Bên cạnh các môn thể thao hiện đại phổ biến, Lâm Đồng những năm gần đây đã có không ít những nỗ lực nhằm bảo tồn, phát huy các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian, đưa các môn thể thao dân tộc này vào hệ thống thi đấu của tỉnh hàng năm.
Bên cạnh các môn thể thao hiện đại phổ biến, Lâm Đồng những năm gần đây đã có không ít những nỗ lực nhằm bảo tồn, phát huy các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian, đưa các môn thể thao dân tộc này vào hệ thống thi đấu của tỉnh hàng năm.
Thi giã gạo |
Với dân số toàn tỉnh khoảng 1,3 triệu người, Lâm Đồng hiện có gần 26% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số với trên 333 ngàn người thuộc 46 dân tộc; trong đó, đông nhất là cộng đồng dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm trên 16% dân cư. Hầu hết các dân tộc thiểu số trong tỉnh đều có phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, sắc thái văn hóa khá riêng biệt, tạo nên một Lâm Đồng đa dạng về bản sắc văn hóa.
Ngoài những môn thể thao hiện đại, phổ biến, nhiều người chơi, Lâm Đồng trong nhiều năm nay còn thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc trên địa bàn, nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Rất nhiều môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co, bắn nỏ, bắn ná; các trò chơi dân gian như ném còn, múa sạp, giã gạo, xâu chuỗi hạt cườm, bịt mắt đập chiêng... đến nay đã được tỉnh đưa vào danh sách bảo tồn, đưa vào hệ thống thi đấu TDTT hàng năm của tỉnh, được tỉnh khuyến khích các địa phương trong tỉnh tổ chức khi có dịp để vận động mọi người dân cùng tham gia.
Tỉnh cũng đã xây dựng các mô hình điểm về cơ sở vật chất, tổ chức hoạt động TDTT tại các xã, thôn, buôn; các hoạt động TDTT quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các môn thi đấu, các trò chơi dân gian này được đưa vào nội dung hoạt động trong các dịp lễ lớn của đất nước, của địa phương như Tết Nguyên đán, Quốc khánh 2-9, kỷ niệm ngày thành lập Đảng, các dịp lễ hội truyền thống của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển TDTT ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được Lâm Đồng lâu nay quan tâm. Trong năm 2017 và 2018, ngành văn hóa thể thao và du lịch tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn công tác bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian trên địa bàn toàn tỉnh cho các già làng, trưởng thôn, bí thư Đoàn Thanh niên tại các xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các môn thể thao dân tộc được đưa vào chương trình tập huấn gồm kéo co, bắn nỏ, bắn ná, đẩy gậy, chạy cà kheo, gùi lúa, múa sạp, xâu chuỗi hạt cườm, nhảy bao bố…
Định kỳ hàng năm, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Lâm Đồng tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số toàn tỉnh với đông đảo vận động viên tham gia trong rất nhiều bộ môn.
Như trong năm 2020, với chủ đề “Sức sống Nam Tây Nguyên”, ngày hội văn hóa, thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng được tổ chức tại Di Linh trong tháng 6/2020. Đã có trên 300 nghệ nhân, vận động viên các cộng đồng dân tộc thiểu số K’Ho, Mạ, Chu Ru, M’Nông của 12 huyện, thành trong tỉnh tham gia. Bên cạnh diễn tấu cồng chiêng và trình diễn trang phục truyền thống, các đoàn còn tranh tài trong các môn kéo co nam nữ, đẩy gậy nam nữ và giã gạo.
Cùng với cấp tỉnh, nhiều huyện, thành trong tỉnh còn tổ chức định kỳ các hoạt động thể thao đặc thù, phù hợp với truyền thống của địa phương mình, như hội đua ghe ở huyện Đạ Tẻh, đua ngựa không yên ở huyện Lạc Dương, Liên hoan Lân - Sư - Rồng ở thành phố Đà Lạt.
Thi đẩy gậy |
Tại Đà Lạt, hàng năm vào dịp Quốc khánh 2/9, tỉnh đã phối hợp với thành phố tổ chức tranh giải đạp vịt trên hồ Xuân Hương và thi đấu các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, nhảy sạp, thi cột chân chạy… cho người dân địa phương và du khách. Trong dịp Tết cổ truyền, hầu hết các huyện, thành trong tỉnh đều tổ chức giải cờ tướng hay đấu võ đài võ cổ truyền. Đây cũng là các trò chơi, môn thể thao dân gian. Hầu hết các hội thao của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể hiện nay đều có nội dung tranh tài môn kéo co.
Các môn thể thao dân tộc cũng được đưa vào hệ thống thi đấu của tỉnh trong đại hội TDTT các cấp nhiều năm nay. Tại Đại hội TDTT tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX - 2022 sắp đến, 12 huyện, thành của tỉnh sẽ tổ chức đại hội cấp cơ sở xã, phường, thị trấn trong năm 2021 này. Theo yêu cầu, cấp xã phải tổ chức thi đấu ít nhất 5 môn, có thể chọn các môn thể thao phổ biến tại địa phương, được người dân yêu thích, tham gia tập luyện thường xuyên, tuy nhiên cũng có thể chọn các môn thể thao dân tộc và trò chơi vận động dân gian, phù hợp với truyền thống của địa phương. Với cấp tỉnh, diễn ra trong năm 2022, trong 15 môn thi đấu cũng có 2 môn là thể thao dân tộc gồm đẩy gậy và kéo co ở cả 2 nội dung nam và nữ.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, ngành lâu nay đã quan tâm, thực hiện tốt việc sưu tầm, thống kê, phân loại các môn thể thao, các trò chơi vận động dân gian trong các lễ hội truyền thống hàng năm của các dân tộc thiểu số trên địa bàn cho mục tiêu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, nhất là của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên bản địa. Hai địa phương tiêu biểu làm tốt công tác này hiện nay chính là Di Linh và Đam Rông.
Trong thời gian đến, theo ông Hải, Lâm Đồng vẫn tiếp tục khuyến khích các địa phương duy trì, tổ chức các hoạt động với các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian. Để phát triển phong trào TDTT quần chúng hiện nay, tỉnh yêu cầu các địa phương chú ý đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện TDTT cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng sẽ nâng cao chất lượng hệ thống các giải thể thao quần chúng từ cấp tỉnh đến cơ sở, khuyến khích các địa phương đưa các giải thể thao, trong đó, có các môn thể thao dân tộc về cơ sở để phát triển phong trào, vừa góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, vừa là nỗ lực bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
VIẾT TRỌNG