Báo Nga: Hoàng Sa chưa bao giờ là của Trung Quốc

04:06, 04/06/2014

Bằng những bằng chứng hết sức cụ thể, tờ "Gazeta.ru" của Nga mới đây đã khẳng định rằng trong ít nhất là 400 năm qua của lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ có cái gọi là chủ quyền ở Hoàng Sa của Việt Nam.

Bằng những bằng chứng hết sức cụ thể, tờ “Gazeta.ru” của Nga mới đây đã khẳng định rằng trong ít nhất là 400 năm qua của lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ có cái gọi là chủ quyền ở Hoàng Sa của Việt Nam.
 
Hình ảnh chụp màn hình bài báo trên tờ Gazeta.ru của Nga
Hình ảnh chụp màn hình bài báo trên tờ Gazeta.ru của Nga

Trong bài viết có tiêu đề “Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận” của tác giả Vladimir Koryagin, tờ Gazeta.ru – một trong 3 tờ báo tư nhân lớn nhất và có tiếng nhất của Nga - đã lần lượt điểm lại các mốc lịch sử và những bằng chứng hết sức thuyết phục về lịch sử chiếm hữu, chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Mở đầu bài viết, tác giả Vladimir Koryagin khẳng định “400 năm không có Trung Quốc” và viện dẫn các bằng chứng:
 
“Quần đảo Paracel lần đầu tiên được ghi nhận vào thế kỷ 17 trong tập bản đồ của Việt Nam “Toàn tập Thiên Nam Tứ chí lộ đồ thư” và cùng với các đảo ở Spratly được gọi là “Bãi Cát vàng”. Các cứ liệu lịch sử cho thấy, năm 1721 đã thành lập Hải đội Hoàng Sa - một kiểu cơ quan hành chính của quần đảo Hoàng Sa - để khai thác tập trung các nguồn lợi của các đảo và để tiếp tế cho các thuyền đi về các đảo.
 
Trong khi đó tư liệu phía Trung Quốc, bao gồm cả tài liệu mô tả Đại Thanh không nhắc gì về Paracel và Spratly.
 
Chỉ có các nhà hàng hải Pháp và Hà Lan hiếm hoi có dịp vượt biển Đông đi đến Việt Nam nói về quần đảo Paracel. Họ viết về chuyện người Việt Nam đã thu nhận được nhiều súng đạn, đồ vật quý từ các tàu biển bị bão gió đánh chìm tại khu vực các hòn đảo trên. Người Việt Nam năng động đã thành lập một thuỷ đội không lớn có nhiệm vụ kiểm soát tàu nước ngoài làm ăn tại khu vực Paracel.
 
Vào đầu thế kỷ 19 Gia Long - vị vua đầu triều Nguyễn - đã tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa (Spratly). Vào thời gian này đã xuất bản nhiều bản đồ, trong đó Hoàng Sa được ghi nhận là lãnh thổ Việt Nam. Năm 1838 Nhà truyền đạo Pháp Jean-Louis Taber đã xuất bản quyển Dictionarium Latino-Annamiticum completum et novo ordine dispositum, gọi đơn giản là Từ điển Latin – Việt, trong đó Hoàng Sa được ghi là Paracel seu Cát vàng.
 
Cái tên Âu “Pracel”của những hòn đảo này do nhà trắc địa Đức Willem Janszoon Blaeu gọi. Rồi các nhà hàng hải Pháp gọi chệch ra thành “Le Paracel”.
 
Vào cuối thế kỷ 19 có hai tàu biển của Vương Quốc Anh chở đồng bị chìm tại Paracel. Người dân tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đã vớt lấy kim loại có giá này cho mình. Chính quyền Anh Quốc đã phản kháng về việc này. Khi đó người Trung Quốc trả lời rằng các đảo Paracel không thuộc lãnh thổ của họ, nên chính quyền Trung Quốc không chịu trách nhiệm về những gì xảy ra ở các đảo đó”.
 
Sau khi liệt kê một loạt các bằng chứng lịch sử, tác giả Vladimir Koryagin tiếp tục “vạch mặt” những hành động, dã tâm lâu đời hòng độc chiếm hai quần đảo của Việt Nam và tiến tới độc chiếm toàn bộ biển Đông của các đời nhà cầm quyền Bắc Kinh.
 
“Hiện trạng ở quần đảo Hoàng Sa lẽ ra được giữ nguyên dưới thời Pháp thuộc nếu như không có sự đối đầu Anh - Pháp. Năm 1933, cuốn “Bản đồ quản lý hành chính mới của Trung Quốc” ra đời, trên đó Trường Sa và Hoàng Sa được người Trung Quốc gọi theo tiếng Hán là “Nam Sa và Tây Sa” trực thuộc quản lý hành chính của tỉnh Quảng Đông.
 
Dưới tác động của bối cảnh mới này chính quyền đô hộ Pháp đã áp dụng một số biện pháp để khẳng định lại chủ quyền của “xứ An Nam” đối với các quần đảo như: Khâm sứ Pháp tại Đông Dương Jules Brevie đã ra lệnh thành lập cơ quan hành chính quản lý quần đảo Hoàng Sa và cho dựng trên quần đảo một tấm bia có dòng chữ “Cộng hoà Pháp-Vương quốc Annam – quần đảo Hoàng Sa, 1816”. Cũng trong khoảng thời gian đó, Nhật tích cực hoạt động, đánh chiếm đầu tiên là Trường Sa sau đó là Hoàng Sa vào đầu thế chiến thứ hai.
 
Năm 1946, người Pháp và Việt Nam tiến ra quần đảo Hoàng Sa để giải giáp quân Nhật đang đồn trú tại đây. Cùng thời điểm này Nhật Bản chính thức tuyên bố từ bỏ quyền và yêu sách đối với cả 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Điều này được ghi nhận trong Hiệp ước hoà bình San-Francisco 1951.
 
Năm 1956, quân viễn chinh Pháp rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ Việt Nam và kể từ thời điểm này, Việt Nam vốn bị chia cắt làm 2 miền, Trung Quốc đánh chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa còn Việt Nam chiếm giữ một phần, nơi trước đây quân đội Pháp kiểm soát.
 
Sự căng thẳng tình hình tiếp theo xảy ra vào năm 1959, khi Trung Quốc đưa 80 lính và vật liệu xây dựng lên quần đảo xây nhà kiên cố và sau đó dựng cờ Trung Quốc. Các đơn vị biên phòng miền Nam Việt Nam ngay lập tức có mặt tại các hòn đảo và bắt giữ toàn bộ người trên đó.
 
Bắc Kinh chỉ thể hiện sự phẫn nộ bằng cách ra công hàm phản đối ở cấp Bộ Ngoại giao vì lo ngại phải chạm trán với quân đội Mỹ đến giúp đỡ chính quyền miền Nam Việt Nam. 
 
Năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ các hòn đảo. Thời điểm đó Mỹ đang bận chuẩn bị ký Hiệp định hoà bình với Việt Nam, đồng thời rút toàn bộ quân ra khỏi các vùng cứ điểm ở miền Nam Việt Nam. 
 
Như vậy, việc Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa được xem như sự đã rồi, để từ đây Trung Quốc bắt đầu hướng bành trướng xuống quần đảo Trường Sa.
 
Chuyên gia bình luận quốc tế nói về tình hình biển Đông
 
Phó tiến sỹ sử học Gregory Lokshin - nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông:
 
“Tôi cho rằng việc hạ đặt giàn khoan Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm thô bạo Luật Quốc tế, Công ước Biển năm 1982, do đó đối với tôi ở đây mọi cái rõ ràng.
 
Tương lai hoặc là Trung Quốc chọn chính sách tiếp tục cứng rắn thêm trong quan điểm của mình, chính sách tấn công mà họ đã thực hiện nhiều năm qua nhằm chứng minh biển Đông là cái “ao nhà của Trung Quốc”, vì đòi hỏi của Trung Quốc là với 90% diện tích biển Đông.
 
Trung Quốc đơn giản là coi thường các thoả thuận đã có trong khuôn khổ ASEAN, do là các thoả thuận có tính tuyên bố, không mang tính chất ràng buộc pháp lý. 
 
Cá nhân tôi đã từng đến các đảo, đặc biệt là đảo Lý Sơn, cách điểm hạ đặt giàn khoan khoảng100 hải lý. Tất cả vùng bờ biển Việt Nam gồm những tỉnh lớn, nơi hàng triệu người dân sống nhờ khai thác cá và các hải sản của biển Đông.
 
Trung Quốc dùng mọi loại tàu xuồng đuổi tàu ngư dân Việt Nam ra khỏi nơi đó - cái cách hành xử đó sẽ gây phản ứng ra sao ở một đất nước vẫn còn ký ức lịch sử về ngàn năm áp bức của Trung Quốc đối với Việt Nam?”.
 
Ông Nikolai Kolesnik - Chủ tịch đoàn chủ tịch của tổ chức xã hội liên khu vực các cựu chiến binh ở Việt Nam nói:
 
“…Cá nhân tôi cho rằng trách nhiệm trước sự việc xảy ra hoàn toàn thuộc về phía Trung Quốc, là bên đã hạ đặt giàn khoan ở vùng tranh chấp không có sự thương thảo trước với Việt Nam, là bên hành động trên thế kẻ mạnh, coi thường lợi ích và quyền của láng giềng Việt Nam.
 
Tôi cũng hiểu người Việt Nam bởi gần một năm tôi chung vai sát cánh với các bộ đội Việt Nam chống trả các cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ. Cùng với sự nồng hậu, tôn trọng, lòng trắc ẩn, sẵn sàng giúp cả người chưa quen, người Việt Nam còn nổi bật với tinh thần gắn kết, quên mình, tương thân, quyết tâm và khát vọng chiến thắng.
 
Sớm hay muộn Việt Nam sẽ giành được sự công bằng lịch sử trong chủ quyền quần đảo Parasel. 
 
Theo Plo.vn