Niềm vui người câu cá

08:06, 08/06/2017

Ngày càng nhiều người ở Đà Lạt mê câu cá - môn thể thao giải trí và họ cũng mong không nhìn thấy cảnh sông hồ ngày càng bị ô nhiễm!

Ngày càng nhiều người ở Đà Lạt mê câu cá - môn thể thao giải trí và họ cũng mong không nhìn thấy cảnh sông hồ ngày càng bị ô nhiễm!
 
Câu giải trí ở hồ Đà Lạt. Ảnh: Hữu Trí
Câu giải trí ở hồ Đà Lạt. Ảnh: Hữu Trí
Đi câu xuyên tỉnh
 
Khác với cần trúc dài ngoằn lỉnh kỉnh như xưa, cần câu hôm nay là những chiếc ống kim loại nhỏ gọn xếp lớp với nhau, có cái dài chừng một mét, có cái chừng hơn gang tay, chỉ cần kéo các ống sắt ra, vặn nhẹ lại là có ngay một chiếc cần như ý. Còn mồi câu không phải là giun đất hay bỏ công đi bắt cào cào như trước đây mà giờ làm từ nhiều loại nguyên liệu rất tiện lợi, có loại là cám rang lên cho thơm trộn với khoai lang nấu chín xay nhuyễn, vo tròn thành từng hạt nhỏ rồi cho vào lưỡi câu. Giỏ câu cũng không phải là chiếc lồng đan tre trúc mà đó là chiếc lồng lưới dài có thể thu nhỏ; ghế câu là chiếc ghế vải nhỏ móc theo xe, người câu đến nơi chỉ mất ít thời gian là tất cả đã sẵn sàng.
 
Cởi chiếc áo mưa mỏng khoác trên người, anh Hùng, một người câu cá ở Phường 8, Đà Lạt đưa tôi xem các con cá vừa câu được. “Chiều nào sau giờ làm tôi cũng ra đây câu chừng hơn tiếng đồng hồ”. Trong chiếc lồng lưới màu cam của anh có khá nhiều cá, một vài con cá trê trung trung, 2 con cá chép nhỏ vảy lóng lánh, có cả một con cá cảnh lớn màu đỏ rất đẹp: “Sau mưa bao giờ cá cũng ăn nhiều” - anh Hùng nhìn phao đang nhấp nháy trên mặt hồ. 2 cần câu của anh đều là loại rẻ tiền, anh bảo chỉ chừng 60 nghìn đồng, nhưng chỉ cần có thêm một số phụ kiện nữa là có thể lên đường. “Nhà làm hoa nhiều công việc lắm nhưng ngày ngày ra đây chừng tiếng cho đỡ ghiền, mấy con cá này về thả vào hồ trong nhà” - anh Hùng nói.  
 
Ngồi cách anh Hùng một quãng là ông Lâm, người ở Phường 1, Đà Lạt với  2 chiếc cần câu xịn thuộc “hàng chuyên nghiệp”. Đó là những chiếc cần câu dài, thanh mảnh, hàng Nhật chính hiệu, màu sơn mượt, rất nhẹ, một trong 2 có gắn ống quấn dây câu loại cực bền, phao câu có khả năng phát sáng trong đêm. Không chỉ mang theo giá đỡ cần câu, ông Lâm còn có ghế câu, có dù che mưa, có hộp đựng mồi và lưỡi câu các loại… 
 
Theo ông Lâm, nhóm bạn câu của ông rất đông, ngày trước cứ dịp cuối tuần cả nhóm lại rủ nhau đi xe máy đến các địa điểm nhiều cá khá xa Đà Lạt, đến các hồ nước ở Đơn Dương, vào Lạc Dương, xuống các sông ở Di Linh, có lần qua cả hồ Lắk bên Đắk Lắk. Nay ông lớn tuổi,  không đi câu xa được thì quanh quẩn ở Đà Lạt, “Chiều chiều ra đây thư giãn chút thôi” - ông cười và bảo mấy con cá vừa câu được chút nữa sẽ thả lại xuống hồ.
 
Một người khác mà chúng tôi có dịp gặp trong dịp này, anh Hồng - người ở Phường 9, Đà Lạt, đúng là một tay câu xuyên tỉnh cự phách. Anh là thợ hàn, có một cửa hàng nhỏ trên đường Quang Trung, cứ đến cuối tuần là anh đóng cửa đi câu. Trong nhà anh có một bộ sưu tập đến vài chục chiếc cần câu, từ thô sơ cho đến hiện đại. Không chỉ câu cá ở các hồ trên đất Lâm Đồng, anh kể từng cùng các bạn câu xuống biển Ninh Thuận, ra Nha Trang thuê các chiếc ghe ra đảo nhỏ câu cá biển, có lần cả nhóm anh câu đến vài chục ký cá biển đóng thùng mang về Đà Lạt. 
 
Niềm vui người câu cá
 
Câu cá giải trí (khác với câu cá để đánh bắt cá làm thực phẩm, cho mưu sinh) đang được công nhận là một môn thể thao trong những năm gần đây. Nhiều tỉnh tại Việt Nam từ bắc đến nam đã thành lập các câu lạc bộ câu cá giải trí, hằng năm tổ chức các cuộc thi thu hút hằng trăm “câu thủ” (người câu cá tham gia) với các giải thưởng hấp dẫn.
 
Tại Đà Lạt - thành phố thanh bình với rất nhiều hồ đập trên núi này, lượng người mê câu cá ngày càng nhiều. Chỉ cần dạo một vòng qua các tuyến phố sẽ thấy rất nhiều cửa hàng phục vụ giới “câu thủ” đang mọc lên rất nhanh, nhiều địa điểm lúc đầu chỉ là cửa hàng đồ thể thao bán kèm dụng cụ đi câu, nay mở hẳn quầy chuyên dụng. 
 
Ở những cửa hàng này hầu như chẳng thiếu một thứ gì cho thú chơi này. Từ các loại cần câu Trung Quốc giá rẻ vài chục nghìn đồng đến cần câu Hàn Quốc lên đến cả triệu đồng, hay như đồ “xịn” nhập từ Nhật giá vài triệu đồng một chiếc là chuyện nhỏ. Còn phụ kiện đi theo cực kỳ phong phú, đáp ứng cho mọi chọn lựa với các loại dây câu từ rẻ tiền đến cực đắt; các loại lưỡi câu cho từng kiểu câu, các sách hướng dẫn… rồi áo đi mưa, các loại phao, chì, đèn pin câu đêm… Với mồi câu, rất nhiều loại mồi làm sẵn, bán theo ký, nhiều nhất là khoai lang dẻo nấu lên xay nhỏ… 
 
Câu cá có gì vui? Với người đi câu thì vô vàn. Như anh Hùng - Phường 8 cho biết, đi câu giúp anh quên bớt công việc căng thẳng. “Nhà tôi đóng bông - ngày nào cũng tính tính toán toán, cả ngày quần vật với hàng hóa, căng đầu lắm, ra đây chỉ cần thả cần câu, làm điếu thuốc, chờ cá cắn câu là tôi thấy nhẹ hẳn người ra” . 
 
Còn ông Lâm, lý do ông thích đi câu là vì ông thích ra ngoài trời. “Nhà tôi buôn bán, cả ngày cứ quanh quẩn trong nhà nên tôi thích ra ngoài. Ngay từ nhỏ tôi đã đi câu với người thân nên giờ quen đi câu. Đi câu rất thú, như một chuyến cắm trại dã ngoại, vận động thân thể ngoài trời làm mình yêu thiên nhiên hơn ”. 
 
Chính vì vậy, dù biết thành phố Đà Lạt cấm câu, cấm đánh bắt cá trên hồ Xuân Hương nhưng nhiều người yêu câu cá chiều chiều vẫn thích ra đây, thích vừa buông câu vừa ngắm phố. Như ông Lâm, được thả câu đã là một niềm vui, cá chỉ là chuyện nhỏ.“Làm sao ăn cá ở đây được, nhiều người như tôi câu cá lên rồi thả xuống lại. Tôi là người sống lâu năm ở đây, thấy rất buồn khi hồ này ngày càng ô nhiễm... Chúng tôi chỉ có một ước mong thành phố làm sao để ngăn chặn ô nhiễm, trong đó có hồ Xuân Hương để làm du lịch, để mọi người cùng ra đây thưởng ngoạn buổi chiều, đi câu, đi bộ, được như thế là vui rồi”.
 
VIẾT TRỌNG