Khi võ sư viết sách võ thuật

07:04, 23/04/2020

Người viết sách võ thuật này là Đại võ sư Trương Văn Bảo - Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Lâm Đồng và cũng là Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam...
 

Người viết sách võ thuật này là Đại võ sư Trương Văn Bảo - Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Lâm Đồng và cũng là Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Chỉ trong vòng 2 năm gần đây ông đã cho ra mắt 5 tác phẩm lẫn biên khảo rất có giá trị về Võ cổ truyền Việt Nam!
 
 
2 năm xuất bản 5 tác phẩm
 
Là một khuôn mặt nổi bật của thể thao Lâm Đồng trong những năm gần đây, Võ sư Trương Văn Bảo với vai trò là Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Lâm Đồng ông đã đóng góp không ít công sức để Võ cổ truyền Lâm Đồng có bước phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Không chỉ phát triển rộng rãi trong tỉnh với các phòng tập đông đảo môn sinh có mặt hầu hết các huyện, thành trong tỉnh, bộ môn này còn là thế mạnh của thể thao Lâm Đồng tại các giải khu vực, quốc gia và quốc tế; hằng năm mang về không ít huy chương cho thể thao tỉnh liên tục trong nhiều năm.
 
Với vai trò là Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Trưởng ban Quan hệ quốc tế và kiêm Phó Trưởng Ban chuyên môn của Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam và Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, ông cũng góp rất nhiều công sức để đưa Võ cổ truyền Việt Nam từng bước ra khắp thế giới trong nhiều năm nay. Như trong năm 2019 vừa qua chẳng hạn, ông đã có 4 chuyến đi giảng dạy võ thuật đến các nước Pháp, Algeria, Australia và Lào; những chuyến đi giảng dạy này có lúc như là thành viên của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, nhưng cũng có lúc do Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam của các nước mời đích danh ông sang đứng lớp giảng dạy lại cho các võ sư, huấn luyện viên của các quốc gia này. 
 
Dù khá bận rộn trong công tác quản lý và giảng dạy, tham gia điều hành các giải đấu trong tỉnh và trong nước, nhưng 2 năm gần đây, với một sức viết mạnh mẽ ông đã cho ra mắt hàng loạt quyển sách rất có giá trị về Võ cổ truyền Việt Nam. 
 
Cụ thể, đó là cuốn “Lý luận Võ cổ truyền” - do Nhà xuất bản (NXB) Thông tin và Truyền thông ấn hành trong tháng 4/2018; rồi cuốn kế tiếp “Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam - Một chặng đường phát triển” do NXB Thanh Niên ấn loát cũng ra đời trong năm 2018. Trong năm 2019, ông có thêm 2 tác phẩm gồm “Tinh hoa Võ thuật cổ truyền Việt Nam” do NXB Thanh Niên xuất bản và tập giáo trình bằng tiếng Anh “Mastering Combat of Vietnam Vocotruyen” (Nghệ thuật chiến đấu trong Võ cổ truyền Việt Nam). Tập tài liệu này Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam dùng trong giảng dạy ở nước ngoài.  
 
Trong đầu năm 2020 này, NXB Thanh Niên lại tiếp tục cho ra mắt thêm một biên khảo rất có giá trị của ông “Võ thuật cổ truyền Việt Nam bình khảo”. Ông cho biết, hiện đang hoàn thành một tác phẩm nữa “Phương pháp luận Võ cổ truyền Việt Nam” và dự kiến sẽ in trong cuối năm nay.
 
 Võ sư Trương Văn Bảo và những tập sách ông viết
Võ sư Trương Văn Bảo và những tập sách ông viết
 
Còn sức còn viết 
 
Vốn là người ham đọc sách và viết lách, trong nhà Võ sư Trương Văn Bảo có cả một tủ sách khá lớn, đủ đề tài, triết học, y học, văn chương... đông tây kim cổ, trong đó có những cuốn sách khảo cứu về võ thuật giá trị trong nhiều bộ môn khác nhau. Đơn giản là vì bên cạnh võ cổ truyền Việt, ông còn học thêm rất nhiều môn võ khác như Quyền Anh, Thái cực đạo (Taekwondo), Không thủ đạo (Karatedo), Thiếu lâm Phật Gia quyền... nhưng những môn võ này dù được cấp văn bằng hẳn hoi ông vẫn coi Võ cổ truyền Việt là chủ đạo; ông học các môn võ khác để cho biết và mở rộng nhãn quan võ thuật của mình.
 
Nhờ thông thạo nhiều môn võ nên trong lúc giảng dạy khắp nơi trên thế giới, ông thường liên hệ Võ cổ truyền Việt Nam với các môn võ khác để nêu lên sự khác biệt của võ Việt. Đặc biệt nhờ trình độ ngoại ngữ tiếng Anh được đào tạo bài bản từ ngày học đại học (ông tốt nghiệp Đại học Đà Lạt năm 1974 và có bằng Thạc sỹ về Giáo dục học) nên ông nói và viết tiếng Anh khá lưu loát, có thể giảng dạy bằng tiếng Anh. Không chỉ viết giáo trình bằng tiếng Anh, ông còn chuyển ngữ nhiều tài liệu, bài viết về võ Việt sang tiếng Anh cho môn sinh nước ngoài tham khảo.
 
Võ cổ truyền Việt Nam, theo ông, là di sản văn hóa, lịch sử và truyền thống của người Việt trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước; được người Việt sáng tạo, vun đắp qua nhiều thế hệ nghìn đời, hình thành nên những đòn thế, bài quyền, bài binh khí, kỹ thuật chiến đấu đặc thù mà chỉ riêng người Việt mới có. Thế nhưng, có một thực tế trong suốt những quãng dài trước đây Võ cổ truyền Việt Nam thường được truyền khẩu là chính, ít có tài liệu để người học tham khảo. Truyền khẩu nên đã dẫn đến tình trạng “tam sao thất bổn” (chỉ cần 3 lần sao chép đã biến thành 7 bản khác nhau), mỗi người giải thích theo một cách khác nhau tùy theo cách hiểu của mình. 
 
Chính vì vậy, với tư cách là một võ sư, học võ rồi dạy võ, tham gia đào tạo, giảng dạy cả trong nước và ngoài nước, ông thấy rằng cần có thêm những tài liệu sưu tầm, biên soạn lại một cách công phu, có hệ thống Võ cổ truyền Việt Nam. Viết sách về Võ cổ truyền Việt, theo ông như là một phương cách giữ gìn, truyền bá và phát huy vốn quý của cha ông, góp phần vào việc giữ gìn bản sắc dân tộc Việt. “Bản sắc văn hóa còn, dân tộc còn; bản sắc văn hóa mất, dân tộc bị nô lệ” - ông suy nghĩ. 
 
Trong 5 cuốn sách đã xuất bản, Võ sư Trương Văn Bảo cho biết, ông thích nhất là tập sách “Lý luận Võ cổ truyền”, tác phẩm đầu tay của ông. Trong tập sách dày gần 500 trang này, ông có những bài khảo luận rất hay về triết học trong võ học, đạo đức trong võ học, về lịch sử Võ cổ truyền Việt Nam qua những chặng đường, viết về những anh hùng dân tộc Việt; đồng thời ông cũng giới thiệu về quyền pháp, binh khí võ cổ truyền Việt; về phương pháp tập luyện; về cách xử lý chấn thương trong lúc tập luyện cũng như trên võ đài; giới thiệu một số bài võ cổ truyền tiêu biểu của võ Việt.
 
Đặc biệt, trong sách này có những phần có thể dùng tham khảo cho những người dạy võ nói chung như là một cách chia sẻ kinh nghiệm của ông như phần phương pháp sư phạm võ thuật. Hay như một phần khác cũng rất đáng đọc, đó là phần “Những con giáp trong Võ thuật cổ truyền”. Phần này ông viết rất công phu, có trích dẫn thơ văn, những câu chuyện thú vị trong văn học hay triết học đông tây kim cổ về võ, những giai thoại trong lịch sử võ thuật thế giới lẫn lịch sử võ thuật Việt Nam. Văn phong ông nhẹ nhàng, có duyên, ý vị. 
 
Vẫn còn rất nhiều kế hoạch cho vị đại võ sư sinh năm 1950 người Đà Lạt văn võ song toàn này. Nhờ tập võ nên ông rất khỏe, cường tráng, ông bảo vui với tôi rằng khi nào còn sức thì ông vẫn sẽ còn viết.
 
VIẾT TRỌNG