Cây nha đam, một loại cây sử dụng để làm thực phẩm, dược phẩm được ưa chuộng xưa vốn phát triển ở vùng đất cát nắng nóng Ninh Thuận, Bình Thuận. Nhưng hôm nay, nhiều nông hộ Lâm Đồng đã trồng nha đam nguyên liệu với quy mô lớn và đạt hiệu quả kinh tế cao.
|
Vườn nha đam của anh Vĩnh Thanh Long |
Anh Vĩnh Thanh Long (xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) trồng hơn 1 ha nha đam để cung cấp cho nhà máy chế biến gần 2 năm qua. Với diện tích hơn 1 ha, anh xuống giống trên 5 ngàn gốc cây nha đam, cung cấp những bẹ nha đam dày, cứng, là nguyên liệu chế biến ra nhiều loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm phục vụ người tiêu dùng. Anh Vĩnh Thành Long cho biết, nha đam là cây rất dễ trồng, có khả năng thích nghi với các điều kiện đất đai, nhiệt độ khá tốt. Cây nha đam có thể sống trên nhiều loại đất khác nhau như đất thịt nhẹ, đất pha cát, đất tơi xốp thoát nước và giữ ẩm tốt. Tuy nhiên ở Ninh Gia, Đức Trọng, nhiều diện tích đất pha sét thoát nước chưa tốt, vì vậy cây nha đam phát triển còn chậm, chưa nhanh như vùng đất cát nắng Ninh Thuận, nhưng có ưu điểm là đủ nước, thân xanh, bẹ đẹp.
Theo anh Vĩnh Thanh Long, nhu cầu nha đam của nhà máy đặt tại Ninh Thuận là khá lớn. Nhằm đáp ứng nhu cầu của công ty, anh xuống giống trên 55 ngàn gốc nha đam từ năm 2020. Chỉ sau 2 - 3 tháng, cây bắt đầu cho thu hoạch. Hiện, anh đang thu hoạch bẹ nha đam với chu kì 1 tháng/lần, mỗi lần thu xấp xỉ 30 tấn. Cây gần như không phải chăm bón gì nhiều, mùa nắng cần tưới nước 3 ngày/lần, mùa mưa không phải tưới. Anh Long chia sẻ, trước khi trồng, anh cày xới, cải tạo đất với phân hữu cơ và vôi bột. Sau khi xuống giống, chỉ cần làm cỏ 1 tháng/lần để cỏ không che lấp môi trường sống của nha đam. Còn lại, cây không cần bón thêm một loại phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật nào, sản phẩm thu hoạch được rất sạch. Anh cũng chia sẻ, cây nha đam trồng lấy lá, vì vậy muốn nha đam cho bẹ lá to, mọng nước thì phải chú ý đến việc bón thúc phân NPK cho cây định kỳ 1 tháng một lần, bón phân vào gốc cây rồi tưới nước kết hợp với xới xáo đất để rễ cây dễ hấp thụ phân bón. Anh cũng cho biết, vòng đời của nha đam thường dài 5 năm, sau 2 năm cần hạ gốc để cây nảy thân mới, đảm bảo năng suất và chất lượng của bẹ.
Không chỉ trồng nha đam, anh Vĩnh Thanh Long còn thực hiện kinh tế tuần hoàn, kết hợp trồng nha đam và nuôi trùn quế. Anh Long cho biết, trong quá trình trồng nha đam, phụ phẩm từ thân, lá nha đam khá nhiều, anh quyết định nuôi thử nghiệm trùn quế, vừa tiêu thụ lá nha đam dư thừa, vừa có thêm phân trùn quế sử dụng trong canh tác. Anh xây những ô nuôi hình vuông với diện tích khoảng 10 m
2, cao 30 cm. Bên trong, anh thả nuôi trùn quế và sử dụng nha đam thừa làm thức ăn cho trùn. Anh Long cho biết, cứ rải 2 lớp nha đam đến 1 lớp phân bò lên trên mặt ô nuôi, để trùn quế ăn hết và sau 5 ngày lại cho ăn một lần. Kết quả khá khả quan, trùn quế sinh trưởng tốt, cho ra phân đều với tốc độ 2 tuần/lần thu.
Mỗi ô nuôi 10 m
2 có thể sản xuất 2 - 3 khối phân/lần. Phân trùn quế sử dụng bón cho cây trồng rất tốt. Anh còn pha loãng phân trùn, bón trực tiếp trở lại cho vườn nha đam, cây rất khỏe, lá xanh, bẹ cứng, lớn nhanh, không sâu bệnh. Hiệu quả cao nên anh Long đang dự tính mở rộng thêm ô nuôi, nuôi thêm bò và trồng thêm nha đam để vừa cung cấp lá cho đơn vị chế biến, vừa lấy phế phẩm nuôi trùn quế, mục tiêu đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng phân bón trên diện tích hơn 5 ha cây trồng các loại của gia đình, giúp tiết giảm chi phí phân bón. Anh cũng đang hỗ trợ mộ số nông hộ khác nhân rộng mô hình trồng nha đam cũng như nuôi trùn quế, vừa có thu nhập từ nha đam, vừa có phân trùn sử dụng cho đồng ruộng, giảm chi phí rất nhiều cho người nông dân.
Bà Đinh Thị Tường Vi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Gia cho biết, Mô hình Trồng nha đam - nuôi trùn quế của gia đình anh Vĩnh Thanh Long là mô hình hiệu quả, vừa có thu nhập tốt, xử lý môi trường tốt, có thêm nguồn phân hữu cơ phục vụ cây trồng hiệu quả, được nhiều bà con trong xã học hỏi cùng phát triển.
DIỆP QUỲNH