Công ty nợ bảo hiểm kéo dài, hàng chục công nhân lao đao

09:08, 03/08/2016

Đã hơn 5 năm qua, mặc dù tháng nào hàng chục công nhân tại Công ty Kimono Japan (Khu Công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) cũng bị trừ lương để đóng bảo hiểm xã hội, nhưng Công ty không đóng BHXH cho người lao động...

[links(right)] Đã hơn 5 năm qua, mặc dù tháng nào hàng chục công nhân tại Công ty Kimono Japan (Khu Công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) cũng bị trừ lương để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), nhưng Công ty không đóng BHXH cho người lao động. Sự việc này đã và đang đẩy gần 50 công nhân đang làm việc tại Công ty này lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười”!
 
Công nhân phản ánh sự việc với phóng viên
Công nhân phản ánh sự việc với phóng viên

Đổ lỗi cho khó khăn
 
Công ty Kimono Japan được thành lập vào năm 2005, với 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản, có tổng giá trị tài sản khoảng 4 triệu USD. Tuy nhiên, sau nhiều năm đi vào hoạt động, từ tháng 6 năm 2011 đến nay, Công ty bắt đầu nợ các khoản bảo hiểm của người lao động. Theo thống kê của cơ quan chức năng TP Bảo Lộc, tính đến tháng 4/2016, số nợ bảo hiểm của Công ty Kimono đã hơn 3,7 tỷ đồng. Trong đó, tiền nợ BHXH hơn 3,2 tỷ đồng. Còn lại là các khoản nợ khác như bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và các chế độ thai sản, ốm đau của công nhân. 
 
Nghỉ việc tại Công ty Kimono đã hơn 1 năm nhưng đến nay, chị Nguyễn Thị Mai (ngụ tại phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc) vẫn chưa nhận được sổ BHXH. Đây là một bất lợi lớn để chị Mai tham gia BHXH khi xin được việc mới. Chị Mai bức xúc: “Tôi vào làm việc tại Công ty Kimono Japan từ năm 2005, đến năm 2007 thì được ký hợp đồng chính thức và bắt đầu đóng BHXH cho đến lúc tôi xin nghỉ việc vào đầu năm 2014. Theo quy định, khi tôi xin nghỉ việc, Công ty phải có trách nhiệm chốt sổ BHXH để tôi xin việc mới và tiếp tục tham gia BHXH. Tuy nhiên, đến nay, tôi đã nghỉ việc được hơn 1 năm, nhưng Công ty vẫn chây ì không chịu đóng BHXH để chốt sổ cho tôi. Ngoài tôi ra, đang có ít nhất 10 công nhân đã nghỉ việc tại Công ty cũng đang chịu cảnh ngộ này”.
 
Cùng với những người đã nghỉ việc, hiện tại còn có hàng chục công nhân đang làm việc tại đây cũng rất bức xúc trước việc Công ty Kimono không chịu đóng BHXH cho họ. Ông Đoàn Văn Thiệp, công nhân đang làm việc tại Công ty này, phản ánh: “Tôi làm việc từ ngày Công ty mới thành lập cho đến nay, hàng tháng tiền lương của tôi vẫn đều đặn bị trừ để đóng BHXH. Giờ sắp đến tuổi nghỉ hưu, song Công ty không chịu đóng BHXH khiến tôi rất lo lắng, bức xúc. Trước sự việc này, chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng địa phương và trung ương cầu cứu. Song đến nay, tất cả những lời hứa của Công ty với chúng tôi cũng chỉ là “lời hứa suông” mà thôi”.
 
Bên cạnh việc nợ BHXH kéo dài trong nhiều năm, thì Công ty Kimono còn nợ các chế độ khác của người lao động làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. Chị Nguyễn Thị Hằng, một công nhân khác đang làm việc tại Công ty Kimono, ngao ngán: “Ngoài việc Công ty đang nợ của tôi khoảng 60 tháng BHXH, thì nhiều chế độ tôi và anh chị em công nhân đáng được hưởng theo quy định cũng bị Công ty “tước đoạt”. Trong thời gian làm việc tại đây, tôi 2 lần sinh con, nhưng không có thẻ BHYT nên các khoản viện phí đều phải tự đóng. Đáng nói hơn, tiền thai sản trong 2 lần sinh con của tôi đến nay vẫn chưa được chi trả một đồng nào”.
 
Khốn cùng hơn là những công nhân đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng Công ty chưa đóng BHXH để chốt sổ nên họ không được hưởng chế độ hưu trí. Ông Đậu Hồng Danh, Phó Giám đốc Công ty Kimono Japan biện minh: “Do trong thời gian qua, Công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính nên buộc phải nợ tiền BHXH và các chế độ liên quan khác của công nhân. Hiện tại, Công ty thu vào không đủ chi ra nên trước mắt sẽ cố gắng trả lương đúng hạn và đầy đủ cho công nhân đã. Riêng, số tiền BHXH và các chế độ khác của công nhân còn tồn đọng, Công ty chỉ có cách kêu gọi thêm nhà đầu tư để duy trì, phát triển sản xuất thì may ra mới giải quyết ổn thỏa được”.
 
Cơ quan chức năng chịu thua?
 
Bức xúc việc Công ty Kimono nợ bảo hiểm kéo dài trong nhiều năm, tập thể công nhân đang làm việc tại đây đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền vào cuộc xem xét. Ông Bùi Quốc Hợp, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Bảo Lộc, cho hay: Do Công đoàn Công ty Kimono Japan bị “tê liệt” từ lâu, nên từ năm 2013 đến nay, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương cùng đồng hành với công nhân để tổ chức hòa giải và yêu cầu Công ty đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho người lao động. Đã hơn 10 lần, tập thể công nhân đến trụ sở LĐLĐ TP xin tư vấn, thậm chí họ đã nhiều lần tổ chức đình công, lãn công nhưng vẫn không có kết quả khả quan. Để giải quyết vấn đề này, UBND TP Bảo Lộc cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp lên phương án giải quyết. Chủ tịch UBND TP cũng đã nhiều lần ký các văn bản yêu cầu Công ty đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người lao động, song tất cả vẫn chưa có chút tiến triển nào!”.
 
Còn ông Trần Quốc Thanh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP Bảo Lộc cho biết: “Phòng Lao động đã nhiều lần làm việc với Công ty trên tinh thần bảo đảm mối quan hệ hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp. Mỗi lần làm việc với chúng tôi, Công ty đều hứa hẹn sẽ giải quyết các chế độ cho công nhân về BHXH, BHYT, chế độ thai sản... Tuy nhiên, đến nay, phía Công ty vẫn chưa thực hiện. Liên quan đến quyền lợi của người lao động đang làm việc tại đây, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan địa phương cùng vào cuộc làm việc hết sức có thể, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả nào khả quan. Vì vậy, không chỉ công nhân bức xúc, mà các cơ quan chức năng địa phương cũng rất mệt mỏi với vấn đề này...”.
 
Trước tình hình này, sau khi nhận được đơn phản ánh của tập thể công nhân đang làm việc tại Công ty Kimono Japan, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 2344/CĐ-TTr ngày 18/7/2016 yêu cầu các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng và TP Bảo Lộc cùng vào cuộc xem xét, xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, ông Nguyễn Quốc Bắc, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động tại Công ty Kimono, bao gồm kiểm tra đối chiếu các khoản nợ BHXH, BHYT, BHTN và các khoản nợ ốm đau, thai sản... để xây dựng kế hoạch, lộ trình chi trả cụ thể cho họ.
 
Theo các cơ quan chức năng TP Bảo Lộc, sau thời hạn cuối cùng đến ngày 15/8/2016, nếu Công ty không thể đảm bảo các chế độ cho người lao động theo quy định, thì tập thể công nhân có thể kiện ra tòa án. Nếu trường hợp “bất đắc dĩ” này xảy ra, các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn trình tự các thủ tục khởi kiện giúp công nhân.
 
KHÁNH PHÚC