Đủ chiêu lừa bán mật ong rừng

08:10, 04/10/2016

Trên các tuyến Quốc lộ 20, Quốc lộ 55, Quốc lộ 27 và hay tỉnh lộ 725, 721… gần đây xuất hiện tình trạng một số người bán mật ong. Họ treo tổ ong trên cành cây tươi chưa rụng lá và quảng cáo đây là "đặc sản của rừng 100%"... 

Thời gian gần đây, trên các tuyến đường chính gần cửa rừng tại các Quốc lộ 20, 55, 27 hay tỉnh lộ 725, 721… người đi đường rất dễ bắt gặp những người mặc quần áo lấm lem bùn đất bày bán mật ong ven đường. Để chứng minh đó là mật ong rừng nhằm đánh lừa khách hàng, những người này còn treo các tổ ong trên cành cây tươi chưa rụng lá và kèm theo quảng cáo “đặc sản của rừng 100%”.
 
Mật ong rừng giả được bày bán tràn lan trên các tuyến đường gần rừng tại Lâm Đồng
Mật ong rừng giả được bày bán tràn lan trên các tuyến đường gần rừng tại Lâm Đồng

“Treo đầu dê, bán thịt chó”
 
Khi đi qua đèo Bảo Lộc, chúng tôi bắt gặp 3 người phụ nữ bước xuống từ chiếc xe con tới hỏi mua mật ong do 3 người đàn ông trạc tuổi 40 bày bán. Ngay lập tức một người đàn ông trong nhóm lấy một chai mật ong để sẵn trong xô và nói: “Đây là mật ong khoái chúng tôi vừa bắt ở rừng về nên giá hơi cao. Mật ong khoái có giá từ 1 đến 1,2 triệu đồng/lít, nhưng nếu các chị mua số lượng nhiều thì chúng tôi bán rẻ cho với giá chỉ 700 - 800 ngàn đồng/lít. Các chị mua về dùng hay làm quà biếu đi, mật ong khoái lấy từ rừng về rất tốt và hiếm”.
 
Khi 3 người phụ nữ đang băn khoăn không biết có nên mua hay không thì một người đàn ông khác nói: “Đối với các loại mật ong rừng thì ong khoái là rất quý. Để có được mật ong khoái, chúng tôi phải đi vào tận trong rừng sâu mới săn được, có khi mất cả tuần mới về. Các chị cứ xem đi, loại mật ong này đang còn cả sáp lẫn lộn bên trong nên đảm bảo thật 100%”. Chưa hết, một người đàn ông trong nhóm còn phán một câu chắc nịch: “Các chị cứ thử đi, nếu không phải là mật ong khoái, chúng tôi tặng các chị luôn không lấy tiền”. Thấy giá cả cũng mềm hơn những chỗ khác nên 3 người phụ nữ này liền gật đầu mua 3 lít với giá 750 ngàn đồng/lít.
 
Còn tại đèo Phú Hiệp (đoạn giáp ranh giữa huyện Đức Trọng và Di Linh) chúng tôi lại bắt gặp thêm điểm bán ong rừng dọc đường. Người bán là một phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 35 tuổi. Người phụ nữ này cho biết: “Mật ong tôi đang bán là mật ong rừng thật 100%. Đây là mật ong do chồng tôi vào rừng săn được nên đem bán để kiếm thêm thu nhập”. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua số lượng lớn để về TP Hồ Chí Minh bán lại kiếm lời, người này khẳng định: “Muốn bao nhiêu cũng có, chỉ cần các anh đặt hàng thì chồng tôi sẽ đi cùng với nhiều người khác vào rừng là có hàng chục lít ngay”.
 
Trong vai người đi tìm mua mật ong rừng với số lượng lớn để đưa về thành phố Hồ Chi Minh tiêu thụ chúng tôi được nhiều người bán mật ong tiết lộ “bí quyết”: Nhiều người lấy tổ ong về, dùng kim tiêm hút hết mật rồi bơm nước đường vào lấp chỗ trống. Mật nguyên chất hút ra tiếp tục đem pha trộn với nước đường đem bán. Loại mật ong này họ chỉ bán cho những người đi đường thôi, còn người quen có mua họ cũng không dám bán. 
 
Nhiều người sập bẫy
 
Với các thủ đoạn tương tự như trên, những người này đã bán trót lọt cho ông Vũ Thanh Dũng (ngụ phường Lộc Tiến, thành phố Bảo Lộc) 2 lít mật ong rừng giả. Anh Dũng cho biết: “Cách đây gần 2 tháng, khi đi qua đèo B40 (thuộc xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm) tôi thấy người ta treo bán mật ong rừng nên đã mua 2 lít. Ai ngờ đem về bỏ vào tủ lạnh cất thì thấy mật ong đông cứng lại mới biết mình bị lừa”. 
 
Được người thân ở huyện Đạ Huoai giới thiệu ở đèo Bảo Lộc đang có bán nhiều mật ong rừng, anh Trần Ngọc Hải (36 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cất công lên mua gần 5 lít với giá 500 ngàn đồng/lít để dành dùng và làm quà biếu người thân. Khoảng 1 tuần sau, số mật ong anh Hải mua dọc đường đã đổi màu đen và đường lắng xuống đáy bình thì mới biết mình bị lừa. “Trước khi mua, tôi đã cẩn thận nhưng vẫn mắc lừa. Bởi tôi thấy họ nhìn thật thà, ăn mặc kham khổ giống hệt như vừa đi lấy mật trong rừng ra nên mua ngay. Khi đó họ còn cho cả số điện thoại để khi cần thì liên lạc và giới thiệu cho người khác mua. Thế nhưng, khi mua xong về Bình Dương được 1 tuần, tôi gọi điện cho những người bán mật ong thì không liên lạc được” - anh Hải lắc đầu ngao ngán. 
 
Nói về kinh nghiệm lựa chọn mật ong rừng, ông Nguyễn Ngọc Huy (45 tuổi, ngụ xã Đại Lào, TP Bảo Lộc), người có hơn 20 năm vào rừng săn mật ong cho biết: “Ngoài thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch thì những tháng khác trong năm không thể tìm được mật ong rừng. Những ngày vào mùa mật ong, nếu trúng thì cũng chỉ lấy được 1 - 2 lít. Thậm chí nhiều ngày còn phải về tay không. Người ta bày bán nguyên tổ và cành cây còn tươi là “mẹo” để lừa gạt khách đi đường không có kinh nghiệm. Hơn nữa, với các bí quyết “phù phép” mật ong rừng,  nếu người dân có mua trúng mật ong giả cũng rất khó phân biệt. Chỉ đến khi đem về nhà để vài ngày, đường lắng xuống đáy chai thì mới biết đó là mật ong giả. Hiện nay, phần lớn mật ong rừng ở Tây Nguyên là mật ong ruồi. Còn để kiếm được một tổ ong khoái có mật là rất hiếm”.
 
Một người chuyên mua mật ong rừng ở thị trấn Đạ M’ri (huyện Đạ Huoai) cho hay: “Để phân biệt được mật ong rừng thật, thì chỉ cần để trong chai, lắc một chút sẽ có gas và ngược lại. Nếu mua phải mật ong rừng giả dùng với số lượng nhiều, tích tụ lâu ngày sẽ mất cân bằng hệ tiêu hóa, gây tăng cân, béo phì, thậm chí bệnh tim mạch ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Người dùng không nên mua mật ong trôi nổi dọc đường, tránh trường hợp tiền mất tật mang”.
 
KHÁNH PHÚC