Những ngọn đồi bị “bức tử” tại vựa rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng

ĐÔNG ANH - NGUYỄN THÀNH 09:07, 24/04/2024

(LĐ online) - Hàng loạt ngọn đồi tại huyện Đơn Dương - nơi được mệnh danh là vựa rau lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng đã và đang tiếp tục bị đào múc tan hoang để lấy đất chở đi bán.

Hoạt động san gạt, vận chuyển đất diễn ra tại một đồi đất tại thôn K’Lót (xã Tu Tra)
Hoạt động san gạt, vận chuyển đất diễn ra tại một ngọn đồi tại thôn K’Lót (xã Tu Tra)

Nhiều xe đào và hàng chục chiếc xe ben đủ kích cỡ cứ ngang nhiên đào múc, vận chuyển đất đi bán cả ngày lẫn đêm. Tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài, trên một địa bàn rộng lớn qua các xã Pró, Ka Đơn, Ka Đô, Tu Tra và thị trấn D’ran. Thế nhưng, việc kiểm tra và xử lý vi phạm của chính quyền địa phương chỉ mang tính chất cầm chừng và gần như bị bỏ ngỏ.

2 xe ben vào chở đất tại một đồi đất tại thôn Pró Trong (đồi Pha Lê, xã Pró, gần đập Krăng Chớ) vào chiều 9/4
2 xe ben vào chở đất tại một đồi đất tại thôn Pró Trong (đồi Pha Lê, xã Pró, gần đập Krăng Chớ) vào chiều 9/4

Thôn Pró Trong (xã Pró, huyện Đơn Dương) là địa bàn xảy ra tình trạng khai thác đất trái pháp luật rầm rộ nhất được chúng tôi ghi nhận trong suốt thời gian tác nghiệp tại đây. Có ít nhất 8 ngọn đồi tại thôn Pró Trong thường xuyên diễn ra hoạt động khai thác, vận chuyển đất trái pháp luật một cách công khai từ sáng sớm đến chiều muộn và cả vào ban đêm.

Xe đào, xe ben hoạt động trong đêm 10/4 tại một đồi đất tại thôn Pró Trong (xã Pró)
Xe đào, xe ben hoạt động trong đêm 10/4 tại một đồi đất tại thôn Pró Trong (xã Pró)

7 giờ tối 10/4, sau nhiều ngày theo dõi và quan sát địa hình, chúng tôi tiến vào một ngọn đồi thuộc thôn Pró Trong. Ngọn đồi này được bao bọc bởi những vườn rau của người dân địa phương.

Lúc này, một chiếc xe đào màu vàng đã túc trực tại đây nhiều ngày trước đó, liên tục múc đất đổ lên chiếc xe ben. Sau khi đất được múc đầy, tài xế leo lên thùng xe phủ bạt sơ sài rồi cho xe từ từ rời đi. Một lúc sau, một chiếc xe khác lại tiến vào để lấy đất chở đi.

Từ bãi đất này, tài xế điều khiển xe chạy đường thôn Pró Trong, ngang qua 2 trường học tiểu học và THCS Pró, rồi ra đường liên xã Ka Đơn, Tu Tra và đổ tại một địa điểm trên địa bàn thị trấn Thạnh Mỹ. Hoạt động đào múc đất và chở đi nơi khác như thế cứ được lặp đi lặp lại liên tục trong đêm.

3 xe ben chở đất xuất hiện cùng một thời điểm tại khu vực đồi ông Sư (thôn Pró Trong, xã Pró) vào sáng 10/4
3 xe ben chở đất xuất hiện cùng một thời điểm tại khu vực đồi Ông Sư (thôn Pró Trong, xã Pró) vào sáng 10/4

Nhiều ngày sau đó, chúng tôi liên tiếp ghi nhận tình trạng khai thác đất trái pháp luật diễn ra rầm rộ trên địa bàn xã Pró, đặc biệt là tại thôn Pró Trong. Tại khu vực gần đập Krăng Chớ thuộc địa bàn xã Pró, có 2 ngọn đồi mà người dân địa phương thường gọi là đồi Ông Sư và đồi Pha Lê, một khối lượng lớn đất đã bị đào múc trong một thời gian dài trước đó. Thời gian chúng tôi có mặt, tại 2 quả đồi này luôn có 2 xe đào túc trực và mỗi ngày có hàng chục lượt xe ben ra vào chở đất.

Sáng 19/4, sau khi múc đầy đất, 2 xe ben chở đất từ một đồi đất tại thôn Pró Trong chở đi đổ nơi khác
Sáng 19/4, 2 xe ben chở đất từ một đồi đất tại thôn Pró Trong chở đi nơi khác

Xung quanh khu vực này, nhiều ngọn đồi khác cũng bị đào múc và tàn phá không thương tiếc. Máy đào và xe ben cứ ngang nhiên đào múc và vận chuyển đất công khai giữa ban ngày. Lộ trình chở đất của những chiếc xe ben này có khi đi ngang khu vực trường học hay khu dân cư đông đúc và rất gần với trụ sở UBND và Công an xã Pró.

Một số xe vận chuyển đất qua ngã 3 gần UBND xã Ka Đơn vào sáng 7/4. Ảnh cắt từ Video clip
Một số xe vận chuyển đất qua ngã 3 gần UBND xã Ka Đơn vào sáng 7/4. Ảnh cắt từ Video clip

Mỗi buổi sáng, ngồi ở Tiệm cà phê 05 ngay ngã 3 gần UBND xã Ka Đơn, không khó để chúng tôi ghi hình hàng loạt xe ben chở đất từ các địa điểm tại thôn Pró Trong (xã Pró), đập Ka Đơn (xã Ka Đơn), thôn K’Lót (xã Tu Tra) và mỏ đá R’Lơm (xã Ka Đô) tỏa đi các hướng.

Vận chuyển đất theo đội xe

Thông thường, tại mỗi ngọn đồi múc đất, có từ 4 - 5 xe ben tham gia chở đất đi đổ ở nhiều vị trí tại nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đơn Dương. Các xe này không hoạt động tại một đồi đất nhất định mà thường luân phiên giữa các đồi. Đây cũng là một cách thức để các xe tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Một số xe ben thường hoạt động theo đội, nghĩa là lấy đất cùng 1 nơi và đổ đất cùng 1 ví trí. Quá trình tác nghiệp, chúng tôi đều ghi hình tại điểm múc đất, lộ trình vận chuyển của các xe và địa điểm đổ đất. Tất cả các xe vận chuyển đều được ghi nhận rõ ràng biển kiểm soát.

Các xe đổ đất tại khu vực cầu Ông Thiều (xã Tu Tra). Ngay sau khi đất được đổ xuống, xe đào sẽ san gạt ngay lập tức
Các xe đổ đất tại khu vực cầu Ông Thiều (xã Tu Tra). Ngay sau khi đất được đổ xuống, xe đào sẽ san gạt ngay lập tức

Trong khi đó, tại thị trấn D’ran, hoạt động đào múc đất đồi và vận chuyển đi nơi khác cũng được ghi nhận diễn ra trong nhiều ngày, chủ yếu vào ban đêm tại tổ dân phố Lâm Tuyền 2 và tổ dân phố Phú Thuận 3.

Một ngọn đồi ở thôn Phú Thuận, thị trấn D’ran bị đào múc tan hoang. Ảnh chụp sáng 9/4
Một ngọn đồi ở thôn Phú Thuận, thị trấn D’ran bị đào múc tan hoang. Ảnh chụp sáng 9/4

Tại những khu vực này, nhiều xe ben sau khi được múc đầy đất đã chở đi đổ tại nhiều vị trí trên địa bàn thị trấn D’ran, chủ yếu cho các hộ dân đang có công trình xây dựng cần đất để san lấp mặt bằng.

Một cụm đồi đất ở thôn K’Lót (xã Tu Tra) bị đào múc, vận chuyển đất đi nơi khác để lại cảnh tượng nham nhở
Một cụm đồi đất ở thôn K’Lót (xã Tu Tra) bị đào múc, vận chuyển đất đi nơi khác để lại cảnh tượng nham nhở

Còn tại thôn K’Lót, xã Tu Tra, một quả đồi rộng lớn cũng bị đào múc tan hoang. Tại đây, lấy “danh nghĩa” san gạt đất cải tạo mặt bằng tại chỗ nhưng thực tế thì số lượng đất đắp tại chỗ rất ít, còn số lượng đất được chở ra ngoài thì lại rất lớn.

Bao quanh ngọn đồi này là đường dân sinh dẫn vào thôn K’Lót và khu vực sản xuất của người dân. Từ các hướng vòng quanh con đường này đều dễ dàng nhận thấy quả đồi bị đào múc tan hoang, gần như sắp biến mất.

Quang cảnh mỏ đá R’Lơm thuộc địa bàn xã Ka Đơn
Quang cảnh mỏ đá thuộc địa bàn 2 xã Ka Đơn và Tu Tra

Đối diện ngọn đồi thôn K’Lót là mỏ đá thuộc địa bàn 2 xã Tu Tra và Ka Đơn. Trong đó, phần mỏ đá trên địa bàn Tu Tra dù hoạt động chính là khai thác đá nhưng mỗi ngày tại đây vẫn có rất nhiều xe ben dán tên Hưng Nguyên, Quốc Khánh, Lê Văn Oai, An Đạt Phát vào chở đất đi đổ tại nhiều nơi trên địa bàn huyện Đơn Dương.

Vị trí các xe múc đất trong mỏ đá R’Lơm để chở ra ngoài
Vị trí các xe múc đất trong mỏ đá để chở ra ngoài

Điều đặc biệt tại mỏ đá này là đất được vận chuyển đi với “danh nghĩa” phục vụ thi công công trình đường tránh thị trấn Thạnh Mỹ. Ngay trên cabin một số xe ben cũng dán tờ giấy A4 ghi rõ nội dung này. Thế nhưng, hầu hết các xe vào lấy đất tại mỏ đá này đều hoạt động “núp bóng”, vì thực chất là chở đất đi đổ tại nhiều vị trí khác trên địa bàn huyện Đơn Dương, chứ không phục vụ thi công đường tránh.

Các xe vận chuyển đất từ mỏ đá R’Lơm ra ngoài vào ngày 7/4
Các xe vận chuyển đất từ mỏ đá ra ngoài vào ngày 7/4

Trong đó, nhiều nhất là các xe có dán tên Lê Văn Oai chở đất đi đổ tại khu vực cầu Ông Thiều (xã Tu Tra) và một số địa điểm tại thị trấn Thạnh Mỹ. Ngay cả các xe dán tên Hưng Nguyên dù có chở đất đi về khu vực thi công đường tránh thị trấn Thạnh Mỹ và bãi tập kết tại vị trí đối diện Chùa Giác Châu (xã Ka Đơn), nhưng trên thực tế, nguồn đất tại mỏ đá R’Lơm vẫn chưa có giấy tờ hợp pháp dùng để thi công đường tránh.

Hoạt động chở đất tại mỏ đá chủ yếu lợi dụng danh nghĩa để phục vụ thi công đường tránh, chưa có văn bản nào chấp thuận sử dụng nguồn đất này làm đường tránh và UBND xã cũng không nắm được những đầu xe nào được phép thực thi nhiệm vụ này thực sự.

Ảnh 13: tục múc và vận chuyển đất đi nơi khác. Ảnh chụp sáng 6/4
Xe đào, xe ben liên tục múc và vận chuyển đất đi nơi khác từ một ngọn đồi trên đường vào đập Ka Đơn. Ảnh chụp sáng 6/4

Cũng tại xã Ka Đơn, trên tuyến đường đi vào đập Ka Đơn thuộc địa phận thôn Sao Mai, một ngọn đồi vừa thu hoạch xong cà tím cũng bị đào múc không thương tiếc để lấy đất. Trong nhiều ngày, tại đây thường xuyên có bình quân 5 xe ben chở đất đi đổ tại nhiều vị trí tại xã Ka Đơn, Tu Tra, thị trấn Thạnh Mỹ.

Một trường hợp bị tịch thu phương tiện vì khai thác khoáng sản không phép

Đó là trường hợp ông Lê Văn Vinh (ngụ tại Tổ dân phố Nghĩa Lập 5, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương), đã bị UBND huyện Đơn Dương quyết định xử phạt vi phạm hành chính vào ngày 28/3/2024.

Hành vi của ông Vinh được xác định là khai thác 6 m3 cát tại lòng suối Hamaru thuộc địa bàn thôn Pró Trong (xã Pró) mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Với hành vi này, ông Vinh phải nộp khoản tiền tương ứng với giá trị phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu vào ngân sách nhà nước với số tiền 249,5 triệu đồng, tương ứng với giá trị được định giá của  1 máy đào bánh xích và 1 xe ô tô là phương tiện vi phạm bị tịch thu.

Trong những ngày tác nghiệp tại huyện Đơn Dương, một vấn đề nổi cộm liên quan đến khai thác khoáng sản không phép được chúng tôi ghi nhận đó là tình trạng đào múc đất, mà dân trong nghề gọi là phôi cát, từ một ngọn đồi tại khu vực Rút thuộc thôn Ka Đô cũ, xã Ka Đô rồi chở về đổ xuống tại một đoạn bờ sông Đa Nhim qua địa bàn thị trấn Thạnh Mỹ để rửa lấy cát.

Đoạn bờ sông Đa Nhim ngay trung tâm huyện Đơn Dương thường xuyên diễn ra tình trạng hút rửa phôi cát
Đoạn bờ sông Đa Nhim ngay trung tâm huyện Đơn Dương thường xuyên diễn ra tình trạng hút rửa phôi cát

Quy luật hoạt động tại đây là khoảng 10 giờ tối mỗi ngày, xe máy đào được di chuyển vào khu vực để múc phôi cát lên các xe ben chở về thị trấn Thạnh Mỹ. Hoạt động này kéo dài đến khoảng 4 - 5 giờ sáng hôm sau thì tạm ngưng, xe đào được di chuyển ra khỏi vị trí hoạt động để ẩn nấp gần đó.

Khu vực khai thác phôi cát nằm tiếp giáp với rừng thông
Khu vực khai thác phôi cát nằm tiếp giáp với rừng thông

Theo như lời của lãnh đạo UBND xã Ka Đô thì tại đây được lắp camera và có người cảnh giới nên khi có bất cứ động tĩnh gì khác lạ thì hoạt động khai thác, vận chuyển lập tức sẽ dừng lại. Còn theo một nguồn tin riêng của chúng tôi, có ít nhất 2 camera được “chủ nhân” hầm phôi cát này lắp đặt ngay đầu đường đi vào tại nhà văn hóa thôn Tân Hiên và ngay đoạn cua trước khi đến khu vực khai thác.

Đào múc, vận chuyển đất tại khu vực Rút (xã Ka Đô) vào tối 12/4
Đào múc, vận chuyển đất tại khu vực Rút (xã Ka Đô) vào tối 12/4

Mỗi đêm, có khoảng 4 - 5 chiếc xe ben vận chuyển phôi cát như thế, cao điểm có đến 8 chiếc, một số xe đều có dán tên Lê Văn Oai ở phần đầu xe. Lộ trình di chuyển của xe ben là từ bãi khai thác đi ra đường thôn Tân Hiên thuộc xã Lạc Xuân, sau đó ra đường tỉnh 729 qua các xã Ka Đô, Quảng Lập để về đổ ở bờ sông tại thị trấn Thạnh Mỹ.

Vị trí bãi đổ nằm trong một con hẻm bên cạnh Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Đơn Dương. Phôi cát được đưa về đổ mỗi đêm, còn hoạt động hút rửa và bơm cát sạch lên bờ diễn ra liên tục hàng ngày. 

2 tàu liên tục hút rửa phôi cát trên sông Đa Nhim đoạn qua trung tâm huyện Đơn Dương
2 tàu liên tục hút rửa phôi cát trên sông Đa Nhim đoạn qua trung tâm huyện Đơn Dương

Tại đoạn bờ sông này, thường xuyên có 2 tàu neo đậu để hút rửa phôi cát thành cát sạch rồi bơm lên bờ. Những máy bơm công suất lớn trên 2 con tàu liên tục hút phần phôi cát được đổ sát mép sông từ đêm hôm trước, bơm nước sục rửa liên tục. Nước bẩn, đá sỏi và các tạp chất khác được thải trực tiếp ra ngay tại đoạn sông này.

Cứ khoảng 45 phút thì một tàu hút rửa cát đầy khoan, sau đó di chuyển đến một vị trí cách đó khoảng 50 mét để bơm cát lên bờ. Trên bờ, một xe đào túc trực sẵn để múc lượng cát vừa được bơm lên vun thành những đống lớn. Sau khi cát rút khô nước thì được chở đi bán.

Hoạt động liên hoàn: Hút rửa phôi cát - bơm cát lên bờ - vun cát thành đống và múc cát lên xe ben chở đi cứ được lặp đi lặp lại liên tục mỗi ngày ngay tại trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ, cũng là trung tâm của huyện Đơn Dương. Với những gì chúng tôi ghi nhận được thì đây chính là hành vi bất hợp pháp. Vậy, tại sao tình trạng này không được ngăn chặn, xử lý kịp thời mà cứ ngang nhiên tiếp diễn trong suốt thời gian qua. Câu hỏi này cần lời giải đáp thấu đáo từ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan.

Cát sau khi được bơm lên bờ sẽ có xe đào múc vun thành từng đống cao
Cát sau khi được bơm lên bờ sẽ có xe đào múc vun thành từng đống cao

Liên quan đến việc đào múc đất chở đi nơi khác tại khu vực Rút, ông Võ Minh Cường - Chủ tịch UBND xã Ka Đô xác nhận trên địa bàn xã không có giấy phép khai thác khoáng sản nào được cấp, chỉ có 1 trường hợp được cho phép san gạt đất cải tạo mặt bằng tại chỗ của bà Nguyễn Thùy Linh (ngụ tại thôn Giãn Dân, xã Lạc Xuân).

Cuối năm 2023, tại vị trí đất của bà Linh phát hiện có tình trạng chở đất đi nơi khác nên UBND xã đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 3,5 triệu đồng đối với bà Linh. Cách đây khoảng 1 tuần, Công an xã có phát hiện xe san gạt và xe vận chuyển đất tại đây nhưng tài xế điều khiển xe bỏ chạy nên không thể xử lý. Hiện tại, văn bản cho phép san gạt đất cải tạo mặt bằng tại chỗ của bà Linh đã hết hạn, UBND xã đề xuất không tiếp tục cấp phép cho bà Linh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Linh là con gái của ông Tuấn “mùi”. Ông Tuấn “mùi” cũng có một số xe ben tham gia vận chuyển phôi cát cùng với xe của ông Lê Văn Oai về bờ sông ở thị trấn Thạnh Mỹ để rửa cát mà chúng tôi đã nêu trên.

Đường sá oằn mình gánh xe quá tải

Đường thôn Sao Mai (xã Ka Đô) dẫn vào mỏ đá R’Lơm dù có biển tải trọng 10 tấn, nhưng mỗi ngày vẫn có nhiều xe ben “3 giò” chở đất qua lại mỗi ngày với mật độ khá cao. Người dân trên con đường này cho biết: Nắng nóng như hiện tại thì con đường bụi mịt mù, còn mưa đến thì con đường bị tạo thành rãnh sâu 2 bên vì xe cộ quá tải đi lại quá nhiều.

Ngay tại thôn Sao Mai, còn có một số con đường hẻm có biển ghi rõ cấm xe chở đất, cát đi vào nhưng nhiều xe ben vẫn vô tư chạy qua mỗi ngày.

Còn tại thị trấn Thạnh Mỹ, nhiều xe chở đất tải trọng lớn cũng đi vào những con đường hẻm có biển tải trọng chỉ 8 tấn…

2 xe ben chở đất né nhau trên đoạn đường qua thôn Sao Mai (xã Ka Đơn) dẫn vào mỏ đá R’Lơm
2 xe ben chở đất né nhau trên đoạn đường qua thôn Sao Mai (xã Ka Đơn) dẫn vào mỏ đá R’Lơm

Những ngọn đồi khai thác đất bất hợp pháp mà chúng tôi tiếp cận được xác định chủ yếu thuộc sở hữu của cá nhân. Việc đào múc và chở đất đi nơi khác có thể được thỏa thuận theo hình thức: Bên khai thác múc đất đem bán và chịu mọi chi phí, đổi lại chủ đất có mặt bằng bằng phẳng sau khi khai thác xong, hoặc giữa 2 bên có thể ăn chia theo tỷ lệ nhất định. Cá biệt, có những ngọn đồi được mua “đứt” chủ yếu để khai thác đất.

Đất được các xe ben chở đi đổ tại rất nhiều nơi để san gạt mặt bằng làm vườn hay làm công trình xây dựng, thậm chí được đổ xuống sông để rửa lấy cát như đã nêu trên. Chỗ ít thì đổ vài xe, chỗ nhiều thì đổ liên tục trong thời gian dài với số lượng lên đến hàng chục xe. Mỗi xe đất như vậy được bán với giá từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng tùy theo khối lượng và khoảng cách xa gần.

Xe chở đất từ mỏ đá RLơm đổ tại thị trấn Thạnh Mỹ
Xe chở đất từ mỏ đá trên địa bàn xã Tu Tra đổ tại thị trấn Thạnh Mỹ

Hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đơn Dương đều có thành lập tổ kiểm tra, xử lý việc đào bạt taluy, san lấp, cải tạo mặt bằng và vận chuyển đất trái phép. Tổ này có thành phần trọng yếu là Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Công an, công chức địa chính và một số thành viên khác.

Nhiệm vụ của tổ là kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và tham mưu xử lý các trường hợp hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất theo quy định của pháp luật. Ngoài kiểm tra định kỳ thì tổ công tác còn có nhiệm vụ kiểm tra đột xuất, kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ.

2 chiếc xe ben chở đất vi phạm bị tạm giữ tại trụ sở UBND xã Tu Tra
2 chiếc xe ben chở đất vi phạm bị tạm giữ tại trụ sở UBND xã Ka Đơn

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn đều khẳng định việc phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm là rất khó khăn vì các đối tượng chủ yếu hoạt động ban đêm và vì một vài lý do khác. Ông Phan Hữu Phước - Chủ tịch UBND xã Ka Đơn cho biết: Vào 1 giờ sáng 17/4, tôi cùng 1 đồng chí công an xã trực tiếp mật phục tại khu vực đồi K’Rán (thôn Sao Mai) thì mới bắt được quả tang 2 xe ben vận chuyển đất trái quy định và đã lập biên bản tạm giữ phương tiện đưa về trụ sở UBND xã.

Đây được xem là trường hợp hiếm hoi khi bắt được các phương tiện vi phạm quả tang. Và, ngay trong những trường hợp này thì “mức xử lý vi phạm không đủ sức răn đe, nhiều chủ xe nói thẳng chỉ cần chở vài xe đất đi bán là đủ tiền đóng phạt” - ông Phước chia sẻ thêm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian qua, các xã, thị trấn thuộc huyện Đơn Dương cũng có lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm nhưng số lượng không đáng kể và hành vi bị xử phạt chủ yếu là hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình. So với những hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận từ thực tế thì số trường hợp bị xử phạt có thể nói chỉ là hạt muối bỏ biển và mức phạt chủ yếu chỉ dừng ở con số 3,5 triệu đồng nên không đủ sức răn đe vì lợi nhuận từ việc khai thác và bán đất bất hợp pháp là rất lớn.

Hoạt động đào múc, vận chuyển đất ngang nhiên giữa ban ngày tại một ngọn đồi ở thôn Pró Trong (xã Pró)
Hoạt động đào múc, vận chuyển đất ngang nhiên giữa ban ngày tại một ngọn đồi ở thôn Pró Trong (xã Pró)

Ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Pró cho rằng: Dù UBND xã đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng “chảy máu” khoáng sản nhưng do một số đối tượng manh động, đối phó với ngành chức năng, nhiều trường hợp còn điều khiển xe bỏ chạy, xông thẳng vào lực lượng chức năng, nên việc xử lý gặp nhiều trở ngại.

Như đã đề cập ở trên, trong suốt những ngày tác nghiệp tại huyện Đơn Dương, dù đất bị đào múc, vận chuyển đi nơi khác với tần suất và số lượng lớn, nhưng chúng tôi không ghi nhận việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý của cơ quan chức năng.

Xe chở đất đi qua khu vực canh tác rau màu của người dân
Xe chở đất đi qua khu vực canh tác rau màu của người dân

Điều này cho thấy có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nên tình trạng khai thác, chở đất đi bán mới có cơ hội hoạt động ngang nhiên và lộng hành, gây nên hệ lụy trước mắt là những ngọn đồi có vai trò chắn gió và giữ đất, giữ nước dần bị biến mất; cuộc sống của người dân bị đe dọa bởi đường sá xuống cấp và bụi mù từ hoạt động khai thác, vận chuyển đất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc canh tác hoa màu của người dân nơi đây.

Nghe “thanh tra” là chủ động tạm ngưng khai thác

Trong những ngày tác nghiệp tại Đơn Dương, rất nhiều lần chúng tôi mật phục cả ngày lẫn đêm để ghi nhận hoạt động khai thác, vận chuyển đất, phôi cát. Thế nhưng, nhiều lần chúng tôi đành ngậm ngùi trở về tay không. Hỏi ra mới biết, vào những thời điểm đó, chủ các đồi đất hay chủ các nhà xe nhận được thông tin “có thanh tra” hoặc bị "động” nên đã chủ động tạm dừng.

Cảnh giác cao độ là cách mà các đối tượng khai thác, vận chuyển đất trái pháp luật đối phó với cơ quan chức năng và người lạ mặt vào khu vực. Trong khoảng 10 ngày có mặt tại đây, ít nhất 3 lần chúng tôi “được” các thanh niên lạ mặt “mời” đi uống cà phê, nói chuyện hoặc đề nghị nghe những cuộc điện thoại từ những người chúng tôi chưa từng quen biết (?!)