Đến thời điểm này, thu ngân sách nhà nước (NSNN) của tỉnh Lâm Đồng đã vượt mức chỉ tiêu Trung ương giao, đạt 102% dự toán Trung ương và đã đạt 90% dự toán địa phương, bằng 128% so với cùng kỳ năm 2021. Đây được xem là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Còn 4 tháng cuối năm, để cán đích 11.000 tỷ đồng mà HĐND và UBND tỉnh giao, ngành Thuế tỉnh đã và đang có những sách lược “tăng tốc” để hoàn thành mục tiêu.
|
Thu NSNN đạt mức khá là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh |
•
8 THÁNG, VƯỢT CHỈ TIÊU TRUNG ƯƠNG GIAO
Số liệu của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng đến ngày 31/8, tổng thu NSNN 8 tháng đạt 9.950,3 tỷ đồng, bằng 102% dự toán Trung ương. Như vậy, chỉ sau 8 tháng, Lâm Đồng đã thu NSNN vượt chỉ tiêu Trung ương giao cho cả năm 2022. Con số này được đánh giá là điểm sáng trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 bùng phát. Năm 2022, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng được Trung ương giao chỉ tiêu thu NSNN là 9.740 tỷ đồng.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động kinh tế - xã hội bước vào “guồng quay” mới, cùng với đó là những gói hỗ trợ kích cầu sản xuất, tiêu dùng đã tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tăng trưởng. Đồng thời, nhu cầu thị trường có xu hướng hồi phục và ổn định, các doanh nghiệp trên địa bàn khắc phục khó khăn và đang nỗ lực mở rộng sản xuất, doanh nghiệp thành lập mới tăng 20,2% về số lượng và 17,6% về vốn đăng ký... là những điểm cộng để kinh tế Lâm Đồng khởi sắc rõ nét. Kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và địa phương, đặc biệt là của ngành Thuế.
Theo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, ban, ngành và địa phương. Đặc biệt, thu ngân sách đạt kết quả khả quan khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nền kinh tế mở cửa, nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại, với các giải pháp của Chính phủ hỗ trợ về thuế, Cục Thuế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Thông qua việc đa dạng hóa các hình thức triển khai trực tiếp và trực tuyến trên các nền tảng số như: Thư điện tử, website, Facebook, Youtube... dưới hình thức tin, bài viết, xây dựng video tuyên truyền một cách linh hoạt, sáng tạo đã giúp cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế nhanh chóng tiếp nhận được chính sách thuế mới, nhất là chính sách gia hạn về thuế.
Kết quả này là minh chứng cho các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, của UBND tỉnh Lâm Đồng đã phát huy tác dụng và đang đi đúng hướng. Hiện tại nhiều Chi cục Thuế Khu vực trên toàn tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN cho cả năm 2022, đây là tín hiệu phục hồi kinh tế khá nhanh. Trong thời gian còn lại của năm 2022, ngành Thuế đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu thu ngân sách để đảm bảo hoàn thành ở mức cao nhất so với dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022
• ĐỂ CÁN MỐC 11.000 TỶ
Năm 2022, HĐND và UBND tỉnh giao chỉ tiêu thu NSNN năm 2022 là 11.000 tỷ đồng; trong đó thu nội địa 10.690 tỷ đồng, thu từ thuế phí 6.300 tỷ đồng, thu từ đất nhà 2.680 tỷ đồng, xổ số kiến thiết 1.300 tỷ đồng, tài chính thu 290 tỷ đồng, thuế xuất, nhập khẩu 310 tỷ đồng.
Tuy nhiên, định mức phấn đấu của ngành thuế đặt ra cao hơn mức mà tỉnh giao, cụ thể, phấn đấu tổng thu NSNN trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh là 12.143 tỷ, đạt 125% dự toán Trung ương, 110% dự toán địa phương.
Ông Trần Phương - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đóng góp vào kết quả thu ngân sách không thể không nhắc tới việc triển khai có hiệu quả các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế. Cục Thuế cũng tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế để phân tích rủi ro chuyên sâu dựa trên cơ sở dữ liệu thông tin điện tử của ngành Thuế, kết hợp với thông tin từ các cơ quan chức năng quản lý nhà nước và thông tin truyền thông để xác định kịp thời, chính xác các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gian lận, trốn thuế; không tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hằng năm đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm, song cũng không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế nhằm hạn chế tối đa hiện tượng khai không đúng hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng chiếm đoạt số tiền hoàn thuế của Nhà nước; đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề với các lĩnh vực rủi ro cao về thuế như: thương mại điện tử, giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, nhà đất, hoàn thuế…
Trong 4 tháng còn lại của năm 2022, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách được giao, Cục Thuế sẽ triển khai nhiều giải pháp; trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, tiếp tục chủ động đổi mới phương thức tuyên truyền hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc thực thi chính sách pháp luật về thuế; qua đó, giúp doanh nghiệp, người nộp thuế duy trì ổn định, mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh. Song song đó, sẽ tăng cường theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế.
Cũng chính từ đó xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND các cấp chỉ đạo các ban, ngành, địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách; kịp thời đề xuất các phương án chỉ đạo, điều hành thu ngân sách phù hợp, hiệu quả.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thu NSNS trong những tháng cuối năm, mới đây tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp chỉ đạo: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thu NSNN, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống thất thu thuế và nợ đọng thuế. Cục Thuế chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, rà soát, kiểm tra, đôn đốc thu tiền thuê đất các dự án đã cho thuê đất, xác định giá cho thuê đất đối với các dự án đã hết chu kỳ ổn định đơn giá thuê đất nhằm thu đúng, đầy đủ, kịp thời số tiền phải nộp vào ngân sách.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, triển khai quyết liệt các giải pháp chấn chỉnh tình trạng khai thác đất đá, cát… trái phép gây bức xúc thời gian qua, rà soát các dự án còn nợ tiền sử dụng đất, thuê đất, nhất là các dự án nhỏ có số nợ thuế lớn, tham mưu đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý, thu hồi theo quy định. Đề xuất tổ chức đấu giá quyền khai thác các mỏ cát đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác với các mỏ đã khai thác hết trữ lượng, tham mưu UBND tỉnh tổ chức đấu giá các mỏ đất làm vật liệu san lấp.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Cục Thuế phối hợp với UBND TP Đà Lạt kiểm tra, rà soát báo cáo tình hình và kết quả tổ chức thu phí trông, giữ xe, đậu, đỗ xe (ô tô và mô tô) trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, làm rõ có tình trạng thất thu ngân sách và “bảo kê” cho việc trông, giữ xe, thu phí trái quy định hay không? Báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phương án thực hiện đảm bảo tránh thất thu NSNN, đảm bảo an ninh trật tự địa phương trước ngày 15/10/2022.
Tỉnh Lâm Đồng đã và đang thực hiện quản lý điều hành tài chính, ngân sách chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Các cấp, các ngành và các địa phương toàn tỉnh đã chủ động điều chỉnh, tiết giảm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cấp bách. Để đạt được chỉ tiêu 11.000 tỷ mà tỉnh giao và vượt mức 12.000 tỷ mà ngành Thuế đã đặt ra, các giải pháp đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt, tin rằng trong 4 tháng cuối năm, Lâm Đồng sẽ lập nên “kỳ tích” mới trong thu ngân sách nhà nước.
DIỄM THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin