Di Linh: Vô tư rao bán động vật hoang dã trên mạng xã hội

HẢI ĐƯỜNG - ĐÔNG ANH 14:53, 15/03/2023

(LĐ online) - Trên mạng xã hội đã đăng tải thông tin công khai rao bán động vật hoang dã trên địa bàn huyện Di Linh. Theo như thông tin được đăng tải, động vật hoang dã được rao bán là một cá thể chồn mốc (cầy vòi mốc) mà người đăng vừa đi rừng bắt được.

Thông tin rao bán động vật hoang dã trên mạng xã hội
Thông tin rao bán động vật hoang dã trên mạng xã hội

Cụ thể, vào lúc 11 giờ 15 phút ngày 15/3, trên trang facebook Di Linh Đồng Hương Hội, tài khoảng facebook cá nhân Hân Nguyễn đăng tải thông tin công khai kèm theo hình ảnh cá thể chồn mốc kèm theo nội dung “Nhà em vừa mới bẫy được một con chồn mốc (cầy vòi mốc). Đi núi bẫy được, nặng cỡ 1 kg. Ai muốn mua hay để nuôi thì ib em nhé, giá cả ib em”. Sau khi thông tin được đăng tải, đã có nhiều người vào bình luận hỏi mua cá thể chồn mốc nói trên.

Cá thể chồn mốc được đăng tải rao bán công khai trên mạng xã hội
Cá thể chồn mốc được đăng tải rao bán công khai trên mạng xã hội

Qua trao đổi, Công an huyện Di Linh cho biết, việc rao bán động vật hoang dã bất cứ ở hình thức nào đều vi phạm pháp luật. Công an huyện Di Linh đã nắm được vụ việc rao bán động vật hoang dã trên mạng xã hội và đang tiến hành xác minh để có hướng xử lý theo quy định.

Cầy vòi mốc (tên khoa học là Paguma larvata) là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã cần được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu đến 360 triệu đồng (theo quy định tại Điều 21, 22, 23, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp) hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo Điều 234; tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo Điều 244,  BLHS năm 2015 bổ sung 2017.