Phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ thường trực

06:02, 05/02/2021

"Tôi tuyên bố, cuộc diễn tập chữa cháy rừng năm 2020 cấp tỉnh bắt đầu". Đó là mệnh lệnh của Tổng chỉ huy Nguyễn Khang Thiên - Phó Thường trực Ban chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh...

“Tôi tuyên bố, cuộc diễn tập chữa cháy rừng (CCR) năm 2020 cấp tỉnh bắt đầu”. Đó là mệnh lệnh của Tổng chỉ huy Nguyễn Khang Thiên - Phó Thường trực Ban chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, Chi cục trưởng Kiểm lâm Lâm Đồng phát ra từ loa, trước hơn 120 người tập trung tại Tiểu khu 226B, Phường 3, thành phố Đà Lạt, diễn ra tuần qua. 
 
Lực lượng tại chỗ chữa cháy bằng cách dùng cành cây dập lửa
Lực lượng tại chỗ chữa cháy bằng cách dùng cành cây dập lửa
 
Kịp thời và nhịp nhàng chữa cháy 
 
Cuộc diễn tập này thuộc gói thầu số 3 bao gồm nhiều nội dung: diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) cấp tỉnh; đào tạo, tập huấn cán bộ lâm nghiệp xã và các hộ nhận khoán; tập huấn kỹ thuật chữa cháy rừng cấp xã cho các tổ, đội bảo vệ rừng, PCCCR thôn bản của Dự án Nâng cao năng lực PCCCR tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020. Lực lượng tham gia diễn tập gồm kiểm lâm, đội ngũ bảo vệ rừng (BVR) chuyên trách của các công ty thuê đất, thuê rừng, lực lượng nhận khoán BVR, PCCCR của các đơn vị chủ rừng, dân quân, y tế và ban lâm nghiệp các xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Lạt. 
 
Đúng 9 giờ 30 phút, khi trời đã nắng lớn, lớp thực bì khô hẳn, cuộc diễn tập bắt đầu. Lửa phát cháy tại phía sườn đồi, độ dốc 5 - 100, bên những gốc thông cao từ 10 - 5 m, thuộc rừng trồng trên 10 tuổi, mật độ cây 1.000 - 1.100 cây/ha, thực bì cấp II-III, ít có cây tái sinh còn non. Đây là lô E Khoảnh 3 Tiểu khu 266B, Phường 3, lâm phần Ban Quản lý Khu Du lịch quốc gia (BQL KDLQG) hồ Tuyền Lâm quản lý. Lực lượng chữa cháy ban đầu là tổ, đội nhận khoán, sau đó tăng cường từ lực lượng của Ban Lâm nghiệp xã, chủ rừng và kiểm lâm địa bàn... Khói cháy ngày càng bùng lên cao, điện thoại báo cấp trên hỗ trợ. Thông tin về vị trí, tình trạng và dự báo khả năng đến Ban chỉ huy PCCCR các cấp theo từng tình huống ngày một cháy nghiêm trọng. Với 3 tình huống đầu, lực lượng chữa cháy chủ yếu huy động tại chỗ, từ con người đến phương tiện, thiết bị. Tình huống thứ 4 là sự tham gia ứng cứu của xe chữa cháy Đội Kiểm lâm cơ động (KLCĐ) & PCCCR số 1. Với vòi phun nước, lực lượng này đã dập tắt đám cháy, cháy ngún và khói chấm dứt. Tình huống cuối cùng là có người bị tai nạn trong lúc tham gia chữa cháy. Thủ trưởng đơn vị chủ rừng sử dụng điện thoại đề nghị lực lượng y tế tham gia cấp cứu. Xe cứu thương cùng nhân viên y tế tiếp cận hiện trường. Hai nhân viên y tế vừa tham gia diễn tập vừa thực hiện hướng dẫn cách sơ cứu người bị nạn cho tất cả lực lượng tham gia diễn tập chữa cháy trước khi chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế. 
 
Những bài học quý từ diễn tập 
 
Để triển khai cuộc diễn tập cấp tỉnh, trước đó nhiều tháng, Đội KLCĐ & PCCCR số 1 được Chi cục giao xây dựng kịch bản chi tiết. Đội trưởng Nguyễn Hoàng Hà cho biết: Nhiều hoạt động triển khai như Đội KLCĐ & PCCCR kết hợp với Hạt Kiểm lâm Đà Lạt thông báo cho UBND thành phố, Công an thành phố để phối hợp; thuê nhân công phát đường ranh cản lửa và gom thực bì; bố trí vật liệu tạo hiện trường cháy nhỏ. Cùng đó, phân công những Kiểm lâm có chức trách và kinh nghiệm bổ trợ kiến thức cho lực lượng tham gia CCR về hiệu lệnh xuất phát, hướng tiếp cận ngọn lửa, các thao tác tham gia chữa cháy... Như Chi cục trưởng Kiểm lâm Nguyễn Khang Thiên nhận định trong khai mạc diễn tập: Cháy rừng luôn khó khăn và đặc biệt tiềm ẩn những nguy hiểm, vì vậy sự phối hợp tổ chức chữa cháy một cách nhuần nhuyễn giữa các lực lượng là hết sức cần thiết. 
 
Buổi diễn tập CCR thực sự nâng cao cả nhận thức và kỹ năng về công tác quản lý BVR nói chung, PCCCR nói riêng đối với mỗi người. Ông Nguyễn Dũng, Tổ 19, Phường 3, lực lượng nhận khoán BVR nói: “Trước hết là kiểm tra thường xuyên các khu rừng mình nhận khoán, nhất là mùa khô; và kịp thời báo cáo cấp trên. Nếu đám cháy nhỏ thì anh em nhận khoán tự chữa còn nếu đám cháy lớn phải báo ngay cấp trên để kịp thời hỗ trợ”. Ông Nguyễn Thiên Tường đến từ Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng, doanh nghiệp có các điểm du dịch tại KDLQG hồ Tuyền Lâm như thác Datanla, Đường hầm điêu khắc,... cho biết: Doanh nghiệp có 15 người thuộc lực lượng QLBVR. Việc PCCCR được triển khai như lập chốt, treo biển hiệu, tuần tra, vào mùa khô thực hiện đốt thực bì... Trả lời câu hỏi của chúng tôi về mối quan hệ giữa tài nguyên rừng và phát triển du lịch, ông Tường nói: “Với Công ty, rừng là yếu tố quan trọng lắm, vì du lịch nếu không có rừng thì không phát triển được. Đơn vị luôn chăm sóc rừng để du khách đến có phong cảnh thưởng ngoạn...”. Chúng tôi cũng trao đổi với Giám đốc KDLQG hồ Tuyền Lâm, ông Phạm Văn Dân chia sẻ: Hiện tại trong KDL có 39 nhà đầu tư, với khoảng 200 người lao động. Các nhà đầu tư có thành lập tổ QLBVR chuyên trách và kiêm nhiệm. BQL KDLQG hồ Tuyền Lâm có lực lượng thường trực PCCCR, trong đó có đại diện các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Đặc biệt được Hạt Kiểm lâm Đà Lạt luôn quan tâm đến công tác QLBVR. Ông Dân cũng cho rằng, đầu tư công tác phòng cháy còn hạn chế từ các nhà đầu tư; những nơi chưa giao nhà đầu tư hoặc điểm dễ cháy cần Nhà nước tăng cường đầu tư. 
 
Đánh giá buổi diễn tập CCR cấp tỉnh, Tổng chỉ huy Nguyễn Khang Thiên nhận xét: “Hoạt động này đã giúp cho lực lượng diễn tập và đồng bào dự khán, các đại biểu tham dự nắm bắt được tình huống xảy ra sát với thực tế. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm về PCCCR cho cán bộ, Nhân dân nơi có rừng, tăng cường khả năng chỉ đạo, chỉ huy CCR ở cấp cơ sở. Mặt khác, diễn tập đã rút ra được các kinh nghiệm trong việc phối hợp giữa các lực lượng và việc huy động lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ...”. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, mùa khô 2019-2020 xảy ra 24 vụ cháy, với diện tích 105,72 ha. Trong đó, cháy rừng trồng 4 vụ/39,93 ha; cháy rừng tự nhiên 14 vụ/11,13 ha và cháy thảm cỏ cây bụi dưới tán rừng 6 vụ/54,66 ha (không thiệt hại tài nguyên rừng). So với mùa khô năm 2018 - 2019, số vụ cháy tăng 14 vụ/84,17 ha. Thông tin trên tiếp tục cảnh báo về công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh, vai trò của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ QLBV và phát triển rừng luôn đặt lên hàng đầu. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: mùa khô 2020 - 2021, Chi cục đã có ý kiến kỹ thuật đối với 36 hồ sơ phương án PCCCR của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh để các đơn vị làm cơ sở triển khai thực hiện. Gồm 8 công ty lâm nghiệp, 14 ban quản lý rừng, 2 vườn quốc gia và 12 ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020 các huyện, thành phố. 
 
MINH ĐẠO