Bốn mùa thu hái nho Nhật ở Đức Trọng

05:08, 06/08/2020

Sau hơn mười năm hoàn chỉnh quy trình canh tác, Công ty TNHH Hoa Mặt Trời đã gắn thương hiệu của mình lên sản phẩm nho Kyoho Nhật Bản...

Sau hơn mười năm hoàn chỉnh quy trình canh tác, Công ty TNHH Hoa Mặt Trời đã gắn thương hiệu của mình lên sản phẩm nho Kyoho Nhật Bản sản xuất và thu hái bốn mùa trong năm đạt hiệu quả kinh tế khá cao tại địa bàn xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng. 
 
Khu vực nho Kyoho ở Hiệp Thạnh, Đức Trọng đang chăm sóc đặc biệt để thu hoạch lứa mới vào giữa tháng 8/2020
Khu vực nho Kyoho ở Hiệp Thạnh, Đức Trọng đang chăm sóc đặc biệt để thu hoạch lứa mới vào giữa tháng 8/2020
 
“Vườn nho lạ” chưa từng thấy ở Việt Nam
 
Cách Quốc lộ 20 chỉ hơn nửa cây số đường xe ô tô, vườn nho Kyoho Nhật thuộc khu vực thôn Quảng Hiệp, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng sản xuất theo hình thức cuốn chiếu, kết quả gần như hàng tháng đều có sản phẩm thu hoạch, chuyển đến người tiêu dùng khắp nơi trong nước. Phóng viên đến đây được anh Huỳnh Tấn Quảng (51 tuổi), chủ vườn hướng dẫn tham quan những chùm nho chín mọng trong khu nhà kính 1.500 m2 đang thu hoạch trong tuần cuối cùng của tháng 7 vừa qua. Bên cạnh đó, là khu nhà kính 4.500 m2 với từng hàng cây, chùm trái từ xanh non đang lần lượt chuyển dần sang màu chín nâu đỏ, tím đen chuẩn bị nối tiếp thu hoạch trong cuối tháng 8 tới. Tổng cộng diện tích 6.000 m2 mô hình này được xây dựng theo thiết kế nhà kính hở, mái lợp hình vòng cung, bốn bề không khí thông thoáng. Bên trong lắp đặt hệ thống đường ống nước tưới phun sương chạy dọc theo mỗi hàng gốc cây nho bám rễ trực tiếp xuống đất, cành lá vươn lên giàn cao khoảng hơn 2 m, được chăm sóc cắt cành, tỉa tán bài bản, nhằm tác động kết trái thu hoạch liên tục theo mỗi giai đoạn sinh trưởng hàng năm.
 
Phóng viên trải nghiệm hái xuống một chùm nho đỏ và một chùm nho đen thưởng thức lần lượt với hương vị rượu vang thơm nồng và ngọt thanh khác lạ so với các loại nho khác hiện có trên thị trường. Anh Quảng cho biết, 2 loại dâu Kyoho Nhật Bản này đã thu hoạch khoảng 1.000 kg liên tục trong vụ mùa tháng 7 vừa qua trên diện tích 1.500 m 2 nhà kính hở nói trên. Phần lớn đơn hàng đặt mua trước đó nhiều tháng, vì vậy mỗi ngày thu hái từ trên cây xuống là đóng gói ngay để vận chuyển giao trực tiếp cho người mua. Và sản lượng khoảng 200 kg nho Kyoho đen và đỏ còn lại thu hoạch thời điểm kéo dài đến tuần đầu tháng 8 tới, cũng đều cung cấp cho khách hàng đã chốt giá mua từ khi trái còn xanh. Có mặt tại vườn nho Kyoho cùng lúc với phóng viên, anh Nguyễn Hữu Cường, một nhà nông hơn 20 năm sản xuất rau, hoa ở xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng đánh giá: “Đây là một vườn nho tôi chưa từng thấy trên các vùng nông nghiệp Việt Nam. Giống nho rất lạ về hình dáng cây, trái và rất lạ về hương vị. Đặc biệt, khi ăn một trái nho tươi ở đây chẳng khác gì uống một ngụm rượu vang nổi tiếng từ châu Âu. Tôi và những nhà nông khác ở huyện Đức Trọng đang mong muốn học hỏi quy trình sản xuất thành công giống nho từ nước Nhật này…”. 
 
Vườn nho Kyoho 80% cây ghép và 20% cây thực sinh
 
Bước sang khu vườn 4.500 m 2, phóng viên ghi nhận Công ty TNHH Hoa Mặt Trời phân bổ thành các khu nhà kính hở liên canh xuống giống nho Kyoho trồng, chăm sóc và thu hoạch bốn mùa trong năm, tuân theo quy trình kỹ thuật chuyển giao từ Nhật Bản. Theo đó, mật độ trồng cây cách cây 2,5 m; hàng cách hàng 2 m. Chăm sóc đúng yêu cầu đến năm thứ 2 bắt đầu thu bói. Từ năm thứ 3 trở đi thu hoạch liên tục, mỗi năm thu hoạch từ 8-9 tháng; thời gian 3-4 tháng còn lại, nho sẽ trút lá để “ngủ” phục hồi khả năng sinh trưởng tốt nhất. Sau đó là bước vào chu kỳ thay lá mới, ra hoa, kết trái đồng loạt. “Hơn 10 năm trước, Công ty TNHH Hoa Mặt Trời mua về từ Nhật Bản khoảng 300 cây giống nho Kyoho thực sinh về trồng. Chăm sóc từ 3-4 tháng tỷ lệ cây sống chỉ còn lại hơn 60%. Sau khi nghiên cứu, xác định nguyên nhân, công ty chúng tôi phải mất nhiều năm mới bổ sung thành công quy trình canh tác phù hợp, hiệu quả với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất nông nghiệp tại thôn Quảng Hiệp, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng đến bây giờ…”, chủ vườn Huỳnh Tấn Quảng chia sẻ. 
 
Cũng theo chủ vườn Huỳnh Tấn Quảng, trong các thời điểm cây nho Kyoho ra hoa, đậu trái bói năm đầu tiên ở đây đã bất ngờ xuất hiện tình trạng cây rụng lá chết khô trong từng khu vực nhà kính, không thể cứu chữa kịp thời. Công ty TNHH Hoa Mặt Trời lại phải mua về từ Nhật với hàng ngàn mầm chồi nho Kyoho đầu dòng ghép với gốc nho rừng đưa về từ các tỉnh miền núi phía Bắc, cũng chỉ đạt tỷ lệ cây sinh trưởng hơn 20%. “Phải mất thêm cả năm nữa mới hoàn thành số lượng cây nho Kyoho ghép sinh trưởng thích nghi với môi trường đất mới Hiệp Thạnh, Đức Trọng…”, anh Quảng nói thêm. 
 
Đến nay trên diện tích 6.000 m 2 nhà kính hở, tọa lạc vùng đất Hiệp Thạnh, Đức Trọng, Công ty TNHH Hoa Mặt Trời đã “thuần hóa” ổn định hơn 1.000 cây nho Kyoho trái đen và trái đỏ với 80% cây ghép và 20% cây thực sinh luân phiên thu hoạch 12 tháng trong năm, sản lượng trung bình trên dưới 500 kg/tháng. Nhân với giá 160.000 đồng/kg thời điểm tháng 8/2020, đạt doanh thu khoảng 80 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí canh tác khoảng 20%, còn lại lợi nhuận thu về khoảng 64 triệu đồng/tháng/6.000 m 2
 
Dự kiến trong thời gian tới, Công ty TNHH Hoa Mặt Trời tiếp tục nhập khẩu từ Nhật về các giống nho xanh cao cấp để mở rộng diện tích trồng tại khu vực thôn Quảng Hiệp, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng. Hiện tại giống nho xanh này nhập khẩu về Việt Nam với mức giá thị trường từ 700-800.000 đồng/kg. Khi trồng thành công giống nho xanh ở đây, Công ty TNHH Hoa Mặt Trời hy vọng cung cấp cho người tiêu dùng trong nước với sản phẩm thu hoạch đạt chất lượng tương đương nhập khẩu, nhưng giá thành sẽ giảm xuống ở mức phổ thông trên thị trường.
 
VĂN VIỆT