Rau thủy canh theo tiêu chuẩn GlobalGAP trồng tại TP Đà Lạt và vùng phụ cận đang được các đối tác tại Singapore và Hàn Quốc đặt mua với số lượng lớn.
|
Công nhân trang trại Langbiang Farm đang sơ chế rau trước khi đóng gói cho vào kho lạnh |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, diện tích canh tác nông nghiệp của địa phương hiện vào khoảng 300.000 ha với các sản phẩm chủ lực bao gồm rau, hoa, chè, cà phê, cây ăn quả, dâu tằm...; trong đó, diện tích nông nghiệp công nghệ cao là 63.000 ha, chiếm 21%.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp của địa phương phát triển theo hướng nâng cao giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là xuất khẩu. Địa phương cũng tập trung phát triển sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc và mã vùng trồng.
Hiện diện tích sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, UTZ, 4C… của Lâm Đồng đạt khoảng 78.000 ha. Giá trị sản xuất bình quân 185 triệu đồng/ha. Nhiều diện tích rau, hoa công nghệ cao đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha.
Theo UBND TP Đà Lạt, thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, Singapore thời gian qua bắt đầu đặt mua xà lách Đà Lạt thường xuyên và định kỳ, đơn hàng mua theo năm, với khoảng 200 tấn/tuần, có thể tăng sản lượng nhưng phải đảm bảo tiêu chí về chất lượng.
Tại TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương, nhiều loại rau sạch đang được các đối tác tại Singapore và Hàn Quốc đặt mua trực tiếp với sản lượng lớn. Cuối tháng 9/2022, khoảng 24 tấn xà lách và nhiều loại rau lá khác đã được Trang trại Langbiang Farm (Phường 7, Đà Lạt và xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương) giao đi Singapore.Riêng đối với đơn hàng xuất đi Hàn Quốc, trang trại này đang phối hợp với một số trang trại khác sản xuất để bàn giao định kỳ hàng tuần. Loại rau phía Hàn Quốc nhập từ Đà Lạt là loại xà lách pha lê (một giống xà lách giòn, phù hợp với các món nướng).
Ông Trần Huy Đường (chủ trang trại Langbiang Farm) cho biết, toàn bộ nông sản phía Singapore và Hàn Quốc đặt mua là rau công nghệ cao, không nhất thiết phải thực hiện theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và nước nhập khẩu. Đối tác Hàn Quốc và Singapore mua nông sản trực tiếp từ nông dân, người sản xuất. Khác với trước đây, chủ yếu mua qua doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn nước ngoài) đang tổ chức sản xuất tại Đà Lạt.
C.THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin