Hòa vào dòng chảy mạnh mẽ của hội nhập quốc tế, Lâm Đồng đã tạo nên một bức tranh đối ngoại địa phương toàn diện; trong đó, công tác ngoại giao kinh tế được triển khai sáng tạo và linh hoạt. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác xúc tiến, kết nối với các đối tác tiềm năng, thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, các nguồn viện trợ nước ngoài nhằm thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển toàn diện.
|
TP Đà Lạt - trung tâm chính trị - văn hoá của tỉnh |
Phải khẳng định rằng, 10 năm qua, thông qua việc chủ động xây dựng các chương trình, hoạt động ngoại giao kinh tế, kinh tế Lâm Đồng đã đạt được nhiều lợi ích thiết thực. Điều ấn tượng là tỉnh đã không còn giữ tư thế chờ tiếp nhận viện trợ nước ngoài, thay vào đó là sự linh hoạt tiếp cận các đối tác tiềm năng, chủ động gõ cửa từng đối tác để quảng bá và tìm kiếm nhu cầu hợp tác, vận động các chương trình, dự án mới. Để tranh thủ kết nối với các đối tác tiềm năng, thu hút đầu tư thương mại, tỉnh đã tranh thủ các diễn đàn song phương, đa phương để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá về tiềm năng thế mạnh phát triển của tỉnh, và đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh cũng chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giao lưu hội thảo quốc tế tạo cầu nối thiết thực và điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh và nước ngoài đến khảo sát, tìm hiểu môi trường kinh doanh, sản xuất và triển khai các hoạt động xuất - nhập khẩu, đầu tư kinh doanh. Công tác thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thời gian qua cũng đạt được bước tiến quan trọng. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 99 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 568,5 triệu USD, vốn thực hiện đến 31/12/2021 hơn 432,3 triệu USD. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Lâm Đồng do các tổ chức và cá nhân người nước ngoài của 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tập trung chủ yếu là khu vực châu Á (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore). Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư tại một số quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ… Hiện, tỉnh có 4 dự án/chương trình ODA với tổng mức đầu tư trên 2.049 tỷ đồng. Năm 2021, tổng vốn ODA là 142 tỷ đồng; số vốn giải ngân từ nguồn ODA vay lại của Chính phủ là 12,491 tỷ đồng (đạt 64,5% so với kế hoạch); số vốn giải ngân từ nguồn ODA cấp phát là gần 44 tỷ đồng (đạt 17,1% so với kế hoạch). Quốc gia có mức đầu tư ODA lớn nhất tại tỉnh hiện nay là Nhật Bản. Tỉnh đã tiếp nhận mới 7 chương trình, dự án/phi dự án viện trợ từ các cá nhân, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, với tổng vốn tài trợ khoảng 4,8 tỷ đồng.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, việc đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp và chế biến nông sản như hoa, cà phê, chè, hạt điều… với một số nước trong thời gian qua đã chứng minh hợp tác và hội nhập quốc tế chính là con đường để phát triển. Cũng nhờ làm tốt công tác đối ngoại và hợp tác, Lâm Đồng hiện đã trở thành tỉnh tiên phong trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chú trọng cả nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ. Các hoạt động ngoại giao kinh tế sáng tạo và linh hoạt, đúng hướng chính là “kim chỉ nam” giúp kinh tế của tỉnh Lâm Đồng nói chung và nông dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản nói riêng được hưởng lợi từ kinh nghiệm của các doanh nghiệp nước ngoài từ kinh nghiệm quản lý, tìm kiếm thị trường, phân phối sản phẩm, cũng như nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 182 chuỗi với 18.386 hộ liên kết, sản lượng qua chuỗi đạt trên 519,5 ngàn tấn; tổng diện tích áp dụng VietGAP, GlobalGAP... là 5.910,1 ha; diện tích sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, bền vững 4C, UTZ, Rainforest là 80.004 ha với sản lượng 255.400 tấn. Đây là con số ấn tượng mà không phải tỉnh, thành nào cũng thực hiện được, thành quả này có phần đóng góp rất lớn từ các hoạt động ngoại giao kinh tế của tỉnh suốt thời gian qua.
Ngoài các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, số lượng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế đến làm việc tại Lâm Đồng 10 năm qua cũng không ngừng tăng lên theo các năm. Tính đến hết năm 2021, tỉnh Lâm Đồng đang tiếp nhận, quản lý, sử dụng 32 chương trình, dự án, viện trợ phi dự án với tổng vốn cam kết viện trợ là 2.311.138 USD; kinh phí đối ứng là 2.008.098 USD (chủ yếu lấy từ nguồn thực hiện các chương trình dự án sẵn có của địa phương như chi trả dịch vụ môi trường rừng, vốn tái canh tác, vốn trợ giá, hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững...).
Con số này so với nhiều tỉnh, thành khác có lẽ không phải quá lớn nhưng với một tỉnh Tây Nguyên còn nghèo, giao thông còn hạn chế thì đây là nguồn lực có ý nghĩa rất lớn góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Bởi từ đây cũng đã mở ra nhiều cơ hội mới về hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường; giao lưu học hỏi các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp này đã trao cho người dân làm việc trong nhiều lĩnh vực có điều kiện và cơ hội để học hỏi. Cũng từ đây mà xuất hiện thêm những công ty, hợp tác xã bắt đầu mạnh dạn mở rộng hợp tác giao thương quốc tế, học hỏi kỹ thuật canh tác, sản xuất để nâng cao trình độ. Có thể nói rằng, ngoại giao kinh tế với các hoạt động vừa tầm, đúng trọng tâm như đã đề cập ở trên, các nội dung hợp tác xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của tỉnh nên đã giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách, phục vụ tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo thông tin từ UBND tỉnh cho biết, Lâm Đồng hiện đã có quan hệ hợp tác với các địa phương, tổ chức quốc tế và nhà đầu tư đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; đặc biệt chú trọng đến các quốc gia ASEAN. Tỉnh đã thiết lập được mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với một số địa phương trên thế giới như: Tỉnh Đông Flanders (Vương quốc Bỉ); thành phố Guri và Chuncheon (Hàn Quốc); tỉnh Champasak và Bolykhamxay (CHDCND Lào); vùng Occitanie (Pháp) và một số tổ chức quốc tế như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA)…
Không chỉ vậy, những năm gần đây ngày càng có nhiều Lãnh sự quán, Đại sứ quán của một số nước châu Á và cả châu Âu đến gặp gỡ trao đổi và đặt vấn đề tìm hiểu để hợp tác phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, quy hoạch đô thị… với tỉnh.
Có thể nói, ngoại giao kinh tế đã thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, triển khai các hoạt động kinh tế đối ngoại, phát huy nội lực của địa phương để thu hút đầu tư. Thông qua ngoại giao kinh tế, Lâm Đồng đã tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, góp phần nâng cao vị thế quốc tế, xây dựng được hình ảnh một tỉnh tiềm năng, phát triển, năng động, địa điểm đầu tư tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài, điểm đến du lịch được yêu thích của du khách trong và ngoài nước.
NGUYỄN NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin