Robert Lofgran và chút "duyên" với Đà Lạt

09:04, 28/04/2016

Sau lần đầu tổ chức thành công giải đua xe đạp địa hình quốc tế - Vietnam Victory Challenge lần thứ nhất năm 2015 tại Đà Lạt, Robert Lofgran tiếp tục tổ chức giải đua xe đạp địa hình quốc tế lần thứ 2 trong năm 2016 với số lượng VĐV đông hơn và ngay liền sau đó anh tổ chức giải Siêu Marathon Lâm Đồng mở rộng lần 1/2016 trong tháng 3/2016 tại Đà Lạt cũng thành công không kém giải đua xe đạp.

Sau lần đầu tổ chức thành công giải đua xe đạp địa hình quốc tế - Vietnam Victory Challenge lần thứ nhất năm 2015 tại Đà Lạt, Robert Lofgran tiếp tục tổ chức giải đua xe đạp địa hình quốc tế lần thứ 2 trong năm 2016 với số lượng VĐV đông hơn và ngay liền sau đó anh tổ chức giải Siêu Marathon Lâm Đồng mở rộng lần 1/2016 trong tháng 3/2016 tại Đà Lạt cũng thành công không kém giải đua xe đạp.
 
Robert Lofgran
Robert Lofgran
“Tất cả là vì tình yêu xe đạp và tình yêu Đà Lạt”, Robert Lofgran cười tươi khi nói chuyện với tôi. Đã 3 năm anh cùng gia đình sinh sống và làm việc tại TP HCM, anh bảo rất nhiều lần lên Đà Lạt và ngay từ lần đầu tiên lên đây anh đã thích ngay thành phố này. Anh thích bầu không khí trong lành dịu mát của cao nguyên, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, núi đồi, rừng thông, thác nước, những con đường rừng quạnh vắng đẹp đến mê hồn và tự nhủ với mình không đâu tại Việt Nam thích hợp hơn nơi đây để tổ chức một giải xe đạp địa hình quốc tế - môn thể thao vốn gắn bó với anh từ nhỏ đến nay.
 
Năm nay 33 tuổi, Robert Lofgran, với cái tên thân mật là “Bob” sinh trưởng ở một vùng núi đồi rộng lớn ở bang Wyoming, Mỹ. Lớn lên một chút anh cùng gia đình chuyển sang sinh sống ở Salt Lake, bang Utah. Nơi đây anh vào làm việc thêm ở một cửa hàng xe đạp trong lúc đi học và xe đạp nhanh chóng trở thành một phần đời của anh. Anh thích xe địa hình, lúc đầu chạy lòng vòng ở đường phố sau đó anh thử chạy trên các con đường mòn trên núi và lập tức cảm giác thích thú khi chinh phục được các cung đường khó đã choáng ngợp người anh. 
 
Trong gần 10 năm sau đó, khi giã từ trường học phổ thông anh dành sức cho các cuộc đua địa hình trên khắp đất Mỹ, sau đó là các giải đua ở châu Âu. Anh trở thành huấn luyện viên đua xe đạp địa hình ở thành phố của anh tại bang Utah trước khi anh chuyển sang làm việc trong ngành công nghiệp xe đạp tại Brazil và sau đó là Việt Nam.
 
Đến giờ, Robert Lofgran nói anh không nhớ đã tham dự bao nhiêu cuộc đua xe đạp địa hình trên khắp thế giới, giành không biết bao nhiêu các giải thưởng lớn nhỏ. “Có thể nói cuộc sống của tôi như xoay quanh chiếc xe đạp. Từ nhỏ tôi đã chọn làm bạn với chiếc xe đạp, việc đạp xe không chỉ giúp rèn luyện bản thân, giúp mình kiên nhẫn, dạy mình chăm chỉ để chinh phục từng đoạn đường mà còn dạy mỗi cá nhân vượt qua những thử thách để trưởng thành. Xe đạp đã làm thay đổi cách nhìn của tôi về cuộc đời, tôi thích các hoạt động ngoài trời và nhờ xe đạp tôi như biết cách làm cuộc sống của mình trở nên tươi đẹp hơn”- anh nói.
 
Chính vì vậy, khi làm việc và sinh sống ở TP HCM anh đã rất nhiều lần muốn tổ chức một giải đua quốc tế ở Việt Nam. Anh đi nhiều nơi ở Việt Nam để tìm kiếm địa điểm và Đà Lạt theo anh chính là nơi thích hợp nhất. Bằng những trải nghiệm của mình trong các cuộc đua trên khắp thế giới, anh lên kế hoạch thiết kế một đường đua tại Đà Lạt. “Phải độc đáo, đủ độ khó để thử thách và kích thích tinh thần thi đấu của người tham gia nhưng cũng không khó quá để mọi người phải bỏ cuộc” - anh nói. 
 
Tại Đà Lạt, anh đã chọn khu vực quanh núi Lang Biang - Lạc Dương và khu vực Thung lũng Tình Yêu - Đà Lạt để làm đường đua. Trong 3 ngày các tay đua tham dự trải qua 3 chặng đua khác nhau, một vòng chạy xuôi, một vòng chạy ngược lại và vòng cuối quanh Thung lũng Tình Yêu, không ngày nào giống ngày nào, cũng vượt suối, vượt dốc, các con đường đất đá lổn nhổn quanh co dưới tán rừng thông, đủ độ khó để mọi người phải “nhớ”. 
 
Đường đua đẹp, công tác tổ chức cực tốt đã thu hút rất đông người tham dự và ngay sau lần tổ chức đầu tiên cuộc đua đã nhanh chóng vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Lần đầu chỉ khoảng trên 100 VĐV, một nửa trong số này là VĐV nước ngoài thì đến cuộc đua lần thứ 2 đã có trên 180 VĐV dự giải, trong đó có trên 100 tay đua nước ngoài đến từ khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều VĐV từ trong nước đến nước ngoài được hỏi khi kết thúc giải đã không tiếc lời ngợi khen công tác tổ chức và cho biết sẽ còn quay lại với giải lần đến. 
 
Điểm thú vị là hầu như cả nhà anh cùng đứng ra tổ chức giải. Không chỉ là người trực tiếp đứng ra vận động tài trợ và bỏ tiền túi của mình ra thêm để tổ chức giải, anh suốt trong những ngày giải diễn ra trong chiếc xe máy địa hình chạy đi chạy lại trên đường đua để lo công tác hậu cần, tiếp nước cho VĐV. Vợ anh lo mọi việc tại điểm đến, ghi lại thứ tự các VĐV về đích, thống kê thành tích để đưa lên trang mạng; cả 3 đứa con nhỏ của anh được đưa theo, ngồi kế bên mẹ chơi trong suốt những ngày giải diễn ra.
 
Với giải Siêu Marathon Lâm Đồng mở rộng lần thứ I cũng do anh tổ chức liền sau cuộc đua xe đạp địa hình trong tháng 3 năm nay tại Đà Lạt, anh bảo vui đó là do bạn anh tại TP HCM bảo rằng sao tổ chức giải đua xe đạp địa hình mà không tổ chức giải chạy, thế là anh gật đầu. Với uy tín của mình cùng với kinh nghiệm từ giải đua xe đạp, anh đã tổ chức rất tốt giải “siêu chạy” vượt rừng được nhiều VĐV thích thú.
 
Nhưng với anh, niềm vui khi thấy giải xe đạp địa hình đã thành hình tại Việt Nam, tại Đà Lạt, đang được vận hành tốt sau 2 năm tổ chức, cả giải Siêu Marathon trong năm nay nữa, cũng diễn ra rất thành công. Đà Lạt với anh như một cái duyên và mọi việc đang diễn ra tốt đẹp. Khi giải kết thúc, tôi hỏi anh rằng, năm đến giải ra sao thì anh cười vui bảo rằng, tất cả còn chờ kết quả của việc vận động tài trợ trong năm đến. “Có tiền mới tổ chức giải được chứ” - anh nói. Vâng, để tổ chức một giải như thế số tiền bỏ ra không nhỏ, hy vọng anh sẽ vận động được để cuộc đua rồi sẽ lại diễn ra trong năm đến.
 
GIA KHÁNH