Phòng, chống ma túy, mại dâm - còn đó những thách thức

HÀ NGUYỆT 03:42, 29/03/2023

Lâm Đồng là tỉnh thuộc tuyến Bắc miền Trung - Tây Nguyên, giáp với các tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông. Cả 3 tỉnh này đều có đường biên giới giáp với Campuchia - là một trong các nước gần với khu vực “tam giác Vàng” - trung tâm sản xuất trái phép chất ma túy lớn trên thế giới. Vì vậy tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể làm phát sinh, gia tăng phức tạp đến tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy.

Bài 1: Tiềm ẩn nhiều hiểm họa khó lường từ ma túy

Đại tá Huỳnh Thới An - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (C04) - Bộ Công an, thành viên Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao đổi về công tác phòng, chống ma túy tại Lâm Đồng
Đại tá Huỳnh Thới An - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (C04) - Bộ Công an, thành viên Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao đổi về công tác phòng, chống ma túy tại Lâm Đồng

Hiện nay, xu hướng của người nghiện ma túy là chuyển từ sử dụng heroin sang ma túy tổng hợp như ketamine, methamphetamine và sử dụng cùng lúc nhiều loại ma túy khác nhau, điển hình là nhóm các chất cần sa tổng hợp được tẩm ướp dạng thảo mộc (thường gọi là cỏ mỹ), lá cây khát (có chứa thành phần chất cathione). Người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng nhiều và không ít trở thành người có biểu hiện “ngáo đá” vì sử dụng lâu dài, trở thành một mối đe dọa cho xã hội.

Theo số liệu báo cáo, tính đến ngày 14/2/2023, tổng số người nghiện và sử dụng ma túy trên địa bàn Lâm Đồng là 2.575 người; trong đó, có 962 người nghiện ma túy, 1.613 người sử dụng trái phép chất ma túy; 1.817 người ngoài xã hội, 312 người trong các trung tâm cai nghiện, 293 người trong nhà tạm giữ, 150 người trong trại giam, 3 người trong cơ sở giáo dục, trại cải tạo… 

Trong xã hội hiện đại như ngày nay, thực trạng nhiều gia đình không có thời gian để gần gũi, tìm hiểu tâm tư, tình cảm, theo dõi các diễn biến tâm lý con. Cùng với đó là sự tò mò, đua đòi của một bộ phận thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, có quan niệm cho rằng phải sử dụng ma túy tổng hợp mới sành điệu, thời thượng và nhận thức sai lầm rằng sử dụng ma túy tổng hợp chỉ tạo cảm giác vui vẻ, hưng phấn tức thời, không gây nghiện nên sử dụng rất an toàn. 

Một số ban đầu không có chủ định sử dụng, nhưng do những lời “kích bác, mời thử, dụ dỗ” của bạn bè và để chứng tỏ “bản lĩnh” nên đã sử dụng các loại chất kích thích này; một số khác do tò mò không biết các chất gây nghiện đó mùi vị, cảm giác như thế nào nên muốn thử cho biết. Thậm chí hiện nay, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn trộn lẫn các chất ma túy vào các loại thực phẩm như bánh kẹo, trà sữa... để bán cho các cháu học sinh, sinh viên sử dụng dẫn đến bị nghiện. Đây là điều rất đáng lo ngại, nhất là các bậc phụ huynh học sinh có con em trong độ tuổi cấp 2, cấp 3, mới lớn và thích khám phá những điều độc lạ, bị đối tượng lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo, kích động. Mặt khác, do ma túy tổng hợp rất dễ tiếp cận, dễ thử, dễ sử dụng và phù hợp với không khí vui vẻ, sôi động tại các điểm vui chơi, giải trí của giới trẻ như các quán bar, karaoke... là những yếu tố làm gia tăng người sử dụng trái phép chất ma túy hiện nay.

Đại tá Huỳnh Thới An - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (C04) - Bộ Công an, thành viên Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây tại Lâm Đồng nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, đặc biệt là sau khi Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy trên cả nước nói chung, trong đó có Lâm Đồng. Thời gian qua, Công an tỉnh Lâm Đồng đã đấu tranh, bắt giữ nhiều vụ án lớn về ma túy, không để phức tạp, phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Các mặt công tác phòng ngừa được thực hiện đồng bộ góp phần kiềm chế sự gia tăng của người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy. 

Tuy nhiên, công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; lập hồ sơ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; công tác quản lý sau cai nghiện đạt hiệu quả chưa cao. Công tác nắm các điểm kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự có liên quan tổ chức, chứa chấp, mua bán trái phép chất ma túy còn hạn chế. Điều tra mở rộng án ma túy chưa cao. Cơ quan chuyên môn cần lưu ý đến các chất ma túy mới từ châu Âu du nhập vào Việt Nam, trong đó đối tượng nhắm vào là các cháu nơi học đường, thông qua các dạng thuốc lá điện tử, trà sữa, nước uống… Chính vì vậy, lực lượng công an địa phương cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh nhằm bảo vệ tốt nhất sự an toàn cho cộng đồng. 

Mặc dù chỉ là địa bàn tiêu thụ, chưa phải là nơi tập trung các đường dây hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn, nhưng thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy tại Lâm Đồng diễn biến phức tạp. Các đối tượng phạm tội ma túy hoạt động mang tính chất liên huyện, liên tỉnh, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động nhằm đối phó với cơ quan chức năng, liên lạc trao đổi thông tin hoạt động mua bán ma túy hầu hết thông qua các ứng dụng trên mạng xã hội như: telegram, instagram…, giao dịch tiền mua bán ma túy thông qua các dịch vụ chuyển tiền online như viettel bay, momo… nên gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng. 

Tình trạng các thanh, thiếu niên tụ tập, lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để tàng trữ, sử dụng và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy còn xảy ra trên một số địa bàn.

Các đối tượng - chủ yếu là người có sử dụng ma túy, vẫn lén lút trồng trái phép các loại cây có chứa chất ma túy (cần sa), với thủ đoạn là trồng trong các chậu cây giấu trong nhà, trồng xen trong các vườn cà phê, trồng tại các khu vực nương rẫy, khu vực đất trống ở vùng sâu, vùng xa... gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện, xử lý.

Do lượng người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn cao, số người phát sinh chưa được kiềm chế; trong khi đó buôn bán ma túy siêu lợi nhuận nên các đối tượng luôn gia tăng hoạt động. Từ đó, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự và sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Thời gian qua, Công an tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn về phổ biến chính sách, kiến thức pháp luật về công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là những điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy; về hậu quả, tác hại và phương thức, thủ đoạn hoạt động mới nổi lên của tội phạm, tệ nạn ma túy; về kiến thức, kỹ năng phòng tránh ma túy để doanh nghiệp, người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống và hỗ trợ các lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý tội phạm và tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, cộng đồng xã hội, gia đình, các tổ chức, đoàn thể nên quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền, giáo dục tại các trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của tệ nạn ma túy trong cơ quan, trường học. Hạn chế tối đa sự xâm nhập, lây lan của tệ nạn ma túy vào tầng lớp thanh, thiếu niên.

Theo đó, cần phải tiếp tục nêu cao trách nhiệm của cộng đồng, gia đình và cá nhân người nghiện. Chính quyền địa phương, đơn vị cần phối hợp trong công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy; đồng thời, đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở, phát huy hiệu quả các mô hình trong đoàn viên, thanh niên, Hội Phụ nữ; nâng cao chất lượng cảm hóa giáo dục số thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; quần chúng Nhân dân đã có sự phối hợp trong thông tin, trao đổi về tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy.

(Còn nữa)