Lấy ý kiến đoàn viên thanh niên góp ý Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi)

10:03, 17/03/2015

(LĐ online) - Ngày 16/3/2015, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức lấy ý kiến góp ý của cán bộ, đoàn viên thanh niên vào Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi). Chủ trì hội nghị có đồng chí Phan Đức Thái - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, đồng chí Bùi Thanh Long - Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lâm Đồng.
 

(LĐ online) - Ngày 16/3/2015, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức lấy ý kiến góp ý của cán bộ, đoàn viên thanh niên vào Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi). Chủ trì hội nghị có đồng chí Phan Đức Thái - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, đồng chí Bùi Thanh Long - Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lâm Đồng.
 
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị
 
Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) có 26 chương, 712 điều, ít hơn 10 chương, 65 điều so với Bộ Luật Dân sự hiện hành, trong đó có giữ nguyên 265 điều của Bộ luật năm 2005, sửa đổi gần 300 điều, bổ sung hơn 170 và bãi bỏ 150 điều. Dự thảo Bộ luật quy định nhiều nội dung đổi mới cơ bản cả về phạm vi điều chỉnh, chủ thể, quyền sở hữu, tài sản, giao dịch dân sự... Các ý kiến của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên cơ bản nhất trí với dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) và tập trung góp ý sâu các vấn đề về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, về quyền nhân thân, về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu, về hình thức sở hữu.
 
Bên cạnh đó, các đại biểu còn tập trung cho ý kiến về các vấn đề như điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác, về lãi suất cho vay, thời hiệu và những vấn đề liên quan đến lãi suất trong hợp đồng vay tài sản… Bên cạnh việc góp ý chung cho từng nội dung của Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), các đại biểu cũng tập trung vào một số điều luật cụ thể như: điều 667 (quy định về người thừa kế theo pháp luật) bổ sung đưa con dâu, rể vào hàng thừa kế thứ nhất; điều 3 quy định về “Trường hợp hai cá nhân không vi phạm điều cấm trong luật hôn nhân và gia đình có thỏa thuận về việc chung sống với nhau như vợ chồng thì quyền và nghĩa vụ của họ được xác định theo thỏa thuận” cần được chỉnh sửa cho phù hợp để tránh dẫn đến tình trạng cổ súy cho việc sống chung mà không kết hôn, có thể gây ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức, lối sống và thuần phong mỹ tục của Việt Nam… 
 
QUỲNH UYỂN