Xây dựng một xã hội bình yên

08:03, 05/03/2019

Việc giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ sự bình yên của cộng đồng là vấn đề hết sức quan trọng với sự đóng góp của nhiều thành phần trong hệ thống chính trị. Và, với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trở thành việc làm của mỗi người, mỗi nhà đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
 

Việc giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ sự bình yên của cộng đồng là vấn đề hết sức quan trọng với sự đóng góp của nhiều thành phần trong hệ thống chính trị. Và, với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trở thành việc làm của mỗi người, mỗi nhà đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
 
Tổ CCB giữ gìn ANTT xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương. Ảnh: D.Quỳnh
Tổ CCB giữ gìn ANTT xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương. Ảnh: D.Quỳnh

Ông Phan Văn Đa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, Lâm Đồng vẫn còn các tồn tại như vấn đề dân tộc, tôn giáo, di dân về làng cũ, “tín dụng đen”, tranh chấp khiếu kiện đất đai… gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Tuy nhiên, kinh tế trong tỉnh khá ổn định, đời sống của Nhân dân được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được vun đắp, tinh thần chia sẻ, giúp đỡ nhau ngày càng được mở rộng là cơ sở để phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng sâu rộng, thực chất và đạt hiệu quả.
 
Hoạt động tuyên truyền luôn là nhiệm vụ đầu tiên để thúc đẩy sự phát triển của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua đó, công tác tuyên truyền kết hợp nhiều hình thức, vừa tuyên truyền tập trung rộng rãi, vừa vận động giáo dục cá biệt, thông qua sinh hoạt của tổ dân phố, thôn, buôn, cụm dân cư, đặc biệt tranh thủ người có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác vận động. Các hội, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động, MTTQ tỉnh… đều tổ chức cho thành viên, hội viên của mình học tập về ANTQ, phòng chống ma túy mại dâm. Toàn tỉnh đã tổ chức 2.110 buổi phát động phong trào với trên 250 ngàn lượt người tham dự, đưa ra kiểm điểm trước dân 226 đối tượng. Không chỉ tuyên truyền theo phương pháp truyền thống, các phương tiện thời 4.0 như Fanpage, truyền hình, mạng xã hội cũng được sử dụng để tuyên truyền, nhất là với các bạn trẻ. Hoạt động tuyên truyền rộng rãi, đa dạng đã góp phần khiến Nhân dân ngày càng thêm ý thức về vai trò chủ thể của mình trong việc chung tay giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. 
 
Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Riêng năm 2018, có 2.489 lượt công dân đưa đơn khiếu nại, tố cáo và các ngành chức năng đã giải quyết 2.159 đơn. 
 
Đồng thời, phối hợp với địa phương, gia đình, dòng họ cảm hóa và giáo dục 2.382 đối tượng liên quan hoạt động fulro đang sống ở địa phương. Và các ngành chức năng tích cực giải quyết các vụ việc như di dân về làng cũ, khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người…, góp phần giúp an ninh trật tự địa phương được đảm bảo.
 
Từ hoạt động thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Quần chúng đã phát hiện, cung cấp gần 2 ngàn tin có giá trị giúp lực lượng chức năng điều tra làm rõ 592/690 vụ phạm tội về trật tự xã hội; hỗ trợ lực lượng công an bắt và vận động đầu thú 73 đối tượng truy nã, trong đó có 6 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Đã có 194 khẩu súng, 899 đạn các loại, 259 công cụ hỗ trợ, bình xịt hơi cây, cung nỏ… được Nhân dân giao nộp cho ngành chức năng. Toàn tỉnh có 83 mô hình tự quản về an ninh trật tự đang hoạt động hiệu quả như “Giáo xứ bình yên”, “Giáo họ 3 không” trong vùng đồng bào có đạo, mô hình “Chi hội phụ nữ không phá rừng làm rẫy trái phép”, “Hội đồng tự quản về ANTT” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các mô hình “Tổ dân cử dân nuôi” hay “Tổ Cựu chiến binh tự quản ANTT ở khu dân cư”. Rồi các phong trào “Tiếng kẻng an ninh”, “Cổng rào an ninh”, “Tổ tuần tra nghĩa vụ”… đã cho thấy hiệu quả thực tế, tình hình an ninh trật tự của khu dân cư được đảm bảo. Trong thời đại 4.0, các khu, cụm dân cư lắp thêm nhiều cụm camera làm con mắt nối dài, giám sát chặt chẽ tình hình trật tự. Riêng năm 2018 có 114 mắt camera giám sát an ninh được lắp đặt, chưa kể hàng ngàn mắt camera của các hộ gia đình. 
 
Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ còn được mở rộng với trên 1.000 tổ an ninh nhân dân, CLB phòng chống tội phạm, tổ già làng tự quản, 1.610 tổ hòa giải với trên 8 ngàn hòa giải viên. Những hoạt động của phong trào đã khơi dậy, phát huy tính tích cực trong Nhân dân phối hợp với quản lý của Nhà nước, của cơ quan bảo vệ pháp luật đã góp phần ổn định tình hình chính trị, kiềm chế gia tăng tội phạm về trật tự xã hội, giữ bình yên cho cuộc sống của cộng đồng. 
 
DIỆP QUỲNH