Xuất khẩu hoa - gam màu sáng

06:09, 06/09/2022
Trong 7 tháng đầu năm 2022, hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh Lâm Đồng ghi nhận nhiều biến động; trong đó, đáng chú ý là nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh Lâm Đồng như: chè, hạt điều nhân và rau, củ, quả các loại đều sụt giảm mạnh về sản lượng cũng như giá trị. Tuy nhiên, mặt hàng hoa tươi xuất khẩu vẫn đang ghi nhận sự tăng trưởng khá về sản lượng cũng như giá trị. Điều này đã và đang tạo động lực để người dân, doanh nghiệp yên tâm ổn định sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu dịp cuối năm.
 
Thu hoạch hoa cúc cắt cành phục vụ cho hoạt động xuất khẩu của Công ty Dalat Hasfarm
Thu hoạch hoa cúc cắt cành phục vụ cho hoạt động xuất khẩu của Công ty Dalat Hasfarm
 
Ông Võ Quốc Khoa - Giám đốc Công ty TNHH DALAT EVERGREEN (huyện Đơn Dương) cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất và xuất khẩu hoa của các doanh nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng bị ảnh hưởng mạnh. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đầu năm 2022 đến nay, hoạt động xuất khẩu hoa sang thị trường các nước đã được khôi phục và từng bước đi vào ổn định. Chính điều này đã tạo động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoa nói riêng và ngành Hoa Lâm Đồng nói chung nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. 
 
Hiện nay, Công ty TNHH DALAT EVERGREEN đang sở hữu diện tích canh tác 8 ha nhà kính, chủ yếu là trồng các loại hoa cúc cắt cành chuyên phục vụ thị trường xuất khẩu. Riêng trong năm 2022, công ty đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản được hơn 8 triệu cành hoa các loại, tăng 30% về sản lượng và 7% về giá trị so với cùng thời điểm năm 2021. Bên cạnh thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, hiện công ty cũng đang đẩy mạnh việc xuất khẩu hoa cúc cắt cành sang thị trường Úc. Tuy nhiên, hiện tại tỉnh Lâm Đồng mới chỉ có Công ty Dalat Hasfarm được phép sử dụng hoạt chất Glyphosate triệt mầm hoa cúc để xuất khẩu sang thị trường Úc, do đó doanh nghiệp cũng rất mong được Bộ NN -PTNT xem xét có cơ chế linh hoạt cho phép công ty được thực hiện. 
 
Theo ông Khoa, khó khăn hiện nay mà các doanh nghiệp xuất khẩu hoa nói riêng và xuất khẩu nông sản nói chung của tỉnh Lâm Đồng đang gặp là tình trạng tăng phi mã về các chi phí logistics. Điều này khiến cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp ghi nhận tăng mạnh về sản lượng nhưng sụt giảm hoặc chỉ tăng nhẹ về giá trị thương mại. Nhưng so với thời điểm từ năm 2020 - 2021, hiện các hoạt động thương mại về xuất khẩu trên thị trường quốc tế đã trở lại bình thường. 
 
Riêng đối với thị trường Nhật Bản (chiếm hơn 60% thị phần xuất khẩu hoa cúc) và thị trường xuất khẩu hoa nói chung, dịp cuối năm sẽ là lúc thị trường trở nên sôi động bởi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu đẩy mạnh sản xuất, qua đó hướng đến một năm 2022 đạt được nhiều thành công về hoạt động sản xuất, kinh doanh. 
 
Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, trong tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu hoa toàn tỉnh ước đạt 5,89 triệu USD, tăng 43,24% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng hoa các loại xuất khẩu chủ yếu vẫn do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện như: Dalat Hasfarm, Apollo, Việt Nhật, Hoa Trường Xuân... thực hiện, với các thị trường xuất khẩu chủ lực vẫn là Nhật Bản, UAE, Úc, Indonesia, Trung Quốc, Đan Mạch, Đài Loan...
 
Còn lũy kế trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hoa tỉnh Lâm Đồng ước đạt giá trị 36,98 triệu USD, tăng 20,38% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của Sở Công thương, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hoa ghi nhận sự tăng trưởng tốt về sản lượng và khá về mặt giá trị. Điều này cho thấy, ngành Xuất khẩu hoa đã thích nghi, giữ vững được thị trường; đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng trong bối cảnh hậu dịch COVID-19. 
 
Dự báo, từ nay đến cuối năm 2022 và thời điểm quý I/2023, đối với các thị trường xuất khẩu hoa chính của Lâm Đồng như: Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và các nước Đông Nam Á được dự báo sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng. Riêng các thị trường như Úc, châu Âu, châu Mỹ sẽ có bước khởi sắc đáng kể. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hoa tỉnh Lâm Đồng mở rộng sản xuất và thị trường xuất khẩu. 
 
Tuy nhiên, từ đây đến cuối năm, các doanh nghiệp trong tỉnh không nên vội mở rộng quy mô sản xuất, thay vào đó chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp cần tuân thủ quy định pháp luật về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Việt Nam và các nước nhập khẩu, cũng như cần cải thiện quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng hoa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường trên thế giới. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển thị trường hoa chất lượng cao trong nước. 
 
HOÀNG SA