Bảo Lâm chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP

06:02, 01/02/2021

Bám sát tình hình thực tế địa phương, huyện Bảo Lâm đã triển khai nhiều biện pháp phát triển sản phẩm OCOP, coi đây là cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về khí hậu, đất đai, đồng thời giúp người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng tầm sản phẩm nông nghiệp.

Bám sát tình hình thực tế địa phương, huyện Bảo Lâm đã triển khai nhiều biện pháp phát triển sản phẩm OCOP, coi đây là cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về khí hậu, đất đai, đồng thời giúp người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng tầm sản phẩm nông nghiệp.
 
Bơ 034 Bình Minh - sản phẩm OCOP của huyện Bảo Lâm
Bơ 034 Bình Minh - sản phẩm OCOP của huyện Bảo Lâm
 
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, năm 2020, huyện Bảo Lâm có 5 chủ thể đăng ký tham gia OCOP, với 5 sản phẩm, bao gồm Bơ 034 Sang Trọng (THT Sang Trọng, thị trấn Lộc Thắng), Sầu riêng Long Thủy (Công ty Long Thủy, xã Lộc An), Bơ 034 Dậu Loan (ông Nguyễn Văn Dậu, thị trấn Lộc Thắng), Dứa Lê Dương (Công ty Lê Dương, xã Lộc Bảo) và Măng cụt Bảo Lâm (THT Hải Nam, xã Tân Lạc). “Qua đánh giá, huyện Bảo Lâm đề nghị Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng công nhận 2 sản phẩm Dứa Lê Dương và Sầu riêng Long Thủy đạt hạng 4 sao, 3 sản phẩm Bơ 034 Sang Trọng, Măng cụt Bảo Lâm, Bơ 034 Dậu Loan tiệm cận hạng 3 sao. Sau đó, Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng đã công nhận Dứa Lê Dương và Sầu riêng Long Thủy đạt hạng 4 sao. Bơ 034 Sang Trọng, Măng cụt Bảo Lâm, Bơ 034 Dậu Loan sẽ tiếp tục hoàn thiện để đạt OCOP hạng 3 sao”, ông Nguyễn Quang Huy cho hay.
 
Dứa Lê Dương - sản phẩm OCOP của huyện Bảo Lâm
Dứa Lê Dương - sản phẩm OCOP của huyện Bảo Lâm
 
Để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, từng bước nâng tầm giá trị sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho người sản xuất, huyện Bảo Lâm xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, từ đó định hướng cho các địa phương, tổ chức, cá nhân lựa chọn sản phẩm nổi trội, thực sự có thế mạnh đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, huyện Bảo Lâm cũng thường xuyên trao đổi, giải đáp các vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình OCOP với các chủ thể, đồng thời cử chuyên viên nông nghiệp xuống cơ sở tư vấn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thành hồ sơ biểu mẫu, các yêu cầu pháp lý, hồ sơ minh chứng đủ điều kiện tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Ngoài ra, huyện Bảo Lâm còn tổ chức các hội nghị, những buổi trao đổi kinh nghiệm giữa các chủ thể nhằm làm rõ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chương trình OCOP,  gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Bảo Lâm. “Năm 2021, huyện Bảo Lâm có 3 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP, với 3 sản phẩm. Trong đó, 2 sản phẩm phấn đấu đạt hạng 4 sao, 1 sản phẩm đạt hạng 3 sao”, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm Nguyễn Quang Huy chia sẻ.
 
Dứa Lê Dương - sản phẩm OCOP của huyện Bảo Lâm
Cà phê GOT - sản phẩm OCOP của huyện Bảo Lâm
 
Theo ông Nguyễn Quang Huy, tham gia chương trình OCOP, ngoài việc được hỗ trợ nâng cao giá trị hàng hóa sản phẩm nông sản từ khâu sản xuất, quản lý chất lượng đến khâu tiêu thụ sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường, còn được ưu tiên trong quá trình vận chuyển đến nhà hàng, siêu thị. Chưa kể, việc tham gia chương trình OCOP còn mở ra cơ hội khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng tầm giá trị hàng nông sản, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững.
 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng sản phẩm OCOP, huyện Bảo Lâm cũng gặp phải một số khó khăn như chưa tạo được sự khác biệt giữa sản phẩm có chứng nhận OCOP và sản phẩm không có chứng nhận OCOP, số lượng chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP còn hạn chế, sản phẩm OCOP đầu tư cao nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng... Nguyên nhân là vì phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Bảo Lâm có quy mô sản xuất nhỏ, trình độ năng lực quản lý tài chính yếu, sản phẩm chủ yếu bán thô và tiêu thụ ở thị trường trôi nổi. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh từng bước đầu tư, nghiên cứu tiếp cận các hạng sao, song song với việc thực hiện nâng cao thương hiệu, giá trị của các sản phẩm OCOP”, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm Nguyễn Quang Huy nêu rõ.
 
TRỊNH CHU