Luật Thi đua khen thưởng - nhiều đổi mới hướng đến thực chất

05:11, 23/11/2021

Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng được sửa đổi, bổ sung với nhiều điểm mới, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu...

Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng được sửa đổi, bổ sung với nhiều điểm mới, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu. Hướng đến đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. 
 
Khen thưởng kịp thời cũng nhằm khích lệ, động viên các tập thể, cá nhân tiếp tục nỗ lực cống hiến
Khen thưởng kịp thời cũng nhằm khích lệ, động viên các tập thể, cá nhân tiếp tục nỗ lực cống hiến
 
Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, Ủy ban Xã hội (của Quốc hội) cơ bản tán thành với quan điểm xuyên suốt trong dự thảo luật là phải bảo đảm mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, vừa thể hiện kết quả của thi đua là cơ sở để khen thưởng và ngược lại, khen thưởng để thúc đẩy phong trào thi đua, song vẫn thể hiện thi đua và khen thưởng là hai phạm trù có sự độc lập tương đối với nhau về tính chất, phạm vi và nguyên tắc, đồng thời, không phải mọi khen thưởng đều xuất phát trực tiếp từ thi đua như: khen đột xuất, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn, khen đối ngoại...
 
Cơ quan soạn thảo đã tiếp tục nghiên cứu, rà soát, lượng hóa tối đa các tiêu chuẩn khen thưởng để bảo đảm khắc phục đầy đủ hạn chế đã tổng kết; cân nhắc giữ quy định hiện hành để không bỏ sót đối tượng đối với một số hình thức khen thưởng khi tiêu chuẩn khen thưởng gắn với “Cờ thi đua của Chính phủ”. 
 
Điểm mới trong dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) lần này đã bổ sung một số tiêu chí, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua đã thực hiện ổn định thời gian qua để phù hợp hơn với thực tiễn. Bổ sung danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” cho tập thể khi tham gia các phong trào thi đua theo chuyên đề do Thủ tướng Chính phủ phát động từ 5 năm trở lên và danh hiệu “Cờ thi đua cấp bộ, cấp tỉnh” cho tập thể khi tham gia phong trào thi đua theo chuyên đề do bộ, ngành, địa phương phát động từ 3 năm trở lên để phát huy tác dụng khích lệ, động viên phong trào. Cùng với đó, xuất phát từ thực tiễn triển khai các phong trào thi đua thời gian qua, Ban soạn thảo đã nghiên cứu, thống nhất đề nghị bổ sung danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”, là những danh hiệu tổng hợp kết quả phong trào thi đua ở cấp xã và đổi tên, điều chỉnh một số tiêu chuẩn danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa” thành danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”, “Gia đình tiêu biểu” để thống nhất hệ thống danh hiệu thi đua ở cơ sở và cho gia đình. Đây là những điểm mới của dự án luật... 
 
Trên thực tế, từ khi thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng đến nay, xuất phát từ vị trí, chức năng và tổ chức của Quốc hội, chưa có hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khen thưởng cho đại biểu Quốc hội và các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp thiết thực cho hoạt động của Quốc hội, vì vậy dự thảo luật đã bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hình thức khen thưởng “Kỷ niệm chương” và bổ sung quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phù hợp với đặc thù hoạt động của Quốc hội. Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và phân cấp cho người đứng đầu bộ, ban, ngành, tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phù hợp.
 
Qua nghiên cứu, đại biểu Quốc hội Lâm Đồng K’Nhiễu góp ý: Thứ nhất, việc xây dựng chính sách cần cụ thể hóa, phù hợp với từng loại hình khen thưởng. Trong đó, khen thưởng dựa vào kết quả, hiệu quả, mức độ hoàn thành công việc là trọng tâm của dự án luật. Điều 4 dự thảo luật đưa ra các loại hình khen thưởng: khen thưởng theo công trạng, khen thưởng đột xuất, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn và khen thưởng đối ngoại. Như vậy, xét về tính chất sẽ có 2 nhóm khen thưởng: Nhóm khen thưởng dựa trên kết quả, hiệu quả, mức độ hoàn thành công việc; nhóm khen thưởng mang tính chất chính trị, động viên (nhiều hơn là dựa vào kết quả, hiệu quả công việc), dựa vào quá trình cống hiến, niên hạn hay đối ngoại. Trong 2 nhóm trên thì nhóm khen thưởng dựa trên kết quả, hiệu quả công việc sẽ là trọng tâm và phải được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ dự án luật. Tuy nhiên, dự án luật vẫn chưa thể hiện thật rõ quan điểm này trong cả nội dung chính sách và kỹ thuật lập pháp. 
 
Do vậy, trong một số chính sách còn chưa minh định phù hợp với từng loại hình khen thưởng. Hệ quả là tiêu chí thi đua không định lượng được, nhiều hình thức khen thưởng vẫn đưa ra tiêu chí về quá trình cống hiến, gối đầu, tích lũy nhiều danh hiệu nhỏ thì mới được danh hiệu lớn... Sự “gối đầu” trong thi đua thời gian qua đã gây ra tình trạng cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “nhường” danh hiệu thi đua, khen thưởng cho cá nhân năm trước đã được khen thưởng để được đề nghị danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao hơn, trong khi thành tích lại không thuyết phục. Đồng thời, không phù hợp với nguyên tắc khen thưởng mà dự thảo luật nêu ra tại điểm c, khoản 2, Điều 6 là “không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được” khi thành tích đó vẫn được tính là một tiêu chuẩn tích luỹ.
 
Để khắc phục tình trạng hình thức, không thực chất trong thi đua thì luật cần minh định rõ các chính sách phù hợp với từng loại hình khen thưởng. Định mức càng cụ thể thì việc đánh giá kết quả thi đua càng chính xác, thực chất. 
 
NGUYỆT THU