Đẩy mạnh xã hội hóa thể thao ở Đức Trọng

06:04, 30/04/2020

Ngày càng có nhiều hơn các phòng tập, các câu lạc bộ, các điểm vui chơi, sân bóng đá cỏ nhân tạo tư nhân xây dựng đưa vào hoạt động tại Đức Trọng...

Ngày càng có nhiều hơn các phòng tập, các câu lạc bộ, các điểm vui chơi, sân bóng đá cỏ nhân tạo tư nhân xây dựng đưa vào hoạt động tại Đức Trọng. Tất cả điều đó là nhờ chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa của huyện trong những năm gần đây. 
 
Anh Nguyễn Tuấn Duy tại “Học viện Quái vật” của mình.
Anh Nguyễn Tuấn Duy tại “Học viện Quái vật” của mình.
 
“Học viện Quái vật” 
 
Nằm ở một vị trí khá thuận lợi trong khu phố mới qui hoạch của thị trấn Liên Nghĩa - Đức Trọng, “Học viện Quái vật - Monster Academy” là một địa chỉ khá yêu thích của rất nhiều trẻ em và các bậc phụ huynh trong hơn nửa năm gần đây tại đây. 
 
Khi chúng tôi đến đây, cơ sở vui chơi - rèn luyện thể lực cho trẻ em này vẫn chưa hoạt động trở lại vì dịch bệnh, nhưng trước đây khi COVID-19 chưa hoành hành, cơ sở này theo anh Nguyễn Tuấn Duy - 26 tuổi, chủ nhân của “Học viện”, mỗi ngày luôn có trên 10 em đến tham gia các trò chơi vận động, còn ngày cuối tuần phải có đến khoảng 30 em. 
 
Là huấn luyện viên Taekwondo tại một câu lạc bộ (CLB) của huyện Đức Trọng, yêu thích thể thao, yêu thích vận động ngoài trời, anh Duy thuê chỗ đất rộng gần 300 m2 này và đầu tư vào đây khoảng 800 triệu đồng để biến nơi đây thành một chỗ tập luyện lý thú cho trẻ em với cái tên khá hấp dẫn cho giới trẻ “Học viện Quái vật”.
 
“Rất nhiều phụ huynh bảo với tôi rằng con nít bây giờ sau khi đi học về chỉ biết ngồi trước truyền hình hay cắm đầu vào máy tính, điện thoại, rất lười vận động”. 
 
“Tôi muốn tạo một sân chơi cho trẻ em, sân chơi phải đủ lý thú để cuốn hút các em tránh xa các trò chơi điện tử, tránh xa bớt chiếc máy điện thoại, giúp các em rèn luyện thể lực, tạo thói quen yêu thích vận động từ nhỏ cho các em” - anh Duy chia sẻ.
 
Cơ sở mang tên “Học viện” này thực chất được thiết kế theo phong cách trò chơi “Sasuke” của Nhật Bản với 28 trò chơi, từ đu xà, vượt chướng ngại vật, leo vách thẳng đứng, bắn cung, đi bập bênh, đi xe đạp thăng bằng... “Chỗ này cũng hơi chật chút, cần một không gian rộng hơn để có thể thiết kế nhiều trò chơi hơn cho các em nhưng tìm mặt bằng ở đây không dễ” - anh Duy cười. 
 
Đưa vào hoạt động từ tháng 5/2019, đến nay “Học viện Quái vật” đã có một lượng “học viên” rất ổn định. Cùng phụ việc tại đây với anh Duy còn có thêm 1 - 2 huấn luyện viên khác tùy thời điểm. “Trò chơi rất an toàn vì luôn có người trông các em, từ 2 tuổi trở lên là có thể cho các em chơi trò chơi ở đây”.
 
“Nhiều phụ huynh cho biết lúc đầu còn bỡ ngỡ nhưng khi các em quen rồi thì rất thích đến, mùa dịch đóng cửa nhưng nhiều người cứ trông chờ bớt dịch để cơ sở mở cửa trở lại” - anh Duy cho biết. 
 
 Dự định của anh Duy trong thời gian đến khi dịch bệnh an toàn, anh sẽ vận động tài trợ để lắp đặt một giàn khung trò chơi này ngoài trời và phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao (VHTT- TT) huyện để tổ chức một giải Sasuke “xã hội hóa” vui nhộn cho thiếu niên trong huyện.
 
Hàng chục giải “xã hội hóa” mỗi năm
 
Nhờ đẩy mạnh xã hội hóa thể thao, nên Đức Trọng những năm gần đây bên cạnh các giải thể thao do Trung tâm VHTT-TT cùng các cơ quan, đơn vị trong huyện tổ chức bằng kinh phí nhà nước, hăng năm còn có rất nhiều các giải thể thao “xã hội hóa” do các tổ chức, tư nhân tự bỏ tiền túi ra tổ chức. 
 
Lớn nhất trong các giải thể thao xã hội hóa này chính là giải cầu lông của 2 CLB cầu lông tại huyện tổ chức những năm gần đây. Thông qua sự đóng góp của các hội viên trong CLB của mình, 2 CLB này hằng năm đều tổ chức giải cầu lông mở rộng, mời rất nhiều các CLB khác trong và ngoài tỉnh về đây tham dự, có giải số VĐV tranh tài lên đến 70 - 80 VĐV với giải thưởng được trao khá lớn. 
 
Một bộ môn khác cũng thường xuyên có các giải xã hội hóa là bộ môn bóng đá. Toàn huyện hiện nay theo Trung tâm VHTT-TT huyện, có khoảng 25 sân bóng đá cỏ nhân tạo do tư nhân xây dựng, không chỉ ở thị trấn Liên Nghĩa mà hầu như các xã trên địa bàn huyện, cả trong vùng sâu đều đã có các sân như thế. Các sân này hầu hết đều nỗ lực duy trì hoạt động của sân mình thông qua việc thành lập các CLB. Từ nguồn đóng góp của các thành viên, các CLB thường xuyên phối hợp với nhau để tổ chức các giải bóng đá cấp CLB trong năm, đặc biệt là các dịp hè nhằm phát triển phong trào.
 
Một bộ môn khác cũng duy trì rất tốt các hoạt động của mình là bộ môn xe đạp. Cả 2 CLB tại huyện gồm CLB Xe đạp thể thao Đồi thông xanh và CLB Xe đạp Đức Trọng đều duy trì hội viên sinh hoạt đều đặn ở mỗi CLB trong tuần và trong tháng. Không tổ chức giải đua xe đạp nhưng 2 CLB này hằng năm tổ chức các chuyến giao lưu đến các địa phương khác trong nước, mời các CLB trong nước về giao lưu tại địa phương; vận động từ thiện; mỗi năm CLB đều tổ chức tổng kết hoạt động cuối năm rất bài bản.
 
Võ thuật cũng là bộ môn có phong trào xã hội hóa rất mạnh tại huyện với các môn Võ cổ truyền, Taekwondo, Karatedo... hoạt động khá đều tay. Trong năm 2019 vừa qua, Trung tâm đã phối hợp với Chi hội Vovinam Đức Trọng tổ chức giải các CLB Vovinam Đức Trọng với 145 vận động viên (VĐV) đến từ 8 CLB trên địa bàn. 
 
Trong năm 2019 vừa qua, Trung tâm VHTT-TT huyện từ nguồn kinh phí Nhà nước đã tổ chức 7 giải thể thao cấp huyện, gồm giải cờ tướng, giải việt dã, giải bóng đá nhi đồng, giải cầu lông mở rộng, giải bóng chuyền mở rộng, giải bóng bàn trẻ thiếu niên nhi đồng, giải bóng đá nam 11 người sân lớn, với sự tham gia đông đảo của các VĐV đến từ các CLB xã hội hóa trên địa bàn. 
 
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Trung tâm VHTT-TT Đức Trọng, trong hoạt động Trung tâm luôn khuyến khích các phòng tập, các CLB trên địa bàn huyện tự tổ chức các giải thể thao xã hội hóa hằng năm để phát triển phong trào, Trung tâm khi cần sẽ hỗ trợ các giải này về mặt chuyên môn, trọng tài.
 
Trong hoạt động Trung tâm theo ông Anh luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các CLB, các phòng tập phát triển; hằng năm tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn cho các bộ môn khi có nhu cầu, đồng thời hỗ trợ cho một số bộ môn trong huyện khi tham gia các giải tỉnh.
 
GIA KHÁNH