụ vươn lên. Để rồi, trên vùng đất mới hôm nay, các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã và đang cùng nhau phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, đoàn kết khai hoang, phục hóa, hình thành các vùng đất trồng cây hoa màu, cây công nghiệp, từng bước đưa vùng kinh tế mới huyện Cát Tiên nói chung và xã Đức Phổ nói riêng ngày càng phát triển, khởi sắc trên nhiều phương diện, lĩnh vực.
 
Thu hoạch lúa chất lượng cao tại cánh đồng mẫu lớn xã Gia Viễn
Thu hoạch lúa chất lượng cao tại cánh đồng mẫu lớn xã Gia Viễn
 
  PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN TRÊN MỌI LĨNH VỰC
 
Theo ông Cao Xuân Nghiêm, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng điểm lại những con số mới thấy được sự phát triển vượt bậc của Đức Phổ hôm nay như thế nào. Từ nhiều năm nay, xã Đức Phổ đã tạo được những ưu thế riêng biệt về các vườn cây ăn quả với chất lượng nhiều loại trái cây thơm ngon, được người tiêu dùng trong và ngoài huyện biết đến và ưa chuộng như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… Hiện nay, xã Đức Phổ đã có quả măng cụt của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Đức Phổ được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; có 1 sản phẩm là mật ong dú được công nhận đạt OCOP 3 sao. Hàng năm, địa phương duy trì sản xuất trên 300 ha lúa chất lượng cao; trong đó có 50 ha sản xuất lúa hữu cơ để cung cấp và đóng gói các sản phẩm lúa, gạo mang nhãn hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên”; đồng thời, còn có 1 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cây rau lấy hạt ứng dụng công nghệ cao.
 
Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã Đức Phổ đạt 57,25 triệu đồng/người/năm, toàn xã không còn hộ nghèo. Lĩnh vực văn hoá, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho Nhân dân được quan tâm, tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt trên 98%; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh. Xã Đức Phổ đã có 5/5 thôn cùng hơn 97% hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa; các thôn đều có đội văn hóa - văn nghệ quy tụ mỗi đội có trên 20 thành viên tham gia hoạt động hiệu quả.
 
Công cuộc đưa dân khắp miền đất nước về những vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng nói chung và Cát Tiên nói riêng diễn ra sau những năm giải phóng, thống nhất đất nước. Họ đến các vùng đất hoang sơ, nơi rừng thiêng nước độc với nỗi nhớ quê hương xa vời vợi để rồi hình thành lên làng, xã mới được đặt tên bằng chính tên gọi quê hương bản quán của mình. 
 
Đoàn viên, thanh niên xã Đồng Nai Thượng tham gia sinh hoạt dưới hình thức đọc Báo Lâm Đồng.
Đoàn viên, thanh niên xã Đồng Nai Thượng tham gia sinh hoạt dưới hình thức đọc Báo Lâm Đồng.
 
Sau hơn 45 năm khai phá, đắp xây, 100% các xã trên địa bàn huyện Cát Tiên giờ đã được công nhận là xã nông thôn mới.
 
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Với sự đồng thuận và nỗ lực chung của cả Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, năm 2012, huyện Cát Tiên đã cơ bản thoát khỏi tình trạng kém phát triển và từ năm 2014, huyện không còn thôn nghèo. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Cát Tiên đã đạt 56,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 còn 0,41%; Cát Tiên cũng đã được Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định...
 
Ghi nhận những thành tích đạt được, đồng thời động viên tinh thần vượt khó của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, trong thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trong huyện đã được các cấp, các ngành tặng thưởng và công nhận nhiều danh hiệu thi đua. Đặc biệt, vào tháng 10/2016, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cát Tiên đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
 
Cát Tiên, vùng đất Chiến khu D năm xưa giờ đang đổi thay từng ngày với những sắc màu tươi thắm. Ẩn đằng sau những nét đẹp hiền hòa, thanh bình cùng những âm thanh rộn ràng của cuộc sống là ý chí và nghị lực kiên cường của những con người luôn sẵn sàng vượt qua khó khăn, gian khổ để xây dựng vùng đất này ngày càng trù phú, văn minh và hiện đại. Chặng đường mà cán bộ, Nhân dân trên các vùng kinh tế mới đã đi qua giống như “một giấc mơ có thật”, dành cho những người không cam chịu hoàn cảnh, quyết tâm vượt lên đói nghèo, thay đổi cuộc sống. Chính nhờ đôi bàn tay và khối óc của hàng ngàn hộ dân kinh tế mới đã biến Cát Tiên - một vùng đất hoang vu, đói nghèo, lạc hậu trở thành địa phương có nền kinh tế - xã hội phát triển nhanh của tỉnh Lâm Đồng. 
 
Trải qua những năm tháng khó khăn, người dân nơi đây đã tự tin làm giàu trên quê hương thứ hai của mình. Phát huy truyền thống đó, các thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục đoàn kết, nỗ lực xây dựng địa phương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
 
HOÀNG SA