Đưa võ Việt ra thế giới

12:01, 28/01/2017

Với vai trò Phó Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam, võ sư Trương Văn Bảo - Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Lâm Đồng - những năm gần đây thường xuyên ra nước ngoài để tham gia các đợt huấn luyện Võ cổ truyền Việt cho các võ sư và môn sinh nhiều nơi trên thế giới.

Với vai trò Phó Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam, võ sư Trương Văn Bảo - Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Lâm Đồng - những năm gần đây thường xuyên ra nước ngoài để tham gia các đợt huấn luyện Võ cổ truyền Việt cho các võ sư và môn sinh nhiều nơi trên thế giới.
 
Võ sư Trương Văn Bảo (thứ tư từ trái sang) cùng các học viên trong một lớp tập huấn võ Việt tại Pháp. Ảnh N.V cung cấp
Võ sư Trương Văn Bảo (thứ tư từ trái sang) cùng các học viên trong một lớp tập huấn võ Việt tại Pháp. Ảnh N.V cung cấp

Những chuyến đi 
 
Khi trò chuyện với Võ sư Trương Văn Bảo về những chuyến đi của ông trong những năm qua, tôi thường đùa vui rằng đáng lẽ ra ông phải là tuổi Thìn thay vì tuổi Dần. Cầm tinh tuổi Dần - chúa sơn lâm phải lo chuyện giữ rừng, quẩn quanh canh chừng lãnh địa của mình, đằng này ông lại thường xuyên “đi mây về gió” như rồng, hầu như năm nào cũng có cơ hội ít nhất là vài chuyến đi xa. 
 
Sinh ở Sài Gòn năm 1950 (Canh Dần), lúc ông 2 tuổi, cả nhà lên Đà Lạt sinh sống. Ông đến với võ thuật và có duyên với võ cổ truyền (VCT) từ nhỏ, ngày đó còn gọi là “võ Ta” (để phân biệt với võ Tây hay võ Tàu). Đó là năm lên 8, khi gia đình đưa ông đến thụ giáo với võ sư Nguyễn Ngọc Ân - một võ sư với lò võ ở Đà Lạt. Tại đây, ông đã đi những bước đầu tiên với các bài quyền dân tộc. Dù sau này khi có cơ hội học thêm rất nhiều môn võ khác, từ quyền Anh, Nhu đạo (Judo), Nhu thuật (Jujitsu), Thái cực đạo (Taekwondo), Thiếu Lâm Phật Gia quyền… nhưng tất cả những môn võ đó dù được cấp văn bằng hẳn hoi ông vẫn coi VCT dân tộc với “võ Ta” Bình Định, là chủ đạo. Ông học các môn võ khác để cho biết và mở rộng nhãn quan võ thuật của mình. 
 
Bên cạnh võ, ông còn là người học trò cần mẫn trong trường học, hết bậc phổ thông, ông vào học tại Viện Đại học Đà Lạt và tốt nghiệp Quản trị - Kinh doanh - một ngành rất mới tại miền Nam lúc đó, năm 1974. Sau này dù đã lớn tuổi ông vẫn tiếp tục chuyện học hành, ông hiện có bằng cao học về Giáo dục của một trường Đại học Mỹ. 
 
Nhờ tập võ, tập một cách siêng năng như ông bảo nên ông trông trẻ hơn độ tuổi của mình rất nhiều. Ông rất khỏe, vạm vỡ, nắm tay to, có cái uy và hào sảng của nhà võ nhưng vẫn có nét uyên bác, thông thái của một người học văn, ham đọc sách. “Sức khỏe tôi có được là nhờ thường xuyên tập luyện hằng ngày thôi” - ông cười, chỉ tay vào võ đường bên nhà riêng tối tối vẫn có rất đông môn sinh đến thụ giáo.
 
Võ sư Trương Văn Bảo tại Paris Pháp. Ảnh N.V cung cấp
Võ sư Trương Văn Bảo tại Paris Pháp. Ảnh N.V cung cấp
Là Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Lâm Đồng từ năm 1995, Chủ tịch Liên đoàn VCT Lâm Đồng từ năm 2000 đến nay, là Phó Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam, thành viên trong Ban chuyên môn và quan hệ quốc tế của Liên đoàn nên ông có cơ hội cùng các thành viên của Liên đoàn VCT Việt Nam thường xuyên ra nước ngoài trong nhiệm vụ truyền bá võ Việt ra với thế giới. 
 
Như trong năm 2016 vừa qua, ông cùng một số thành viên của Liên đoàn VCT Việt Nam có chuyến đi gần nửa tháng sang châu Âu để tập huấn chuyên môn cho nhiều võ sư VCT Việt là người nước ngoài từ khắp châu Âu tập trung về tại Paris - Pháp. Tiếp sau đó là chuyến công du cùng Liên đoàn sang Iran để tham dự lễ thành lập Liên đoàn châu Á VCT Việt Nam và Liên đoàn Đông Nam Á VCT Việt Nam tại Iran.  
 
Trước đó, cũng với tư cách là thành viên của Liên đoàn VCT Việt Nam, ông nhiều lần tham gia tập huấn cho các Liên đoàn VCT Việt ở rất nhiều nước châu Âu, từ Đông Âu đến Tây Âu, sang các nước Bắc Phi - nơi phong trào võ Việt rất mạnh. Ông cũng có các chuyến đi Mỹ, đi thăm nền võ thuật các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, đến làm việc với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Đến nay, ông nhẩm tính đã có hơn 30 chuyến đi như vậy hằng năm. 
 
Có một chuyến đi khác mà ông kể với tôi nghe là vào năm 1998, ông cùng một môn sinh, học trò ông từ Pháp về, mời ông làm một chuyến đi gần 1 tháng sang chùa Thiếu Lâm ở Hà Nam, Trung Quốc. Chuyến đi này ông học hỏi được rất nhiều điều về võ thuật.  
 
Bên cạnh trình độ chuyên môn về VCT Việt, cũng nhờ thông thạo nhiều môn võ khác trên thế giới nên trong lúc giảng dạy khắp nơi, ông thường liên hệ với các môn võ khác để nêu lên sự khác biệt của võ Việt. Đặc biệt, nhờ trình độ ngoại ngữ tiếng Anh được đào tạo bài bản từ ngày trên ghế đại học nên ông nói và viết tiếng Anh khá lưu loát, có thể giảng dạy bằng tiếng Anh. Ông tham gia nhóm biên soạn tài liệu, chuyển các bài giảng võ Việt sang tiếng Anh cho môn sinh quốc tế tham khảo. 
 
Trong những chuyến đi đó, ấn tượng để lại trong ông nhiều nhất, chính là người học võ Việt ngày càng nhiều. “Thế giới này có rất nhiều môn võ, có những môn võ hay, lạ, độc đáo, nhưng vì sao họ lại chọn võ Việt chúng ta để học, ngày lại càng đông người học, đó là một điều rất đáng nói, đáng tự hào”- ông nói.  
 
Khi truyền dạy cho môn sinh người nước ngoài, ông thường gắn kết bài giảng võ Việt với truyền thống văn hóa Việt, cố gắng lý giải dưới góc độ khoa học rằng, tại sao người Việt lại dùng đòn thế này mà không dùng cách khác. “Nổi bật nhất của võ Việt chính là nét thực dụng, chú trọng thực tiễn. Võ chúng ta rất ít nét hoa mỹ, chú trọng đến hiệu quả sử dụng hơn là phô trương biểu diễn màu mè nên được nhiều người học nước ngoài rất thích” - ông nói. 
 
Một điều ông cũng muốn kể cho tôi nghe là tinh thần cầu thị, chịu khó học hỏi của các võ sư người nước ngoài. Không chỉ chịu khó tập luyện, nhiều người tiếp thu võ Việt rất nhanh, nhiều người còn cố học tiếng Việt để hiểu tinh thần của từng bài quyền Việt.  
 
Khi môn sinh về nguồn 
 
Việc võ Việt tìm được chỗ đứng trong dòng chảy võ thuật quốc tế, theo Võ sư Trương Văn Bảo  chính bởi lịch sử đặc sắc của người Việt. Võ Việt gắn liền với lịch sử Việt, với truyền thống quật cường của dân tộc “Võ chúng ta là võ trận, võ để chiến đấu, thiện chiến, là môn võ dành cho cận chiến với nhiều đòn đánh rất nhanh, rất độc đáo mà các võ khác ít có được”.  
Nhưng không chỉ đi xa để dạy võ, rất nhiều môn sinh từ khắp nơi trên thế giới đã đến Việt Nam, đến Đà Lạt, tìm đến nhà ông để học võ.
 
Hầu hết những môn sinh đó là các võ sư VCT Việt ở khắp châu Âu, Bắc Phi, Mỹ…; nhiều người trong số đó từng tham dự các lớp do ông huấn luyện, sau đó giữ liên lạc với thầy và có cơ hội là họ đến Việt Nam, có người được bạn bè giới thiệu. 
 
Các chuyến đi này như một dạng hành hương “về nguồn” khi những người học võ nước ngoài muốn tìm đến nơi xuất phát môn võ mình học. Họ thường đi theo nhóm, mỗi nhóm chừng vài người hoặc có lúc đông đến cả chục người, đông nhất thường vào dịp hè. Họ thường theo một lịch trình nhất định, đi từ Bắc vào Nam, ghé thăm đất võ Bình Định, tìm cơ hội tham gia các giải đấu giao hữu với các môn sinh Việt và lên Đà Lạt tìm ông để thụ giáo thêm. 
 
 Như gần đây nhất trong năm 2016 vừa qua là một đoàn võ sư cùng môn sinh của Algeria sang đây. Mỗi đợt huấn luyện như vậy thường kéo dài từ 1 tuần đến vài tuần tùy theo yêu cầu, chủ yếu là huấn luyện nâng cao. “Hầu hết họ là võ sư, có căn bản nhất định về võ Việt, có võ đường, qua đây nâng cao để về dạy lại trong nước” - ông cho biết.
 
Trong năm 2015, Việt Nam đã thành lập Liên đoàn Thế giới VCT Việt nhằm mục tiêu truyền bá võ Việt ra với thế giới. Trong các kỳ Festival Quốc tế VCT Việt tại Việt Nam những năm vừa qua, đã có rất đông các đoàn võ sinh từ khắp nơi trên thế giới về tham dự.  
 
Với Võ sư Trương Văn Bảo, niềm vui là được đi. Ông đọc cho tôi một câu chữ Hán cổ “Độc vạn thư bất như hành thiên lý lộ” (tạm dịch “đọc nghìn cuốn sách không bằng những điều học được trên đường đi”) và thêm một câu ngạn ngữ ông bà thường bảo: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Và ông còn vui hơn khi biết mình được đóng góp chút ít công sức cho việc quảng bá, đưa võ Việt ra  thế giới.
 
GIA KHÁNH