Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 có bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19?

08:02, 20/02/2020

Vẫn có một sự hồ nghi nhất định cho ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh này khi dịch bệnh vẫn hoành hành, mặc dù Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 của Nhật Bản gần đây đã lên tiếng trấn an và cho biết vẫn sẽ diễn ra đúng kế hoạch từ 24/7 đến 9/8  sắp đến. 

Vẫn có một sự hồ nghi nhất định cho ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh này khi dịch bệnh vẫn hoành hành, mặc dù Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 của Nhật Bản gần đây đã lên tiếng trấn an và cho biết vẫn sẽ diễn ra đúng kế hoạch từ 24/7 đến 9/8  sắp đến. 
 
 Biểu tượng của logo Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Internet
Biểu tượng của logo Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Internet
 
Sự chuẩn bị công phu 
 
Với tiềm lực kinh tế hùng mạnh của mình, cộng với kinh nghiệm đã từng 1 lần tổ chức thành công Thế vận hội mùa hè vào năm 1964, Nhật Bản đã lên một kế hoạch chi tiết và chuẩn bị rất kỹ cho Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 diễn ra vào cuối tháng 7 năm nay trên đất nước mình. Hầu như mọi thứ trên quốc gia này cho thế vận hội đến nay có vẻ đã sẵn sàng. 
 
Quốc gia này tự tin là phải vì thực chất đây đã là lần thứ 4 Nhật Bản đứng ra đăng cai thế vận hội. Sau Thế vận hội mùa hè Tokyo 1964, đất nước mặt trời mọc còn tiếp tục đăng cai 2 kỳ Thế vận hội mùa đông nữa, tại Sapporo năm 1972 và tại Nagano 1998. Với kỳ Thế vận hội 2020 lần này, Tokyo vinh dự chính là thành phố đầu tiên ở châu Á đăng cai 2 kỳ thế vận hội.
 
Ngay sau khi giành được quyền đăng cai trong năm 2013, thành phố Tokyo đã công bố một khoản kinh phí đầu tư rất lớn, đến 3,67 tỷ USD để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thành phố vốn đã rất hiện đại này, mở rộng các tuyến đường giao thông chính để rút ngắn thời gian di chuyển trên đường, nâng công suất của 2 sân bay gồm Sân bay Hadena và Sân bay quốc tế Narita để kết nối trong nước và quốc tế. Đồng thời các địa điểm thi đấu, các sân vận động, làng Olympic cũng được sửa sang, nâng cấp, xây mới thêm nếu cần.
 
Dự kiến sẽ có 44 địa điểm tranh tài với hầu hết các môn thi đấu trong khuôn khổ thế vận hội diễn ta tại Tokyo, tuy nhiên sẽ có một số nội dung thi đấu có thể đưa sang các thành phố lân cận hoặc các địa điểm khác trong nước
 
Một kế hoạch tuyển mộ các tình nguyện viên phục vụ tại thế vận hội cũng được Ban tổ chức lên kế hoạch từ cuối năm 2018 với trên 200 nghìn người Nhật đăng ký. Căn cứ trên số lượng đơn đăng ký này, Ban tổ chức sẽ tuyển chọn và sau đó tổ chức các khóa huấn luyện dành cho lực lượng tình nguyện viên được chọn trước khi thế vận hội diễn ra. 
 
Song song với việc chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, Nhật Bản cũng tăng cường công tác quảng bá về thế vận hội không chỉ trong nước mà khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả các chính khách tên tuổi cũng tham gia. Để thu hút khách du lịch nước ngoài đến Nhật dịp này, quốc gia này cho biết sẽ có rất nhiều các hoạt động về văn hóa, chẳng hạn như diễn kịch Kabuki, giới thiệu môn vật Sumô cổ, giới thiệu các vùng đất và văn hóa ẩm thực. Hệ thống bán vé qua mạng cũng sớm đưa vào hoạt động để người dân trong nước lẫn nước ngoài có thể mua vé với hằng triệu chiếc vé đã được bán ra. 
 
Dự kiến sẽ có khoảng trên 11 nghìn VĐV từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ thế giới đến đây tranh tài trong 33 bộ môn thể thao của thế vận hội với 339 nội dung thi đấu, trong đó có 5 môn thể thao mới. 
 
Nỗi ám ảnh mang tên virus Corona 
 
Trong khi Nhật Bản đang tính ngược thời gian cho ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh diễn ra thì bên kia biển, Trung Quốc lại đang vật vã với dịch viêm phổi cấp do virus Corona mới gây ra!
 
Cho đến thời điểm này, dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm đáng kể và đã lan sang nhiều quốc gia khác trên thế giới kể cả Nhật. Tại Trung Quốc, trước tình hình dịch bệnh hoành hành, nhiều sự kiện thể thao lớn trong nước và quốc tế dự kiến diễn ra đã phải hủy bỏ trong đó có cả các trận đấu chuẩn bị cho Olympic Tokyo đã phải chuyển sang nước khác. 
 
Với Nhật Bản, rõ ràng dịch viêm phổi cấp do virus Corona mới gây ra lần này chính là một mối đe dọa rất lớn cho Olympic Tokyo năm nay. Nếu dịch bệnh chết người này không được kiểm soát sớm, không chỉ người xem trong nước không đến sân vì sự an toàn của chính mình, du khách nước ngoài cũng chẳng muốn đến Nhật mà ngay cả các VĐV cũng không thể an tâm đến đây để thi đấu hết mình. 
 
Trong một cuộc họp gần đây của các quan chức Ủy ban Olympic quốc tế, ông Toshiro Muto, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 đã bày tỏ sự lo lắng rằng trong chiều hướng tiến triển của dịch bệnh như hiện nay “có thể làm giảm mối quan tâm và hồ hởi với thế vận hội”. Để trấn an dư luận, trong một cuộc họp báo sau đó, ông Muto cũng đã khẳng định rằng thế vận hội vẫn diễn ra như dự kiến.
 
Ông John Coates - Trưởng thanh tra của Ủy ban Olympic Quốc tế trong một dịp trả lời BBC Thể thao gần đây cũng tự tin: “Chúng tôi có thể khẳng định Olympic Tokyo 2020 sẽ tổ chức đúng theo kế hoạch”.
 
Trong lịch sử Olympic hiện đại, đã có nhiều kỳ thế vận hội gần đây bị đe dọa bởi dịch bệnh, chẳng hạn như virus Zika trong kỳ Thế vận hội 2016 tại Brazil, còn trước đó là dịch cúm gây ra tại Thế vận hội mùa đông Vancouver - Canada năm 2010, nhưng rồi các trận đấu vẫn diễn ra, khán giả vẫn đến sân mà không bị ảnh hưởng gì nhiều. Theo Ủy ban Olympic quốc tế, những kinh nghiệm chống dịch cho các kỳ thế vận hội như thế sẽ được Ban tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 vận dụng để tổ chức tốt trên đất nước mình kỳ này.
 
Vẫn còn thời gian khoảng 5 tháng tính từ thời điểm này cho đến khi Olympic Tokyo 2020 chính thức khai mạc. Ủy ban tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 và Ủy ban Olympic Quốc tế chắc chắn sẽ dõi theo từng bước công cuộc chống dịch hiện nay của Trung Quốc và của cả thế giới để có quyết định cho mình với niềm hy vọng rằng dịch bệnh rồi sẽ sớm được khống chế.
 
GIA KHÁNH