Đưa pháp luật về cơ sở

04:02, 13/02/2014

Đưa pháp luật về cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm nâng cao trình độ dân trí về pháp luật cho người dân, cũng có nghĩa góp phần tạo điều kiện cho mọi người dân phát huy được quyền làm chủ của bản thân. 

Hơn 70% dân số Lâm Đồng sống bằng nghề nông và ở nông thôn, trong đó có tỷ lệ khá lớn là người nghèo và đồng bào DTTS. Vì vậy, đưa pháp luật về cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm nâng cao trình độ dân trí về pháp luật cho người dân, cũng có nghĩa góp phần tạo điều kiện cho mọi người dân phát huy được quyền làm chủ của bản thân. Trợ giúp pháp lý (TGPL) và phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là hai kênh đưa pháp luật về cơ sở mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.
 
Tiểu phẩm “Khi chính quyền địa phương xử phạt hành chính”  của đoàn Lâm Hà
Tiểu phẩm “Khi chính quyền địa phương xử phạt hành chính” của đoàn Lâm Hà
 
Theo ông Đỗ Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Sở Tư pháp Lâm Đồng, trong những năm qua, TTTGPL tỉnh đã đẩy mạnh công tác TGPL, trong đó đặc biệt quan tâm tổ chức các cuộc TGPL lưu động ở cơ sở. Trong tổng số 2.677 vụ việc của 2.677 lượt người được Trung tâm TGPL trong năm 2013, có đến 2.167 vụ việc được TGPL lưu động ở cơ sở cho 2.167 lượt người nghèo, đồng bào DTTS, trẻ em, người có công với cách mạng ở các vùng nông thôn. Để việc TGPL mang lại hiệu quả cao khi vừa bảo vệ quyền lợi hợp pháp, vừa nâng cao sự hiểu biết pháp luật cho người dân, đòi hỏi các trợ giúp viên, chuyên viên, cộng tác viên pháp lý của trung tâm, các chi nhánh, CLBTGPL phải am hiểu sâu sắc pháp luật, để tiến hành giải thích, tư vấn các vụ việc đúng theo quy định của các luật đã được nhà nước ban hành. Làm được điều đó, ngoài sự chủ động tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật, các trợ giúp viên, chuyên viên, cộng tác viên pháp lý, còn được tham gia nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật do Trung tâm TGPL tỉnh tổ chức.
 
Kênh thứ hai đưa pháp luật về cơ sở đa dạng, phong phú và hiệu quả hơn, chính là việc PBGDPL ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương. Đảm đương công việc này là đội ngũ cán bộ chuyên trách của CBVC ngành tư pháp, đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh 43 người; báo cáo viên cấp huyện 250 người, đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên các CLB pháp luật, hội viên của các đoàn thể 8.211 người, 170 giáo viên giảng dạy bộ môn giáo dục công dân của các trường học… Ngoài việc có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, am hiểu pháp luật, có điều kiện tham gia tuyên truyền, PBGDPL, các báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên… còn được phòng PBGDPL của Sở Tư pháp mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL. Đồng thời hàng tháng có văn bản hướng dẫn nội dung văn bản pháp luật cần tuyên truyền, phổ biến. Trên cơ sở đó, các báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên, các CLB pháp luật, các tổ chức đoàn thể tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở cơ sở dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả như: Tổ chức thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, tuyên truyền miệng, tại các hội nghị, hội trường, lưu động, kẻ vẽ pa nô, áp phích, tranh cổ động tại các trung tâm dân cư, đưa pháp luật vào chương trình giảng dạy bộ môn công dân, lồng ghép giữa sinh hoạt chính trị, thời sự, hòa giải cơ sở với PBGDPL… Hiệu quả mang lại là không những số lượng các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền, PBGDPL, hòa giải cơ sở hàng năm trên địa bàn tỉnh đạt được hàng ngàn vụ và có chiều hướng năm sau nhiều hơn năm trước, mà nội dung, hình thức ngày càng sâu sắc, hấp dẫn người nghe, người xem, nên hiệu quả mang lại cũng ngày càng cao hơn, cho phép pháp luật ngày càng lan tỏa, thấm sâu vào nhận thức của người dân ở cơ sở, nhất là người nghèo, đồng bào DTTS hơn. Trong năm 2013, Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào DTTS” đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, đạt kết quả tốt. Sở NN-PTNT tổ chức 4 hội nghị tập huấn cho hàng ngàn nông dân về nội dung các luật thủy lợi, chương trình mục tiêu Quốc gia về NTM, chương trình vệ sinh nước sạch môi trường; Hội Nông dân tổ chức và chỉ đạo Hội Nông dân hai cấp huyện - xã tổ chức trên 880 buổi giới thiệu, tập huấn pháp luật cho hơn 92.000 lượt hội viên và tổ chức trợ giúp pháp lý cho hơn 6.000 lượt hội viên đồng bào DTTS; Công an tỉnh đã tổ chức 52 buổi tuyên truyền pháp luật về phòng chống mua bán người, Luật Cư trú cho người dân nông thôn và đồng bào DTTS, với hơn 10.000 người tham gia… Các CLBPL, các tổ hòa giải đã tổ chức hàng ngàn cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hòa giải thành công hàng ngàn vụ xích mích, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ở các vùng nông thôn. Đặc biệt, thông qua các cuộc thi tìm hiểu Luật An toàn GTĐB, thi tìm hiểu “Nông dân với kiến thức pháp luật”, “Tuổi trẻ với kiến thức luật phòng chống tội phạm”, “Phụ nữ với luật hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình”… từ cơ sở đến tỉnh đã thu hút hàng ngàn thí sinh tham gia dự thi, hàng chục ngàn người xem; cổ động viên đã có tác dụng to lớn trong việc đưa pháp luật về cơ sở, thấm sâu vào cuộc sống của cộng đồng dân cư.
 
Thạc sĩ Nguyễn Thành Trì - Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp Lâm Đồng cho biết: Những năm qua, việc đưa pháp luật về cơ sở thông qua công tác PBGDPL trên địa bàn đã đạt được những kết quả khả quan. Từ kết quả này và căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, đất nước, trong thời gian tới ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh việc đưa pháp luật về cơ sở, ngành tư pháp sẽ tập trung tuyên truyền, PBGD Hiến pháp sửa đổi 2013; Tổ chức tuyên truyền Luật Đất đai sửa đổi và các Luật mới được Nhà nước ban hành có hiệu lực trong năm 2014. 
 
Hoàng Kiến Giang