Xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị có dấu hiệu sai phạm

09:08, 03/08/2016

Ngành Kiểm lâm đã tổ chức kiểm điểm nghiêm túc từng cá nhân có liên quan.

[links()] Như Báo Lâm Đồng đã phản ánh, vụ phá rừng nghiêm trọng khu vực công trình Thủy điện Đồng Nai 5, huyện Bảo Lâm, các cơ quan chức năng đã và đang tích cực khám phá, điều tra mở rộng. Cùng đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Công an, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đã để xảy ra vụ phá rừng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/7/2016. 
 
Gỗ la liệt để lại hiện trường vi phạm
Gỗ la liệt để lại hiện trường vi phạm
Kiểm điểm nhiều cán bộ kiểm lâm
 
Chiều ngày 1/8, chúng tôi làm việc với Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Khang Thiên. Ông Thiên cho biết, một mặt, ngành Kiểm lâm tích cực phối hợp với lực lượng các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, mở rộng điều tra; mặt khác đã tổ chức kiểm điểm nghiêm túc từng cá nhân có liên quan. Trước mắt, trong ngành có nhiều cá nhân đã kiểm điểm là: Chi cục trưởng, Chi cục phó phụ trách địa bàn phía nam; Đội trưởng, Đội phó và 2 cán bộ Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy số 2; Hạt trưởng, Hạt phó, Tổ trưởng cơ động và 3 kiểm lâm địa bàn của Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm. Chi cục Kiểm lâm đã tổng hợp báo cáo gửi Sở NN&PTNT để Hội đồng kỷ luật của Sở triển khai ngay các bước theo quy định. Theo đó, Hội đồng kỷ luật của Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã thống nhất đề xuất cảnh cáo Hạt trưởng và Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm; cảnh cáo 2 cán bộ kiểm lâm địa bàn; khiển trách 1 kiểm lâm địa bàn và phê bình 1 tổ trưởng cơ động. Lý giải vì sao có 1 kiểm lâm địa bàn chỉ bị khiển trách, Chi cục trưởng Kiểm lâm cho biết: Trước khi cơ quan công an của Bộ phát hiện và bắt quả tang các đối tượng phá rừng, ngày 7/7, kiểm lâm viên này (phụ trách địa bàn xã Lộc Bảo) đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc (đơn vị chủ rừng) đã kiểm tra, phát hiện 34 cây gỗ dổi bị cưa hạ trái phép với 51,38 m 3 tại tiểu khu 390A; đã lập biên bản ghi nhận vụ việc và có báo cáo về Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm. Đây là số gỗ mà đoàn khám nghiệm hiện trường liên ngành sau đó đã xác định trong tổng số 95 cây bị cưa trái phép với 265,58 m 3 gỗ bị thiệt hại (như Báo Lâm Đồng đã phản ánh). 
 
Ông Nguyễn Khang Thiên cũng cho biết, hiện đã điều động ông Nguyễn Tài Tú - Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy số 1 đảm nhận vị trí Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm thay ông Lê Văn Chuyên và ông Nguyễn Xuân Đích - Phó phòng Pháp chế - Thanh tra đảm nhận vị trí Hạt phó thay ông Phạm Bá Niên; ông Chuyên và ông Niên được điều chuyển về làm việc tại Văn phòng Chi cục Kiểm lâm. Tại thời điểm chúng tôi làm việc với Chi cục, công tác bàn giao giữa 4 người đang được tiến hành. Và chưa thể, không thể dừng lại đối với những cá nhân liên quan khi có đầy đủ các căn cứ pháp lý về sai phạm (nếu có), đó là khẳng định của Chi cục trưởng Nguyễn Khang Thiên. 
 
Tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý nghiêm
 
Để xảy ra vụ phá rừng phòng hộ tại khu vực Thủy điện Đồng Nai 5 là hết sức xót xa và thiệt hại nghiêm trọng trên nhiều phương diện. Sau khi khởi tố vụ án, bước đầu ngành chức năng đã khởi tố 3 bị can, gồm: Lê Hồng Hà (gọi là Hà “đen”, 48 tuổi, quê Nghệ An) là kẻ chủ mưu; Nguyễn Văn Tuấn (quê Bình Dương, chủ ô tô tải chuyên vận chuyển gỗ trái phép cho Hà “đen”) và Nguyễn Văn Thành (49 tuổi, quê Bình Dương, lái xe tải, ngụ huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông). Đến ngày 20/7, ngoài việc truy nã Hà “đen”, cơ quan chức năng đã khởi tố 11 đối tượng, 10 người bị bắt tạm giam gồm Chác, Dương, Nam, Ninh, Kiệt, Cường, Trực, Thọ, Tuấn (người mua gỗ) và Nguyễn Văn Thành (1976, tạm trú xã Đắk Sin, huyện Đắk R’ Lấp, tỉnh Đắk Nông - là người được Tuấn nhiều lần thuê lái ô-tô đi mua gỗ của Hà “đen”). 
 
Vụ việc đã gây nhiều sự quan tâm của cả nước. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ đạo cụ thể để địa phương chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Theo tinh thần đó, ngày 20/7, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương và ngành liên quan khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện. Theo thông tin tìm hiểu của PV Báo Lâm Đồng, Sở NN&PTNT đã nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá hậu quả vụ việc xảy ra. Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở này cũng khẳng định: “Đây là vụ vi phạm hình sự rất nghiêm trọng”. Nói về trách nhiệm cũng như quan điểm xử lý vụ án này, thiếu tướng Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng Bùi Văn Sơn cho biết: “Vụ việc diễn ra trong một thời gian dài, không phải là cái kim, sợi chỉ nên không thể nói là không biết. Trước mắt, chúng tôi dốc toàn lực để điều tra một cách nhanh nhất theo sự chỉ đạo của Tổng cục Cảnh sát, sau đó sẽ xem xét trách nhiệm của từng cơ quan, từng lực lượng. Quan điểm của chúng tôi là nếu có sai phạm sẽ phải xử lý nghiêm”. 
 
Với tinh thần này, cần có sự đánh giá và kiểm điểm trách nhiệm một cách đúng mức đối với tập thể và cá nhân liên quan ở chính quyền địa phương (vai trò quản lý nhà nước) và Hạt Kiểm lâm huyện cũng như đơn vị chủ rừng. Đặc biệt, các ngành chức năng cần làm rõ trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với những người liên quan của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc với vai trò trực tiếp được giao QLBVR, là người chịu trách nhiệm chính trong công tác QLBV diện tích rừng được giao. 
 
Còn rất nhiều cơ sở để lần tìm các manh mối của tội phạm. Ví dụ, qua các tang vật như 5 quyển sổ ghi chép, nhiều giấy tờ thu được tại nhà Hà “đen” cũng như nhiều nhân chứng khác. Chúng tôi có dịp trao đổi với cán bộ kiểm lâm huyện Bảo Lâm, lãnh đạo và cả người trực tiếp quản lý bảo vệ rừng (tiểu khu trưởng) của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc, họ đều chung một lời thừa nhận: Vụ việc phá rừng nghiêm trọng, ai cũng thấy “doanh trại” của lâm tặc và nơi ở của Hà “đen”, nhưng đối tượng chủ mưu Hà “đen” thì chưa bao giờ gặp mặt (?). Xin trích dẫn lời 2 nhân chứng để kết thúc bài viết này. Một là người trong cuộc - tiểu khu trưởng 390, ông Võ Văn Việt: “Quy mô nó làm ghê quá, không làm gì được”. Và một người khác, là công nhân làm việc nhiều năm tại công trường Thủy điện Đồng Nai 5 (đề nghị giấu tên): “Đêm nào tụi nó (lâm tặc) từ 1 giờ đến gần sáng đều vận chuyển gỗ từ thuyền lên xe ô tô. Làm sao không có người bảo kê nó đâu dám làm!”.
 
MINH ĐẠO