Thành phố Bảo Lộc: Thi hành án dân sự còn có những bất cập

09:08, 04/08/2015

Một thực trạng phổ biến không riêng gì tại thành phố Bảo Lộc, mà ở các địa phương khác cũng thế, do còn có những bất cập trong việc thi hành án dân sự, nên án còn tồn đọng chưa thi hành được ngày càng nhiều!

Một thực trạng phổ biến không riêng gì tại thành phố Bảo Lộc, mà ở các địa phương khác cũng thế, do còn có những bất cập trong việc thi hành án dân sự, nên án còn tồn đọng chưa thi hành được ngày càng nhiều!

Theo Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bảo Lộc, năm 2015, tổng số án cũ tồn đọng từ những năm trước chuyển sang gồm 1.033 việc. Và, nếu cộng thêm án mới thụ lý trong năm nay, thì Chi cục Thi hành án dân sự thành phố phải giải quyết 1.574 việc, với giá trị tiền phải thi hành trên 267 tỷ đồng. Qua rà soát, phân loại, trong số những việc phải thi hành, số vụ việc có điều kiện thi hành chiếm xấp xỉ 50% và việc chưa có điều kiện thi hành chiếm 50%.

Với khối lượng công việc khá nặng nề, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố đã xây dựng kế hoạch công tác; giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể từng tháng và cả năm cho từng chấp hành viên. Trong quá trình giải quyết thi hành án, Chi cục cũng đã yêu cầu chấp hành viên và cán bộ của đơn vị phải tăng cường công tác vận động, giải thích và thuyết phục người phải thi hành án; thông báo công khai về trình tự, thủ tục thi hành án; thông báo quyền và nghĩa vụ các bên đương sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự … Nhờ vậy, từ đầu năm 2015 đến nay, Chi cục đã giải quyết xong 316 việc. Tuy tỷ lệ việc đã giải quyết xong so với án có điều kiện thi hành chỉ mới đạt 40%, nhưng đây là một sự cố gắng, nỗ lực của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bảo Lộc.

Để giải quyết những vụ án tồn đọng và phức tạp, trong thời gian qua, Chi cục thi hành án đã lập danh sách, xây dựng kế hoạch giải quyết án tồn đọng để trình UBND thành phố phê duyệt; đồng thời, liên hệ trực tiếp với Trại giam để thu các khoản tiền của các đối tượng đang cải tạo, trước khi xem xét cho hưởng đặc xá theo quy định. Việc tổ chức cưỡng chế thi hành án, các chấp hành viên tích cực vận động, giải thích để các đương sự tự nguyện thi hành án hoặc thỏa thuận giải quyết. Công tác vận động cũng được thực hiện kể cả sau khi tiến hành cưỡng chế. Vì vậy, một số vụ việc sau khi kê biên tài sản, đương sự đã thỏa thuận nhận tài sản để trừ vào tiền phải thi hành án, không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế giao tài sản. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có một số vụ việc, người phải thi hành án tỏ thái độ chây ỳ, cương quyết chống đối hoặc trốn bỏ khỏi địa phương, buộc cơ quan thi hành án phải phối hợp với các ngành liên quan áp dụng biện pháp cưỡng chế để đảm bảo việc thi hành án. Hiện nay, trong số 37 vụ việc phải cưỡng chế thi hành án, chỉ mới có 4 vụ việc đã giải quyết xong; còn 33 vụ việc đang thẩm định giá, bán đấu giá tài sản.   

Theo Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bảo Lộc, những bất cập và khó khăn còn tồn tại trong công tác thi hành án dân sự, là tài sản kê biên rất khó bán. Có những tài sản kê biên đã giảm giá nhiều lần nhưng vẫn không bán được. Bởi lẽ, người mua có tâm lý “ngại” mua tài sản kê biên của người bị thi hành án, do khó khăn trong việc giao tài sản cho người mua. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải quyết về việc và tiền phải thi hành án đạt còn thấp.

Luật Thi hành án dân sự quy định thời gian miễn, giảm kéo dài (5 năm, 10 năm tương ứng với khoản thu cho ngân sách Nhà nước) đã dẫn đến án tồn đọng chưa thi hành được ngày càng tăng. Việc xác minh đối tượng này cũng đòi hỏi nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian và chi phí. Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) buộc chấp hành viên phải chủ động xác minh điều kiện thi hành án (không buộc người có đơn yêu cầu thi hành án xác minh, như Luật Thi hành án dân sự năm 2008) sẽ làm gia tăng số lượng phần việc cho cơ quan thi hành án và chấp hành viên… Ngoài ra, còn có một số bất cập khác, từ đó, án tồn đọng chưa thi hành được ngày càng chồng chất!

XUÂN LONG