Tân binh Luton Town và những điều độc đáo tại Ngoại hạng Anh năm nay

VIẾT TRỌNG 00:14, 17/08/2023

Ngoại hạng Anh mùa bóng 2023/2024 đã bắt đầu từ 11/8/2023 vừa rồi và kéo dài đến 19/5/2024 với 17 đội từng chơi tại ngoại hạng mùa trước và 3 tân binh mới lên hạng, trong đó có Luton Town khá độc đáo.

Keniworth Road, sân nhà của đội Luton Town - sân bóng nhỏ nhất và lâu đời nhất với 120 năm tuổi tại giải ngoại hạng hiện nay
Keniworth Road, sân nhà của đội Luton Town - sân bóng nhỏ nhất và lâu đời nhất với 120 năm tuổi tại giải ngoại hạng hiện nay

TỪ “KHÔNG HẠNG” LÊN NGOẠI HẠNG

17 đội bóng chơi ở Ngoại hạng Anh mùa 2022/2023 và đang tiếp tục chơi tại ngoại hạng mùa 2023/2024 theo thứ tự bảng xếp hạng điểm từ cao đến thấp là Manchester City, Asenal, Manchester United, Newcastle, Liver-pool, Brighton, Aston Villa, Tottenham, Brentford, Fulham, Crytal Palace, Chelsea, Wolveshampton, West Ham, Bournemoth, Nottingham Forest và Eveton.

3 đội phải xuống hạng Championship mùa giải năm nay là Leicester, Leeds và Southamton. Thay thế cho 3 đội xuống hạng này tại Ngoại hạng Anh là 3 đội mới lên hạng từ Championship gồm Burnley (nhất Championship), Sheffield United (nhì Championship) và Luton Town (tranh vé vớt), trong đó 2 đội Burnley và Sheffield United đã từng lên xuống giải ngoại hạng, chỉ riêng Luton Town lần đầu tiên mới lên ngoại hạng với nhiều điều độc đáo. 

Chuyện lên xuống hạng trong bóng đá có vẻ là một câu chuyện bình thường, nhất là tại một giải đấu đầy cạnh tranh như Ngoại hạng Anh, trừ phi đội bóng đó mới giành vô địch rồi phải chịu cảnh rớt hạng. Bóng đá, hay thể thao nói chung, phụ thuộc rất nhiều vào phong độ của người chơi, của cầu thủ và của ban huấn luyện, tuy nhiên, luôn tồn tại một thứ gọi là đẳng cấp. Những đội bóng lớn luôn có đẳng cấp của mình, như HLV vang danh một thời của Ngoại hạng Anh Alex Ferguson từng nói “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”, điển hình như việc các đội bóng trong tốp đầu Premier League như Manchester United, Arsenal, Liverpool, Manchester City… dù có chơi xập xình một vài trận đấu đâu đó trong mùa giải thì đến cuối họ vẫn về top đầu. Tệ nhất trong mùa giải Ngoại hạng Anh vừa qua có lẽ chính là Chelsea - một đội bóng hàng đầu của Anh, họ đã phải kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 12. Còn Leicester dù từng vô địch ngoại hạng 2016, có thể vì phong độ nhất thời ở thời điểm đó giúp họ vô địch, nhưng sau đó họ lại không đầu tư nguồn lực đủ mức cần thiết để duy trì vị thế đã có, để rồi phải lâm vào cảnh xuống hạng như hiện nay. 

Nhưng việc lên hạng của Luton Town trong mùa giải ngoại hạng năm nay đúng là một câu chuyện đầy độc đáo, hiếm có trong thời hiện đại. Trước đây, trong năm 2016, khi Leicester City giành vô địch ngoại hạng, đã tạo một cú sốc lớn cho làng bóng đá Anh vì nó giống như một câu chuyện “con voi chui qua được lỗ kim”. Luton Town trong năm nay cũng hy hữu không kém, khi họ rớt hạng xuống vị trí chẳng được xếp hạng nào trong Bóng đá Anh, lặn ngụp trong bóng đá kiểu phong trào, nhưng rồi đã đi một mạch từ “không hạng” để lên thẳng đến ngoại hạng. 

Như nhiều đội bóng tại Anh, Luton Town cũng có một lịch sử chơi bóng lâu đời của mình. Thành lập từ năm 1885, đội bóng này được mệnh danh là “Những người làm mũ và bán mũ - The Hatters” vì gắn với thị trấn Lu-ton của vùng Bedfordshire của Anh chuyên làm mũ và bán mũ. 

Tuy nhiên, xuyên suốt trong 138 năm tồn tại của mình, đội bóng này đã phải đối mặt với đối thủ lớn nhất của mình là các vấn đề tài chính. Thiếu tiền, thiếu nguồn đầu tư họ đã phải nhiều lần “nghỉ chơi” dù chỉ chơi tại các giải đấu thấp trong hệ thống Bóng đá Anh. Đã có lúc đội bóng này lên đến giải hạng Nhất, đó là mùa bóng 1982/1983, sau đó xuống lại hạng Nhì và chơi ở đây. Mùa giải hạng Nhì 2008/2009 do không đủ nguồn lực tài chính, đội bóng này đã bị trừ điểm, buộc phải xuống đến hạng Năm - một hạng đấu không còn được xếp hạng trong Bóng đá Anh, tương đương với một đội bóng phong trào. 

Chơi hạng phong trào trong 5 năm, thông qua cánh cửa dự các cúp quốc gia nơi các đội bóng trong nước đều được thi đấu, Luton Town đã tìm được đường trở lại các giải đấu có xếp hạng của Anh trong mùa giải 2014/2015 rồi nhanh chóng vươn lên đến Championship (chỉ xếp sau ngoại hạng) trong mùa giải 2019/2020 sau 12 năm vắng bóng tại giải đấu này. 

Và mọi chuyện không dừng ở đây. Sự thăng tiến đến với Luton Town một cách chóng mặt. Mùa giải 2021/2022 họ giành quyền tranh vé vớt (play-off) để lên ngoại hạng nhưng bị Huddersfield Town đánh bại trong trận bán kết. Không sao, mùa giải 2022/2023 vừa qua, tại Championship họ tiếp tục lọt vào vị trí tranh vé vớt trở lại và lần này họ đã đánh bại cả 2 đội Sunderland và Coventry City trong bán kết và chung kết để giành vị trí thứ ba, đủ đảm bảo cho họ có một tấm vé đầu tiên trong lịch sử của mình lên chơi ngoại hạng.

• NHỮNG KHÓ KHĂN 

Đằng sau niềm vui lên ngoại hạng trong câu chuyện thần tiên của mình, Luton Town sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trên sân chơi đầy áp lực này.

Trước mắt đó vẫn là một câu chuyện dài về tài chính, dù Luton Town như trúng số độc đắc khi kiếm được một số tiền khổng lồ vượt cả mong đợi nhờ việc thăng hạng. Một tờ báo tại Anh, tờ The Mail on Sunday viết rằng “Lịch sử 138 năm của câu lạc bộ này này được chứng kiến một điều kỳ diệu chưa từng có khi lên chơi ở Ngoại hạng Anh và nhận số tiền hơn 200 triệu bảng trong vòng 3 mùa giải”.

Tuy nhiên, số tiền này nhìn thì rất lớn với một đội bóng nhỏ như Luton Town nhưng thật ra đâu là gì với các đội bóng lớn trong ngoại hạng. Như Arsenal chẳng hạn, sau mùa bóng chỉ về nhì ngoại hạng, mùa giải năm nay, họ đã trở thành một đội bóng chịu chi nhất Anh khi bỏ ra 255 triệu bảng Anh cho thị trường chuyển nhượng cầu thủ tính đến ngày 10/8, trong đó, chỉ riêng tiền về Deslan Rice khi mua từ West Ham về, đội bóng này đã chi ra 128 triệu bảng Anh. Tất nhiên, Arsenal cũng bán bớt cầu thủ đội hình mình để thu về 37 triệu bảng Anh. Còn các đội bóng khác cũng chơi lớn không kém như Tottenham chi 213 triệu bảng để mua cầu thủ, đội Manchester United cũng chi 211 triệu bảng cho mua cầu thủ. Nếu tính ra tiền, nhiều cầu thủ trong các đội bóng lớn còn có giá trị hơn cả một đội bóng của Luton Town hiện có hiện nay.

Chính vì vậy, HLV của Luton Town là Rob Edward đã chia sẻ rằng: “Tôi biết chúng tôi là ứng viên sáng giá nhất cho tấm vé xuống hạng. Hầu hết các đội bóng thăng hạng thông qua vòng vé vớt sẽ xuống hạng sau một mùa giải. Tôi không khó chịu với những điều mà mọi người dự đoán, đó chỉ là tiêu chuẩn họ áp đặt lên Luton. Chúng tôi là một trong những đội nhỏ nhất từng được thăng hạng. đội bóng chưa từng tham dự Premier League trước đây. Nó giống như David so với Goliath. Nhưng chúng tôi muốn tận hưởng mùa giải này”.

Việc đầu tiên mà Luton Town cần làm cho mùa giải ngoại hạng này là việc tăng cường cầu thủ chất lượng. Tuy nhiên, với nguồn lực có hạn và thị trường cầu thủ cao chất ngất hiện nay, quả khó cho họ. Một giải pháp khả dĩ cho đội này là tìm những cầu thủ có tiếng một chút nhưng đã qua thời đỉnh cao như cách các đội tầm trung tại Premier League vẫn làm lâu nay. 

Nhưng cái khó nhất của Luton Town là phải vừa thi đấu vừa chi tiền xây sân mới vì sân thi đấu của đội hiện nay rất nhỏ, chính xác là chỉ 10.356 chỗ ngồi - nhỏ nhất trong các sân tại Ngoại hạng Anh. Thực chất, sân Keniworth Road nơi họ thi đấu hiện nay là một sân rất cũ, vào hàng cổ điển với tuổi đời chừng... 120 năm. Sân này gắn với lịch sử thăng trầm của đội bóng và đến nay chưa được cải tạo, nâng cấp, giống như sân sau với các dãy nhà bao quanh, đường vào sân rất hẹp. Đội bóng này từ lâu đã rất muốn xây một sân bóng mới ở nơi thuận tiện hơn tại thành phố của mình nhưng bàn đi tính tới rồi phải ngừng vì nhiều nguyên do trong đó có việc không đủ tiền. 

Gần đây, với việc thăng tiến không ngừng của Luton Town, Ban lãnh đạo đội bóng này đã quyết định đẩy nhanh việc xây sân bóng mới tại trung tâm thành phố này và số ghế ngồi từ trên 10 nghìn chỗ ở sân cũ lên trên 17.500 chỗ ở sân mới và có thể mở rộng lên đến 23 nghìn chỗ khi cần. Một quyết định gần đây của Ban lãnh đạo cho biết, sân bóng mới sẽ được nâng lên 19.500 chỗ ngồi, với 4.000 chỗ đứng đi kèm, rất khiêm tốn so với các sân của các đội bóng lớn hiện nay tại Anh. Tuy nhiên, phải hơn 3 năm nữa, đến 2026 sân mới mới xong. Điều này có nghĩa, Luton Town vẫn phải tiếp tục sử dụng sân cũ lâu nay và đội bóng này để chơi ngoại hạng phải chi vào đây trên chục triệu bảng Anh để nâng cấp sân, đã nghèo còn phải lo tiền làm nhà, quả khó.