Hàng ngàn giải thể thao phong trào trong năm

05:12, 26/12/2019

Toàn tỉnh Lâm Đồng trong năm 2019 vừa qua đã có 1.344 giải thể thao được tổ chức tính từ cấp cơ sở xã, phường đến cấp huyện, thành và cấp tỉnh.

Toàn tỉnh Lâm Đồng trong năm 2019 vừa qua đã có 1.344 giải thể thao được tổ chức tính từ cấp cơ sở xã, phường đến cấp huyện, thành và cấp tỉnh.
 
Các VĐV tham gia giải Siêu Marathon Quốc tế 2019 - một giải đấu thành công về mặt xã hội hóa của TDTT Lâm Đồng trong những năm gần đây. Ảnh: Gia Khánh
Các VĐV tham gia giải Siêu Marathon Quốc tế 2019 - một giải đấu thành công về mặt xã hội hóa của TDTT Lâm Đồng trong những năm gần đây. Ảnh: Gia Khánh
 
Đẩy mạnh xã hội hóa các giải thể thao 
 
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, số người dân tập luyện thể dục thể thao (TDTT) trong tỉnh Lâm Đồng những năm gần đây đã tăng lên nhanh chóng. Tính trong năm 2019 vừa qua, toàn tỉnh có 35,2% dân số thường xuyên tham gia tập luyện TDTT, tăng 3,2% so với năm 2018. Cùng đó, số gia đình thể thao cũng chiếm khoảng 28,3% trong cộng đồng dân cư, tăng 3,3% so với năm trước.
 
Có thể thấy ngày càng nhiều hơn các loại hình được thành lập trong tỉnh để thu hút người dân đến sinh hoạt, tập luyện TDTT hằng ngày; đó là các câu lạc bộ, các nhóm sinh hoạt ở cấp xã, các hội thể thao, các liên đoàn ở cấp huyện và cấp tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 12 liên đoàn, 4 hội thể thao cấp tỉnh; 41 hội và chi hội thể thao cấp huyện; 1.115 câu lạc bộ TDTT ở cấp cơ sở. 
 
Tính tổng cộng trong năm vừa qua, toàn tỉnh đã tổ chức 1.344 giải từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường trong 25 môn thể thao, thu hút trên 100 nghìn VĐV tham dự; giải được tổ chức cho hầu hết các nhóm tuổi trong xã hội, từ thanh thiếu niên, nhi đồng, thanh niên dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật,… đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu của mọi tầng lớp Nhân dân. 
 
Cùng đó, TDTT trong học đường, trong khối cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp cũng không ngừng phát triển. Không kể các giải thể thao do các đơn vị tự đứng ra tổ chức; ngành TDTT tỉnh trong năm đã liên tịch với các sở, ban, ngành, đoàn thể để tổ chức các giải thể thao.
 
Như trong năm 2019 vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng tổ chức 4 giải, gồm 2 giải cờ vua, 1 giải Aerobic và 1 giải bơi lội. Sở cũng liên tịch với Tỉnh Đoàn tổ chức Giải Việt dã truyền thống 26/3; phối hợp với Liên đoàn Bóng đá tỉnh tổ chức các giải bóng đá sân cỏ nhân tạo và bóng đá 11 người; phối hợp với Liên đoàn Bóng bàn tỉnh tổ chức các giải bóng bàn định kỳ hằng năm; phối hợp với Liên đoàn Thể dục thể thao người Cao tuổi tỉnh tổ chức hội thao người Cao tuổi; phối hợp tổ chức Giải Đua xe đạp nước (Pedalo) tỉnh dịp 2/9; liên tịch với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội Người Khuyết tật tỉnh Lâm Đồng tổ chức giải thể thao người Khuyết tật tỉnh...
 
 Ngoài ra, Sở cũng hỗ trợ công tác chuyên môn cho các sở, ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị như Giáo dục - Đào tạo, Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Công ty Xổ số kiến thiết Lâm Đồng, Sở Y tế, Đoàn Khối Các cơ quan, Đoàn Khối Doanh nghiệp, các liên đoàn thể thao tỉnh, các cụm thi đua…để tổ chức các giải, và hội thao đơn vị. 
 
Điều đáng nói, có không ít các giải TDTT phong trào trên được tổ chức từ nguồn xã hội hóa. Hay nói cách khác, những giải đấu này không dùng ngân sách Nhà nước mà được vận động tài trợ từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hay từ cộng đồng dân cư để tổ chức. 
 
Tiêu biểu nhất có thể nói đến giải Siêu Marathon Quốc tế Dalat Ultra Trail cùng giải xe đạp địa hình toàn quốc mở rộng thuộc hệ thống Cúp Vô địch quốc gia “Vietnam MTB Series” được tổ chức trong nhiều năm nay tại Đà Lạt. Trong năm 2019 vừa qua, với gần 5.000 VĐV tham gia, trong đó có nhiều VĐV nước ngoài, giải đấu này có tổng chi phí hơn 5 tỷ đồng, toàn bộ số tiền này đến từ nguồn vận động tài trợ. 
 
Từng bước hoàn thiện cơ sở TDTT
 
Như đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, hầu hết các địa phương và các ngành trong tỉnh đến nay đã có sự quan tâm nhất định trong đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động TDTT.
Với cấp xã, phường, đến nay toàn tỉnh đã có 136 nhà văn hóa xã, phường trong tổng số 147 xã, phường; có 1.301 thôn trong tổng số 1.541 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng được đưa vào sử dụng. Nhiều xã, phường đến nay đã tổ được các giải thi đấu cho các bộ môn phổ biến tại địa phương hằng năm.
 
Với cấp huyện, thành, 12 Trung tâm Văn hóa - Thể thao của 12 huyện, thành trong tỉnh hiện nay có 5 sân vận động có khán đài, có 9 nhà thi đấu đa năng; 121 sân vận động dành cho các hoạt động thể thao - văn hóa. Nhiều khu liên hợp TDTT thuộc sự quản lý của các trung tâm trên hoạt động khá hiệu quả như tại thành phố Bảo Lộc, huyện Lâm Hà, huyện Đức Trọng, huyện Đạ Tẻh…
 
Với cấp tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT vẫn đang tiếp tục vận hành tốt nhà thi đấu đa năng 800 chỗ cùng sân bóng đá 11 người cỏ nhân tạo tại đây cho các hoạt động TDTT của tỉnh. Riêng công trình Khu liên hợp Văn hóa Thể thao của tỉnh và Dự án xây dựng Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tại thành phố Đà Lạt đến nay tiến độ khá chậm, mới chỉ cơ bản hoàn thành phần hạ tầng.
 
Tuy nhiên, như Sở nhận định, phong trào TDTT quần chúng tuy phát triển mạnh trong tỉnh nhưng chưa đồng đều; một số vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn, phong trào TDTT còn chậm phát triển, thiếu hướng dẫn viên, cộng tác viên ở cơ sở; một số liên đoàn, hội thể thao cấp tỉnh cũng chưa thật sự năng động, chưa phát huy được vai trò trong công tác chuyên môn, hoạt động chưa thường xuyên, công tác vận động xã hội hóa còn nhiều hạn chế, còn phụ thuộc khá lớn vào sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. 
 
Mục tiêu cho TDTT Lâm Đồng trong năm 2020 đến, vẫn tiếp tục đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn toàn tỉnh; phấn đấu số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 40%; nâng số gia đình thể thao lên 32% dân số và nâng số câu lạc bộ TDTT cơ sở đạt 1.200 CLB; số cộng tác viên thể dục, thể thao đạt 1.000 người.
 
GIA KHÁNH