Đưa thể thao thành sản phẩm du lịch

06:02, 04/02/2021

Với địa hình đồi núi, quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa quanh năm, phù hợp với nhiều môn thể thao, nhiều năm nay Lâm Đồng đã hướng đến việc phát triển các loại hình thể thao mạo hiểm dựa vào điều kiện tự nhiên của mình, đưa thể thao thành một sản phẩm của du lịch.

Với địa hình đồi núi, quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa quanh năm, phù hợp với nhiều môn thể thao, nhiều năm nay Lâm Đồng đã hướng đến việc phát triển các loại hình thể thao mạo hiểm dựa vào điều kiện tự nhiên của mình, đưa thể thao thành một sản phẩm của du lịch.
 
Siêu Marathon Quốc tế - Dalat Ultra Trail là giải có lượng VĐV tham gia đông nhất tại Lâm Đồng từ trước đến nay với trên 5.500 người tham gia. Trong ảnh: Xuất phát một cự ly của giải này trong năm 2020
Siêu Marathon Quốc tế - Dalat Ultra Trail là giải có lượng VĐV tham gia đông nhất tại Lâm Đồng từ trước đến nay với trên 5.500 người tham gia. Trong ảnh: Xuất phát một cự ly của giải này trong năm 2020
 
Điểm hẹn Đà Lạt
 
Trong cuối tháng 1/2021 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn gửi đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng để triển khai đề nghị của Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) gửi đến tỉnh trước đó về việc tổ chức cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp Truyền hình TP HCM lần thứ 33 - 2021 “Non sông liền một dải”. 
 
Trong công văn này, UBND tỉnh đã giao cho Sở phối hợp với các đơn vị và địa phương trong tỉnh có liên quan để phối hợp với Ban tổ chức giải tổ chức tốt 4 chặng đua trên đất Lâm Đồng từ ngày 27 đến 30/4 năm nay. Tỉnh cũng lưu ý rằng, với diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 hiện nay, việc tổ chức cuộc đua phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của cấp có thẩm quyền về phòng chống dịch bệnh tại thời điểm diễn ra cuộc đua. 
 
Như vậy, Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt lại thêm một lần nữa đón đoàn đua của Cúp Truyền hình TP HCM đến đây. Có thể thấy các chặng đua trên đất Lâm Đồng - Đà Lạt với các con đèo nổi tiếng luôn là một điểm hẹn, một chọn lựa hàng đầu cho Ban tổ chức giải cuộc đua này. Trừ một vài năm giải có lộ trình đặc biệt nào đó, còn hầu hết giải đua hằng năm trong nhiều năm nay đều đi qua đất Lâm Đồng. 
 
Trước đó, một giải đua xe đạp khác, giải đua xe đạp nữ quốc tế Bình Dương cũng đã có công văn gửi đến tỉnh đề nghị phối hợp. Giải này diễn ra trong dịp tháng 3; cả 2 giải đều lên lịch cho chặng đua truyền thống quanh hồ Xuân Hương, được truyền hình trực tiếp. 
 
Hãy hình dung, chỉ riêng 2 giải đua xe đạp này trong nhiều năm liên tục đã đưa vài trăm người đến với Lâm Đồng - Đà Lạt. Từ VĐV, HLV đến đội ngũ phục vụ, Ban tổ chức giải, các nhà báo, Đài truyền hình đi theo. Đó là chưa kể trước đó rất nhiều đội xe đạp trong nước đã cho quân lên Đà Lạt tập trung dài hạn dịp trước và sau Tết Âm lịch để tập luyện hằng ngày. Một địa chỉ rất quen thuộc cho các đội đua xe đạp trong nước đến lưu trú lâu nay chính là Khách sạn Phước Đức ngay tại trung tâm Khu Hòa Bình.
 
Đà Lạt cũng là một điểm hẹn cho một giải đấu khác mới nổi lên gần đây nhưng thu hút lượng VĐV lẫn du khách đến với thành phố này rất đông, đó là giải chạy Siêu Marathon Quốc tế - Dalat Ultra Trail và giải Xe đạp địa hình Quốc tế Dalat Victory Challenge. 2 giải liền nhau này do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phối hợp với Liên đoàn Xe đạp Mô tô Việt Nam và Công ty Cổ phần Việt Nam MTB Series tổ chức, nằm trong hệ thống Cúp vô địch quốc gia “Vietnam MTB Serie”.
 
Trong năm 2020 vừa qua, theo lịch 2 giải trên diễn ra trong cuối tháng 3 nhưng do đại dịch COVID-19 nên phải hoãn chuyển sang tháng 6. Dù chậm lại 3 tháng nhưng số lượng VĐV tham gia giải cũng lên đến trên 5.500 VĐV, trong đó có trên 200 VĐV nước ngoài là những người đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Đó là chưa kể đến lượng người đông đảo trong Ban tổ chức, người phục vụ giải, gia đình, người thân của VĐV đi cùng. Rồi nhiều VĐV thi đấu trong nhiều nội dung chạy nên ở lại dài ngày. Đây là giải thể thao mạo hiểm xã hội hóa đông người tham dự nhất tại Lâm Đồng cho đến nay, mang lại một nguồn thu rất lớn cho du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt. 
 
Dự kiến trong tháng 3 năm nay, giải chạy Siêu Marathon và giải đua xe đạp địa hình vẫn diễn ra tại Đà Lạt nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát. 
 
Thể thao mạo hiểm luôn thu hút đông người tham dự. Trong ảnh: Bơi vượt hồ Tuyền Lâm của Suffer Fest -  một giải thể thao mạo hiểm xã hội hóa.
Thể thao mạo hiểm luôn thu hút đông người tham dự. Trong ảnh: Bơi vượt hồ Tuyền Lâm của Suffer Fest - một giải thể thao mạo hiểm xã hội hóa.
 
Để thể thao thành sản phẩm du lịch 
 
Với địa hình đồi núi, quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa quanh năm, Lâm Đồng - Đà Lạt có rất nhiều ưu thế để phát triển nhiều hoạt động thể thao kết hợp du lịch khác nhau, từ đi bộ, điền kinh, leo núi, đạp xe đạp, đua ô tô, mô tô, xe đạp, dù lượn…
 
Lâm Đồng trong nhiều năm nay đã xác định du lịch thể thao mạo hiểm là một trong những loại hình được tỉnh tập trung phát triển bên cạnh du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch hội thảo nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch canh nông.
 
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, việc lồng ghép, phát triển thể thao giải trí, kinh doanh dịch vụ thể thao gắn với hoạt động văn hóa, du lịch đã được ngành quan tâm và đạt được những kết quả khả quan trong những năm gần đây. 
 
Cụ thể, bên cạnh các môn thể thao truyền thống, tỉnh đã tập trung phát triển các hoạt động thể thao giải trí và thể thao mạo hiểm như xe đạp địa hình, ô tô địa hình, chạy bộ địa hình, thu hút nhiều người trong và ngoài tỉnh tham gia tập luyện và thi đấu, gắn kết giữa hoạt động thể thao với du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương. 
 
Thống kê cho biết trong vài năm trở lại đây, tỉnh và các doanh nghiệp đã tổ chức 10 giải chạy bộ địa hình, 5 giải xe đạp địa hình, 2 giải ô tô địa hình xã hội hóa, thu hút gần 20 nghìn VĐV tham gia. Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh cũng phối hợp với Tổng cục TDTT, các Liên đoàn Thể thao quốc gia đăng cai và phối hợp tổ chức hơn 50 hoạt động thể thao quốc gia và khu vực tại Lâm Đồng.
 
Như Sở xác định, trong lâu dài Lâm Đồng vẫn tiếp tục phát triển các môn thể thao giải trí và thể thao mạo hiểm, đa dạng các sản phẩm thể thao, gắn kết giữa hoạt động thể thao với du lịch; thu hút và tổ chức tốt các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế, coi đây là cơ hội để quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt, giới thiệu con người và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp Đà Lạt - Lâm Đồng đến với mọi người dân trong nước và du khách quốc tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Để thể thao thật sự thành sản phẩm du lịch, đã đến lúc ngành chức năng Lâm Đồng cần làm tốt hơn nữa việc quảng bá các thế mạnh về thiên nhiên của địa phương cho các hoạt động TDTT, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng cho thể thao, trước mắt tỉnh cần xây dựng một nhà thi đấu đạt chuẩn để có thể đăng cai các giải đấu lớn trong nước và khu vực. Cùng đó tỉnh cũng cần có chiến lược về phát triển sản phẩm du lịch gắn với sự kiện thể thao, mạnh dạn đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao lớn đông người khi có dịp; khuyến khích và tổ chức nhiều hơn nữa các giải thể thao xã hội hóa để thu hút VĐV và du khách đến với Lâm Đồng - Đà Lạt.
 
VIẾT TRỌNG