Nhật Bản: Thúc đẩy TPP tiếp tục?

09:10, 20/10/2016

Ðể Hiệp định Thương mại Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể có hiệu lực, hiệp định này cần phải được phê chuẩn bởi ít nhất 6 thành viên đại diện cho 85% tổng lượng GDP của toàn khối. Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, điều đó có nghĩa là Mỹ phải thông qua hiệp định này, nếu không nó sẽ chết.

Ðể Hiệp định Thương mại Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể có hiệu lực, hiệp định này cần phải được phê chuẩn bởi ít nhất 6 thành viên đại diện cho 85% tổng lượng GDP của toàn khối. Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, điều đó có nghĩa là Mỹ phải thông qua hiệp định này, nếu không nó sẽ chết.
 
Đại diện các nước tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP ở Auckland, New Zealand, 4/2/2016
Đại diện các nước tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP ở Auckland, New Zealand, 4/2/2016
Chính phủ Nhật Bản vừa thúc giục quốc hội nước này nhanh chóng thông qua Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP với hy vọng tiếp sức cho hiệp định khu vực này, dù cho nó đang bị chống đối ở Mỹ.
 
Theo tờ Japan Times, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe hôm 13/10 bày tỏ quyết tâm nhanh chóng thông qua hiệp định thương mại tự do này và gây áp lực với Washington tiếp bước họ. Các thành viên trong nội các của ông Abe tái khẳng định quyết tâm thông qua một dự luật để thông qua hiệp định này trước khi kết thúc khóa họp quốc hội ngày 30/11.
 
Bộ trưởng phụ trách phục hồi kinh tế Nobutera Ishihara được Japan Times trích lời nói “Nhật Bản cần đóng vai trò dẫn đầu để thông qua hiệp định thương mại này và tạo ra một sức đẩy trong nội bộ nước Mỹ”. Bộ trưởng này hối thúc nước ông rằng “Nhật Bản cần đứng ra lèo lái nước Mỹ” trong vấn đề này.
 
TPP được cho là không có cơ may sẽ được thông qua ở Quốc hội Mỹ trước khi Tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm tới. Trong chuyến công du tới châu Á cuối cùng vào tháng 9 vừa qua, ông Obama đã cam kết với các nhà lãnh đạo khu vực rằng ông sẽ thuyết phục quốc hội thông qua hiệp ước TPP.
 
Việt Nam được coi là quốc gia sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP và rất muốn có được hiệp định này. Nhưng trong bối cảnh hiệp định này bị cả hai đảng chính trị chống đối tại Hoa Kỳ, Quốc hội Việt Nam đã tuyên bố sẽ chờ kết quả bầu cử và những động thái của Quốc hội Mỹ.
 
Giáo sư của Trường Đại học New South Wales Carl Thayer, một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam nhận xét về vấn đề này:
 
“Hiệp định (TPP) có ảnh hưởng tới Việt Nam bởi Việt Nam rất cần hiệp định này. Việt Nam là một trong 12 nước ký kết và được cho là nước thu lợi nhiều nhất. Hiệp định này sẽ giúp tăng GDP và giúp Việt Nam tiếp cận tốt hơn với thị trường Mỹ. Việt Nam đang trong một thời kỳ khó khăn về mặt kinh tế, không có TPP sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của Việt Nam hiện nay.”
 
Nhưng ông Thayer cho rằng, TPP sẽ khó được thông qua ở Mỹ:
 
“Kể từ khi TPP được ký kết (bởi 12 quốc gia thành viên), ở từng quốc gia thành viên có khá nhiều vấn đề vướng mắc. Tôi không nghĩ sẽ có hy vọng gì cho TPP. Tôi nghĩ TPP sẽ không được thông qua ở Quốc hội Mỹ”.
 
TPP là một nhân tố quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Obama. Nhưng cả 2 ứng cử viên tổng thống - bà Hillary Clinton và ông Donald Trump - đều không ủng hộ hiệp định đã được 12 nước thành viên ven Thái Bình Dương ký kết.
 
Ông Thayer nói: “Chiến lược tái cân bằng lực lượng hướng về châu Á đặt trọng tâm vào hai lĩnh vực quân sự và kinh tế. Giờ đây tôi cho rằng 1 “chiếc chân” của chiến lược này đã bị gãy do đó nó sẽ rất khó khăn. Câu hỏi thực sự giờ đây là, với một chính quyền mới, cho dù đó là ai, họ sẽ làm gì với các mối quan hệ thương mại ở châu Á Thái Bình Dương”.
 
Để TPP có thể có hiệu lực, hiệp định này cần phải được phê chuẩn bởi ít nhất 6 thành viên đại diện cho 85% tổng lượng GDP của toàn khối. Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, điều đó có nghĩa là Mỹ phải thông qua hiệp định này, nếu không nó sẽ chết.
 
TPP sẽ xóa bỏ hầu hết các loại thuế và các rào cản thương mại khác trong khối 12 nước - bao gồm cả Canada, Úc, New Zealand, Singapore và một số nước thành viên khác ở châu Mỹ. Hiệp định cũng bao gồm các điều luật về quyền của người lao động và môi trường làm việc.
 
Cả 2 chính phủ Nhật Bản và Úc cũng đang đối mặt với một số khó khăn trong việc phê chuẩn TPP. Theo Wall Street Journal, các đảng đối lập không tham dự buổi họp Quốc hội Nhật Bản hôm 13/10 và cho rằng ông Abe đang đi quá nhanh. Trong khi đó đảng của thủ tướng đương nhiệm Úc Malcolm Turnbull không có đủ số phiếu để phê chuẩn TPP. Nhưng ở Tokyo, ông Abe và liên minh của ông có thể dễ dàng vượt qua được sự chống đối và theo giáo sư Thayer, nếu bà Clinton đắc cử, thời cuộc có thể thay đổi ở Mỹ. 
 
D.Q (Theo VOV)