2 tay vợt tiêu biểu trong làng quần vợt phong trào nữ

09:06, 20/06/2019

Bận rộn công việc hằng ngày nhưng vẫn đều đặn tập luyện và tham gia các giải của thành phố và của tỉnh, đó là hai khuôn mặt tiêu biểu của làng quần vợt nữ phong trào Đà Lạt và của cả tỉnh Lâm Đồng trong nhiều năm nay.

Bận rộn công việc hằng ngày nhưng vẫn đều đặn tập luyện và tham gia các giải của thành phố và của tỉnh, đó là hai khuôn mặt tiêu biểu của làng quần vợt nữ phong trào Đà Lạt và của cả tỉnh Lâm Đồng trong nhiều năm nay.
 
Nên có thêm sân có mái che tại Đà Lạt 
 
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương tại giải quần vợt toàn tỉnh 2019
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương tại giải quần vợt toàn tỉnh 2019
Khi nói về tình yêu quần vợt của mình, chị Nguyễn Thị Ngọc Hương, 41 tuổi, người Đà Lạt, đã kể lại những kỷ niệm vui trong những ngày đầu đến với trái bóng nỉ. “Ngày đó quần vợt còn được coi như một môn thể thao “quý tộc” có lẽ vì vợt, banh, trang phục, chi phí mọi thứ ngày đó đều khá đắt chứ không phổ biến, bình thường ai chơi cũng được như hiện nay, nhưng không biết sao tôi lại rất mê môn thể thao này từ nhỏ” - chị tươi cười. 
 
Mê từ nhỏ nhưng phải đến năm 18 tuổi chị mới bắt đầu được đi học quần vợt và từ đó đến nay tennis đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chị, chỉ trừ một quãng thời gian có em bé sau khi lập gia đình, đâu chừng 7 - 8 năm. Dù sau này bận rộn vì công việc kinh doanh nhưng người mẹ của 2 đứa con này vẫn luôn hằng ngày dành một khoảng thời gian nhất định cho môn thể thao yêu thích. 
 
“Nhiều người cứ nghĩ rằng chơi quần vợt không phù hợp với nữ, chạy nhiều, phải đưa mặt chịu nắng chịu gió ngoài sân. Nhưng thực ra chơi tennis không có gì bất lợi với nữ, đây cũng chỉ là một môn thể thao như mọi môn thể thao khác, mỗi môn đều có thế mạnh, ưu điểm của mình, chơi thể thao môn nào cũng giúp mình khỏe, năng động, có nhiều bạn bè, có dịp giao lưu với mọi người trong thành phố, trong tỉnh lẫn tỉnh ngoài. Thực ra quần vợt hiện cũng chẳng tốn kém gì nhiều lắm so với các môn khác đâu”- chị Hương chia sẻ.
 
Không chỉ duy trì tập luyện hằng ngày, chị Hương còn tích cực tham gia các giải đấu cấp thành phố và cấp tỉnh tổ chức hằng năm. Cho đến nay chị đã giành rất nhiều huy chương từ các giải đấu này, trong đó có không ít huy chương vàng cấp tỉnh dành cho nữ trong độ tuổi của mình.
 
Để phong trào quần vợt nữ Đà Lạt và Lâm Đồng phát triển, đặc biệt là để khuyến khích thêm nhiều tay vợt nữ tham gia các giải thành phố và tỉnh hằng năm vì hiện nay số lượng vận động viên nữ tham gia thi đấu giải còn khá khiêm tốn so với nam, theo chị Hương nên cần tổ chức thêm các giải đấu dành riêng cho nữ khi có dịp. Riêng với giải quần vợt tỉnh hiện nay, chị Hương đề nghị nếu được nên duy trì nội dung đánh đơn nữ theo các độ tuổi chứ không nên chỉ có nội dung đánh đôi như cách làm hiện nay. 
 
Và một việc cũng quan trọng, theo chị Hương, thành phố Đà Lạt nên có giải pháp để khuyến khích xây thêm các sân quần vợt có mái che tại đây bởi lượng sân có mái che tại thành phố này vẫn còn rất ít. Mùa mưa Đà Lạt thường kéo dài trong năm, có sân mái che sẽ thu hút nhiều hơn người đến tập luyện trong đó có các tay vợt nữ, có sân mái che cũng giúp Đà Lạt dễ dàng đăng cai đưa các giải trong nước về đây nhằm phát triển phong trào địa phương. 
 
Cần phát huy vai trò của Liên đoàn
 
Tay vợt nữ Đinh Thị Bích Thảo
Tay vợt nữ Đinh Thị Bích Thảo
Với những người yêu quần vợt tại Đà Lạt và trong tỉnh Lâm Đồng, Đinh Thị Bích Thảo là một khuôn mặt rất quen thuộc trong các giải cấp thành phố lẫn cấp tỉnh trong nhiều năm nay. 
 
Sinh năm 1963, chị Thảo đến với quần vợt từ năm 2000, chỉ vì một lý do duy nhất: sức khỏe. Bận rộn việc kinh doanh, ít vận động trong một thời gian dài, chị bị rất nhiều loại bệnh hành hạ: đau xương khớp, thoái hóa đốt sống, rối loạn tiền đình… Chọn quần vợt để tập như là một cách vận động để tăng cường sức khỏe theo hướng dẫn của các thầy thuốc, và rồi sự thay đổi đã đến với chị. Tất cả những loại bệnh này dần bị đẩy lùi một cách ngoạn mục, cho đến nay hằng ngày chơi thể thao chị bảo không phải uống một viên thuốc bệnh nào.
 
Chính vì vậy, dù vướng bận làm ăn, gia đình nhưng chị Thảo cho biết vẫn thu xếp một thời gian biểu nhất định trong ngày để đến với quần vợt. Không chỉ đi chơi, chị còn rất tích cực tham gia thi đấu tại giải cấp thành phố và cấp tỉnh và giành rất nhiều huy chương trong gần 20 năm chơi thể thao: “Không đếm hết được từ khi dự giải đến nay” - chị cười. 
 
Như tại giải quần vợt toàn tỉnh 2019 tại Đà Lạt trong tháng 4 vừa qua, chị cũng nhẹ nhàng giành được Huy chương Bạc trong nội dung đánh đôi. Và không chỉ giải cấp tỉnh, khi có dịp tham dự các giải khu vực và giải nữ toàn quốc, tay vợt này còn giành không ít huy chương trong đó có cả Huy chương Vàng. Chị từng tiến đến trận chung kết và giành Huy chương Vàng vô địch giải toàn quốc trong nhóm phong trào trên 46 tuổi tại Bạc Liêu. 
 
Điều đáng tiếc, theo chị Thảo, Đà Lạt hiện nay có khá nhiều nữ tập luyện chơi quần vợt hằng ngày; tuy nhiên, có thể do bận rộn công việc và cũng có thể do chưa tự tin trên sân khi đấu giải, nên số lượng tay vợt nữ tham gia các giải cấp tỉnh còn rất ít, điều này làm các nội dung thi đấu nữ kém hấp dẫn, thiếu sự cạnh tranh. 
 
Để cải thiện phong trào quần vợt nữ, theo chị Thảo đề nghị, ngành chức năng tỉnh cũng nên có thêm các giải tổ chức trong năm trong đó có giải cho nữ. “Theo điều lệ, hiện nay mỗi năm tỉnh chỉ chừng vài giải, giải ít quá, thiếu sân chơi nên chưa tạo được nhiều động lực để mọi người cùng tập luyện, nâng cao chất lượng giải” - chị Thảo nói. 
 
Với tư cách là một tay vợt nữ lâu năm của làng quần vợt Lâm Đồng, chị Thảo đề nghị Liên đoàn Quần vợt Lâm Đồng nên phát huy vai trò của mình bằng cách tổ chức các giải “xã hội hóa” trong năm. “Nhiều liên đoàn các tỉnh, thành quanh Lâm Đồng thường xuyên tổ chức các giải mở rộng, mỗi người tham gia thi đấu đều phải đóng tiền dự giải theo qui định, khi mời Lâm Đồng thì nhiều tay vợt Lâm Đồng - Đà Lạt cũng rất tích cực tham gia trong đó có nữ. Vậy thì chúng ta sao không tổ chức các giải như vậy tại Đà Lạt hay Bảo Lộc để mời các tỉnh đến cùng thi đấu với nhau trong năm” - chị suy nghĩ.
 
VIẾT TRỌNG