Cần khắc phục những “điểm nghẽn” đẩy nhanh việc thực hiện Đề án 06

THỤY TRANG 06:01, 23/04/2024

Đó là kết luận của Hội nghị sơ kết quý I/2024 về thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06), do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức vào ngày 10/4 vừa qua.

Quang cảnh Hội nghị sơ kết quý I / 2024 về thực hiện Đề án 06 của tỉnh 
tại điểm cầu UBND tỉnh
Quang cảnh Hội nghị sơ kết quý I / 2024 về thực hiện Đề án 06 của tỉnh tại điểm cầu UBND tỉnh

Theo báo cáo đánh giá, sơ kết công tác quý I/2024 của Ban Chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh, việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của UBND tỉnh, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Nổi bật là người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp tham gia chỉ đạo và chủ động phối hợp trong việc triển khai Đề án 06 tại đơn vị mình, như: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế. Riêng Cơ quan Thường trực đã làm tốt vai trò tham mưu thường trực và tiên phong gương mẫu đi đầu trong thực hiện Đề án 06 ở địa phương, phối hợp, theo dõi, đôn đốc, rà soát, đánh giá tiến độ triển khai các nhiệm vụ của Đề án để thống nhất các giải pháp thực hiện bảo đảm theo yêu cầu. 

Cùng với đó, 12/33 mô hình điểm về Đề án 06 đã hoàn thành triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến được nâng lên (đạt tỷ lệ 81,71%). Đồng thời, đã tích cực triển khai chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách có tài khoản và mong muốn trả qua tài khoản trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để đẩy nhanh việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, vẫn còn một số sở, ngành, địa phương chưa chủ động, quyết liệt trong tham mưu, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, nguy cơ không hoàn thành các nhiệm vụ được giao (đến nay, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chỉ mới nhận được kế hoạch triển khai Đề án 06 năm 2024 của 13 sở, ngành; 2 địa phương chậm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 năm 2024).

Trong quý, vẫn còn 4 nhiệm vụ từ năm 2023 chuyển sang triển khai chưa đạt yêu cầu về tiến độ là việc hoàn thành 100% công tác làm sạch dữ liệu Bảo hiểm xã hội; Hoàn thành đề xuất, bố trí kinh phí thực hiện Đề án 06 giai đoạn 2023 - 2025; Rà soát, tham mưu, đề xuất cắt giảm bộ phận tiếp nhận trực tiếp để đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; Và rà soát, điều động cán bộ được đào tạo, có kinh nghiệm về công nghệ thông tin, đặc biệt là an toàn thông tin thực hiện chuyên trách công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin tại đơn vị. Xây dựng kế hoạch đào tạo chuyên sâu về công tác công nghệ thông tin phục vụ Đề án 06.

Trong khi đó, công tác đôn đốc, rà soát, số hóa dữ liệu của một số sở, ngành vẫn còn chậm, như việc số hóa dữ liệu đất đai, dữ liệu hộ tịch, dữ liệu người lao động từ đủ 15 tuổi. Chưa kể chế độ thông tin báo cáo của một số sở, ngành, địa phương đôi lúc chưa kịp thời, đảm bảo theo quy định, ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, báo cáo cho Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ. 

Đặc biệt, hội nghị lần này cũng đã chỉ ra 2 “điểm nghẽn” làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06 cần tập trung giải quyết để thúc đẩy thực hiện Đề án 06 là kinh phí và công tác số hóa dữ liệu chuyên ngành (hộ tịch, đất đai, người lao động). 

Để khắc phục những tồn tại trên, thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt tinh thần quyết tâm, quyết liệt, kiên trì trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện, phải nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của Đề án 06 trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, rà soát, đánh giá toàn diện các nhiệm vụ cụ thể đã được phân công tại các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, của Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh, trọng tâm là các kế hoạch của Ban Chỉ đạo về triển khai và bổ sung, thúc đẩy thực hiện Đề án năm 2024 (Kế hoạch số 715 ngày 23/01/2024, Kế hoạch số 2046 ngày 15/3/2024). 

Nghiên cứu, thực hiện nghiêm Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai của các bộ, ngành Trung ương để đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, hiệu quả tất cả các nhiệm vụ. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như việc hoàn thành ngay trong tháng 4/2024, đối với nhóm nhiệm vụ chậm muộn năm 2023 chuyển sang đến nay chưa hoàn thành. 

Đồng thời, tập trung thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ quý II/2024. Nổi bật là nhóm tiện ích phục vụ cung cấp dịch vụ công; Và việc thực hiện số hóa hồ sơ đầu vào theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính để đảm bảo người dân, doanh nghiệp “Chỉ cung cấp thông tin một lần” đối với thông tin đã có trong hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh; Thực hiện xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử, chấm dứt tình trạng Bộ phận Một cửa các cấp nhận hồ sơ giấy không số hóa và mang vào các cơ quan, đơn vị để giải quyết theo phương thức thủ công truyền thống.

Đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin sổ sức khỏe điện tử trên VneID. Và đẩy mạnh triển khai 33 mô hình điểm của Đề án 06, nhất là mô hình mang tính đặc trưng của địa phương Lâm Đồng (phát triển du lịch gắn với phát triển đặc sản vùng, miền)... 

Riêng với các mô hình chậm muộn, khó khăn trong quá trình triển khai, đề nghị các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá về quy mô, phạm vi, xác định lại tính khả thi; tập hợp báo cáo với những khó khăn, vướng mắc phát sinh, đề xuất dừng hoặc tiếp tục triển khai về Cơ quan Thường trực trước ngày 30/4/2024 để tham mưu đề xuất Ban Chỉ đạo Đề án 06 bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.