Kỳ Ngộ - nơi gặp gỡ của những người yêu cờ tướng liên tỉnh

06:09, 12/09/2019

Có một địa điểm mà trong nhiều năm nay những người yêu cờ tướng từ nhiều tỉnh thành trong nước hằng năm vẫn tụ họp về đây để đấu cờ với nhau.  Đó là giải cờ liên tỉnh của Câu lạc bộ Kỳ Ngộ tại thành phố Đà Lạt.

Có một địa điểm mà trong nhiều năm nay những người yêu cờ tướng từ nhiều tỉnh thành trong nước hằng năm vẫn tụ họp về đây để đấu cờ với nhau.  Đó là giải cờ liên tỉnh của Câu lạc bộ Kỳ Ngộ tại thành phố Đà Lạt.
 
Các kỳ thủ bên bàn cờ tại giải Kỳ Ngộ 2019
Các kỳ thủ bên bàn cờ tại giải Kỳ Ngộ 2019
 
Nơi gặp gỡ
 
Với kỳ thủ Trần Văn Thoàn, 58 tuổi, thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Góc thư giãn Tây Ninh, đây là lần đầu tiên ông cùng các thành viên trong đoàn Tây Ninh có dịp lên Đà Lạt du đấu một giải cờ tướng mà theo ông “rất thú vị”. 
 
Đó là những ngày mưa lạnh đầu tháng 8 của Đà Lạt. Cứ nơi nào trong nước có bão, có áp thấp thì thành phố này lại bị ảnh hưởng, mưa gió sụt sùi. Trong quán cà phê trên một con đường nhỏ kề trung tâm Đà Lạt với cái tên Kỳ Ngộ (nơi gặp gỡ của những người yêu cờ) đó, trên 50 tay cờ các tỉnh ngồi san sát với nhau mắt nhìn vào bàn cờ, hàng ngoài phải trên 20 người chen chúc xem cờ, ai uống cà phê được thì mỗi người một ly nhỏ trên tay. Mùi cà phê tỏa ra thơm ngát, quán hơi ồn ào một chút nhưng không sao; tiếng cười nói, tiếng xuýt xoa cho những nước cờ hay. Ngoài trời mưa bay ngập lối.
 
“Mưa gió cũng chẳng sao, lại càng thích chứ. Đấu cờ chứ có đi tham quan Đà Lạt ngoài trời đâu mà lo lạnh lẽo” - ông Thoàn cười vui. Ông bảo nhiều lần lên đây nhưng chỉ đi chơi, đi du lịch cùng gia đình, bạn bè, còn lần này ông cùng các thành viên trong đội CLB của mình lên đây đại diện làng cờ Tây Ninh thi đấu với làng cờ các tỉnh. “Chúng tôi được tài trợ chuyến đi nên cũng rất thuận lợi, lên đây được đón tiếp nồng hậu, giải tổ chức chu đáo, có nhiều đội mạnh để thi đấu. CLB chúng tôi đi chuyến này được học hỏi rất nhiều để về tổ chức một giải cờ liên tỉnh tương tự, mời anh em trong nước về gặp gỡ Tây Ninh hằng năm” - ông Thoàn cho biết. 
 
Một kỳ thủ khác cũng lần đầu tiên tham dự giải cờ này, đó là ông Trần Minh Trung, 55 tuổi, CLB Cờ tướng Phan Rang - Ninh Thuận. Là một công chức nhà nước nhưng yêu cờ tướng, ông tham gia CLB cờ của thành phố Phan Rang từ rất lâu và là một kỳ thủ kỳ cựu của làng cờ nơi đây. Phan Rang với Đà Lạt gần, chỉ cách nhau con đèo Ngoạn Mục nên ông cho biết rất thường lên chơi nhưng đây là lần đầu tiên với tư cách là kỳ thủ tham dự giải cờ liên tỉnh này. 
 
“Khâu tổ chức rất tốt, rất bài bản. CLB tỉnh Ninh Thuận lên đây để làm quen với anh em làng cờ khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng như trong nước, vừa giao lưu, vừa học tập kinh nghiệm để về tổ chức một giải cờ tương tự để mọi người đến và biết Phan Rang “gió như phang - nắng như ran” chứ” - ông Trung đùa vui. 
 
Nhưng cũng có không ít người từng tham dự giải này nhiều lần, như ông Lưu Quang Vũ chẳng hạn. Năm nay 41 tuổi, ông Vũ là một doanh nhân người Đắk Lắk, thành viên của CLB Khải Hưng tại thành phố Ban Mê Thuột, lần thứ hai sang đây thi đấu. 
 
Như ông Vũ cho biết, CLB của ông tại thành phố Ban Mê Thuột hằng năm cũng tổ chức những giải cờ tương tự như thế này, có mời tỉnh ngoài nhưng phần lớn vẫn là các kỳ thủ từ dưới huyện lên thi đấu. CLB ông cử người sang Đà Lạt tranh tài tại giải Kỳ Ngộ này là vì theo ông mỗi vùng có phong cách chơi cờ khác nhau, sẽ được học hỏi rất nhiều nếu có dịp giao lưu cùng các tay cờ nổi tiếng trong từng tỉnh. 
 
“Tổ chức được những giải cờ liên tỉnh như thế này rất tốt cho những người yêu cờ. Tạm gác công việc làm ăn vài ngày để dành cho cờ cũng là dịp thư giãn đầu óc, vừa đi xa du lịch, vừa làm quen với nhiều người chơi cờ mới thì còn gì thú vị bằng. Nên người chơi cờ chúng tôi rất thích có những chuyến du đấu thế này và mong tỉnh nào cũng có một giải cờ tổ chức tốt như tại Đà Lạt để anh em mỗi năm gặp nhau” - ông Vũ mong muốn.
 
9 năm tổ chức giải 
 
Cần nói rằng đây là một giải cờ xã hội hóa hoàn toàn, do những người yêu cờ đứng đầu là ông Chủ nhiệm CLB Kỳ Ngộ đứng ra tổ chức, tự bỏ tiền túi, tự vận động tài trợ, gửi thư mời các đoàn, lo các khâu hậu cần, sắp xếp chỗ ăn ở cho các đoàn tại Đà Lạt trong mùa du lịch hè đông nghịt người (tất nhiên các đoàn hầu hết phải tự bỏ tiền túi trang trải ăn ở). 
 
Theo anh Dương Tấn Phương, Chủ nhiệm CLB Kỳ Ngộ, đã 9 năm CLB này tổ chức giải liên tỉnh hằng năm như vậy. Được duy trì hằng năm, nên giải Kỳ Ngộ này đến nay tương đối có tiếng tăm trong làng cờ cả nước, nên khi Ban tổ chức gửi điều lệ thì các đội tỉnh ngoài và tại các huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng lập tức vận động thành viên đăng ký tham gia. 
 
Như giải Kỳ Ngộ - 2019 năm nay diễn ra đầu tháng 8 vừa qua có 12 đội tham dự, gồm 3 đội tại Đà Lạt, 1 đội Bảo Lộc, 1 đội Đức Trọng, 2 đội Ninh Thuận, các tỉnh còn lại có 1 đội như Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Bình Thuận, Tây Ninh. Mỗi đội có 4 thành viên thi đấu chính, 2 dự bị; giải kéo dài trong 2 ngày, thi đấu sáng, chiều theo thể thức Thụy Sỹ 9 ván tính điểm, kết thúc mỗi ván Ban tổ chức căn cứ vào điểm để xếp lịch thi đấu cho ván kế tiếp. 
 
Đặc biệt, giải năm nay theo ông Phương, không chỉ có số đội đông hơn (12 đội so với 10 đội năm ngoái), mà nhà tài trợ cũng nhiều hơn. Tổng cộng có 11 nhà tài trợ cho giải, từ tài trợ kinh phí tổ chức, giải thưởng, tài trợ chỗ ở cho VĐV (chủ các khách sạn miễn phí cho các đội dự giải)… “Rất nhiều nhà tài trợ này là những chủ doanh nghiệp yêu thích cờ tướng, khi giải tổ chức tốt họ rất vui và sẵn lòng” - ông Phương cho biết. Cũng nói thêm rằng giải Kỳ Ngộ này giải thưởng khá cao, người vô địch được 8 triệu đồng tiền thưởng nên so với nhiều giải cờ xã hội hóa trong nước tại các thành phố lớn thì cũng không thua kém bao nhiêu. 
 
Theo danh thủ Nguyễn Trần Độ Ninh - Quốc tế Đại sư cờ tướng, một trong những người tham gia điều hành giải Kỳ Ngộ năm nay, để tạo điều kiện cho mọi tay cờ phong trào cùng thi đấu nên giải năm nay đã hạn chế các kiện tướng tham gia. 
 
 “Hằng năm các tỉnh đều tổ chức các giải cờ cấp thành phố, cấp huyện thành, cấp tỉnh nhưng thực ra số giải trong năm không nhiều. Việc có thêm các giải cờ xã hội hóa như giải Kỳ Ngộ này rất cần thiết, vì tạo thêm sân chơi cho những người yêu cờ tướng, đặc biệt là quy tụ các tay cờ liên tỉnh giao lưu với nhau để thúc đẩy phong trào đi lên” - ông Ninh nhận xét.
 
Theo ông Phương, vì là một giải xã hội hóa, tự thân vận động mọi thứ nên dù đã được tổ chức 9 năm nhưng mỗi lần tổ chức, Ban tổ chức trong đó có ông cũng lo ngay ngáy rằng liệu có vận động được tài trợ hay không, có tổ chức thành công như mong muốn hay không… Nhưng trước tình hình ngày cành nhiều nhà tài trợ sẵn lòng hơn nên năm nay CLB Kỳ Ngộ nêu quyết tâm đưa giải này thành giải truyền thống hằng năm, lên kế hoạch vận động sớm để năm đến những người yêu cờ tướng liên tỉnh rồi lại gặp nhau nữa.
 
VIẾT TRỌNG