10 sự kiện nổi bật của ngành BHXH trong năm 2020

06:01, 29/01/2021

Năm 2020, toàn ngành Bảo hiểm xã hội  Việt Nam đã nỗ lực và đạt nhiều kết quả, tạo dấu ấn rõ nét, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội...

Năm 2020, toàn ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã nỗ lực và đạt nhiều kết quả, tạo dấu ấn rõ nét, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần nâng cao vị thế ngành. Có thể điểm lại 10 kết quả nổi bật của ngành BHXH Việt Nam trong năm qua.
 
Tập thể cán bộ, CNVC BHXH Lâm Đồng tại lễ ra quân phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm
Tập thể cán bộ, CNVC BHXH Lâm Đồng tại lễ ra quân phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm
 
Một là, ngành BHXH Việt Nam hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng 90% so với năm 2019, tăng 1,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28 của Đảng và tăng gấp 5 lần so với năm 2015; số người tham gia BHYT khoảng 88 triệu người, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015.
 
Đặc biệt, chỉ tiêu bao phủ BHYT có bước tăng trưởng ấn tượng: So với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn. So với các quốc gia phát triển trên thế giới, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân cần từ 40 đến 80 năm, trong khi Việt Nam là 17 năm.
 
Hai là, công tác đảm bảo quyền lợi người tham gia và thụ hưởng chính sách luôn được thực hiện chính xác, kịp thời, linh hoạt, thuận tiện. Trong năm 2020, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết gần 134 nghìn người hưởng mới BHXH hàng tháng; gần 9,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, tăng 27,1% so với năm 2015; hơn 1 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 91,2% so với năm 2015;... duy trì việc chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng cho trên 3,2 triệu người.
 
Ba là, BHXH Việt Nam công bố “Ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động.
 
Nhằm tiếp tục cung cấp những dịch vụ tiện ích nhất phục vụ người dân, ngày 16/11/2020, BHXH Việt Nam chính thức công bố ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số trên thiết bị di động. Đây chính là bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, góp phần xây dựng quốc gia số, xã hội số của Chính phủ.
 
Bốn là, ngành BHXH Việt Nam hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công mức độ 4.
 
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai các dịch vụ công (DVC) trực tuyến. Ngày 15/12/2020, BHXH Việt Nam đã ban hành Văn bản số 3968/BHXH-CNTT triển khai bổ sung 9 DVC trực tuyến mức độ 4 dành cho tổ chức và cá nhân trên Cổng DVC của ngành. Theo đó, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp các DVC mức độ 4 cho tất cả thủ tục hành chính của ngành.
 
Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đã chủ động tích hợp, cung cấp 15 DVC mức độ 4 của ngành, DVC liên thông với các bộ, ngành trên Cổng DVC quốc gia. Dự kiến trong quý I/2021, sẽ hoàn thành việc cung cấp, liên thông 100% dịch vụ công mức độ 4 của ngành trên Cổng DVC quốc gia.
 
Tính đến ngày 23/12/2020, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết hơn 9.000 giao dịch trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, trong đó: Tiếp nhận và giải quyết cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất cho 2.616 trường hợp; 5.859 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công (thanh toán gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình cho 4.022 trường hợp; đóng tiếp BHXH tự nguyện cho 1.706 trường hợp; đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN là 131 trường hợp); tiếp nhận, xử lý 916 hồ sơ đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19. Các DVC cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất; đóng tiếp BHXH tự nguyện, gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình, thanh toán trực tuyến nộp tiền đóng BHXH tự nguyện… là những DVC mức độ 4 được nhiều người thực hiện nhất.
 
Năm là, ngày 4/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Toàn ngành đã được đổi mới, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Ở Trung ương đã giảm từ 24 đơn vị trực thuộc xuống còn 21 đơn vị (giảm 3 đơn vị cấp ban), không tổ chức cơ cấu cấp phòng tại 4 đơn vị (giảm 13 đơn vị cấp phòng); cơ cấu, kiện toàn lại và thành lập Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ, chăm sóc khách hàng - để giải đáp, hỗ trợ, tư vấn chế độ, chính sách cho người tham gia, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 28. Ở địa phương đã giảm 65 đầu mối cấp phòng trực thuộc BHXH cấp tỉnh; giảm 58 BHXH thành phố, thị xã trực thuộc BHXH cấp tỉnh nơi có trụ sở BHXH tỉnh đóng trên địa bàn...
 
Sáu là, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, BHXH Việt Nam tổ chức thành công: Đại hội đại biểu lần thứ VII của Đảng, Đại hội Thi đua yêu nước ngành BHXH Việt Nam lần thứ V.
 
Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao trình độ, kỹ năng, thay đổi tác phong phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức toàn ngành.
 
Tám là, ngành BHXH Việt Nam chung tay phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ngành BHXH Việt Nam; cùng cả nước hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt.
 
Chín là, hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam tổ chức thành công lễ ra quân trên phạm vi toàn quốc.
 
Mười là, BHXH Việt Nam - 25 năm xây dựng và phát triển. Để nhìn lại các thành tựu sau 25 năm xây dựng và phát triển, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT; các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và nhiệm vụ công tác năm 2020”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị.
 
N.MINH