Thành lập từ năm 2014 để thi đấu giải cấp huyện; trong 6 năm gần đây với 6 lần tham dự, đội bóng chuyền nữ xã Đông Thanh đã có 5 lần vô địch huyện Lâm Hà.
Thành lập từ năm 2014 để thi đấu giải cấp huyện; trong 6 năm gần đây với 6 lần tham dự, đội bóng chuyền nữ xã Đông Thanh đã có 5 lần vô địch huyện Lâm Hà.
|
Đội bóng chuyền nữ Đông Thanh giành Cúp vô địch bóng chuyền nữ Lâm Hà năm 2019. |
Những người yêu thể thao
Đến Đông Thanh trong những buổi chiều mùa khô này không khó để nhìn thấy những sân bóng nhộn nhịp tiếng cười vui của mọi người. Đó là các sân bóng chuyền của các thôn, cứ khoảng 5 giờ thì mọi người ra sân. Đặc biệt, trên sân không chỉ nam giới tranh tài mà có không ít đội bóng chỉ toàn nữ và họ chơi bóng cũng sôi nổi không kém gì nam.
Là một xã vùng sâu Lâm Hà, Đông Thanh có 7 thôn với gần 1.400 gia đình, hơn 4.300 nhân khẩu sinh sống. Thế mạnh kinh tế của người dân nơi đây là canh tác cà phê; dọc các con đường thôn nơi đây là những vườn cà phê xanh tươi trĩu quả, gần đây nhiều nhà vườn trồng thêm mắc ca và cây dược liệu. Đông Thanh cũng là một trong những xã đi đầu của Lâm Hà trong xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2014, đến nay đang hướng đến xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Người dân nơi đây như ông Nguyễn Văn Kiệm - cán bộ phụ trách Văn hóa Xã hội của xã cho biết, rất yêu thể thao. Nhiều bộ môn thể thao được chơi và khá phổ thông nơi đây như bóng đá, bóng bàn, cờ tướng, bóng chuyền, đặc biệt là bóng chuyền nữ rất phát triển trong vòng 6 năm gần đây.
Theo ông Kiệm, hiện 7 thôn đều có 7 đội bóng chuyền nữ, đó là tính số người cho một đội, nhưng người chơi thì đông hơn rất nhiều. Đó là những chị nông dân ngày ngày ra vườn chăm sóc cà phê, chiều về lên sân bóng chơi, là các chị chủ tiệm tóc làm đẹp phụ nữ, là giáo viên tiểu học, là các học sinh nữ học bóng chuyền ở trường về sân nhà trong thôn truyền lại cách chơi cho mọi người.
Cho đến nay, tất cả 7 thôn trong xã đều có sân bóng chuyền, các sân bóng này phần lớn là sân của nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, tuy nhiên nếu có các bãi đất trống cũng có thể thành sân bóng chuyền. Bóng, lưới được các thành viên trong xóm đóng góp để mua.
Để khuyến khích phong trào TDTT trong xã, Đông Thanh trong nhiều năm nay đã tổ chức các giải thể thao cấp xã hằng năm, trong đó có giải bóng chuyền nữ. Như trong cuối tháng 10 vừa qua, Giải Bóng chuyền nữ mở rộng xã Đông Thanh 2019 có sự góp mặt của 4 đội bóng chuyền nữ từ các thôn trong xã và 2 đội nữ khách mời gồm đội nữ thị trấn Nam Ban và đội nữ xã Gia Lâm. Giải được tổ chức ngay tại sân trụ sở Ủy ban xã với sự cổ vũ của đông đảo người dân trong xã. Kết quả đội tuyển khách mời xã Gia Lâm giành giải nhất, giải nhì thuộc về thôn Tầm Xá, giải ba thuộc về thôn Thanh Hà trong xã.
5 lần vô địch huyện
Trên nền phong trào TDTT mạnh, đội bóng chuyền nữ xã Đông Thanh được thành lập từ năm 2014, nhằm tranh tài tại giải bóng chuyền nữ huyện Lâm Hà. Các thành viên của đội tuyển được xã chọn từ các cá nhân xuất sắc của các thôn.
Trong năm đầu tiên tham dự, đội tuyển bóng chuyền nữ xã Đông Thanh chỉ đoạt giải nhì, giành Huy chương bạc cấp huyện. Tuy nhiên, đây chính là lần đoạt Huy chương bạc duy nhất vì từ đó đến nay liên tục trong 5 năm, năm nào đội nữ Đông Thanh cũng giành Huy chương vàng với 5 chức vô địch huyện.
Như trong năm 2019 này, tại giải bóng chuyền nữ Lâm Hà do Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức, có 14 đội của các xã và thị trấn trên địa bàn tham dự, đội bóng chuyền nữ Đông Thanh lại một lần nữa thi đấu xuất sắc trong vòng chung kết, giành cúp vô địch. Cả giải “người đẹp bóng chuyền - Miss Bóng chuyền” cũng thuộc về một VĐV Nguyễn Thị Thùy Trang của đội nữ Đông Thanh.
Trước đó, trong năm 2017, đã có 6 thành viên của đội bóng chuyền nữ Đông Thanh được chọn vào tuyển bóng chuyền nữ Lâm Hà, góp phần không nhỏ để Lâm Hà vô địch giải bóng chuyền nữ tỉnh năm này.
Theo ông Kiệm, độ tuổi trung bình của đội tuyển bóng chuyền nữ của xã lâu nay được duy trì khá trẻ, chừng 20 - 22 tuổi. Cái khó cho nhiều thành viên lâu nay chính là đến độ tuổi này nhiều người phải đi học, đi làm xa, có người lập gia đình, bận rộn chăm sóc con cái nên ít có thời gian tập luyện cùng đội tuyển xã khi tham dự giải huyện.
Như chị Nguyễn Thị Thùy Sang chia sẻ, “Mình là phụ nữ có con nhỏ, đâu thể đi thi đấu lâu trên tỉnh hay xa nhà lâu được. Có giải ở huyện các thành viên trong đội đi xe máy ra huyện thi đấu trong ngày xong phải vội về để lo việc nhà, mai lại lên đường ra thi đấu lại”.
Để khắc phục việc này, lâu nay theo ông Kiệm, Đông Thanh rất chú ý trong việc tìm kiếm các khuôn mặt trẻ cho đội tuyển bóng chuyền nữ của xã. Hằng năm xã thông qua giải bóng chuyền mở rộng nam nữ sẽ chọn bổ sung vào đội tuyển xã để tập luyện, giao lưu cùng các xã chung quanh và chuẩn bị cho giải huyện.
Nhiều VĐV nữ trong đội tuyển bóng chuyền xã nơi đây chia sẻ với chúng tôi rằng, thi đấu hết mình với tinh thần tự nguyện để mang chiến thắng về cho xã nhà là niềm vui lớn, nhưng chỉ lo mất… đẹp vì da bị ảnh hưởng. Lâu nay đội bóng phong trào này có một giải pháp khá hữu hiệu là mặc đồ tay dài, quần dài che bớt nắng khi thi đấu ngoài trời!
Cũng nói thêm rằng, bên cạnh nguồn kinh phí được cấp hạn hẹp hằng năm, Đông Thanh lâu nay theo ông Kiệm đã và đang làm rất tốt việc xã hội hóa các hoạt động thể thao cấp xã. Không chỉ vận động được sự hưởng ứng đông đảo cộng đồng dân cư trong xã, các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn xã cũng rất ủng hộ và tạo điều kiện để đưa phong trào TDTT trong xã phát triển như hiện nay.
GIA KHÁNH - TẠ HÀ