Nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

05:08, 09/08/2021

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 14 ngày 8/10/2018 của Tỉnh ủy về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030, đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đức Trọng đã được nâng cao đáng kể. 

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 14 ngày 8/10/2018 của Tỉnh ủy về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030, đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đức Trọng đã được nâng cao đáng kể. 
 
Huyện Đức Trọng tổ chức gặp mặt, tặng quà người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhân dịp Tết Tân Sửu
Huyện Đức Trọng tổ chức gặp mặt, tặng quà người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhân dịp Tết Tân Sửu
 
Những năm qua, thực hiện công tác dân tộc, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, UBND huyện Đức Trọng; sự kết hợp đồng bộ, chặt chẽ và trách nhiệm giữa các phòng ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn; sự hưởng ứng nhiệt tình và tham gia tích cực về mọi mặt của các tầng lớp nhân dân; đến nay, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đức Trọng ngày càng phát triển; các chính sách đầu tư đã tác động rất lớn đến kinh tế, văn hóa, xã hội, phát huy được sự sáng tạo của người dân và toàn xã hội, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện.
 
Chỉ tính riêng trong 3 năm qua, tổng số vốn được bố trí và huy động để thực hiện các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đức Trọng đạt hơn 144 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, ưu đãi vay vốn, phát triển chăn nuôi, chuyển đổi giống cây trồng, chuyển đổi nghề nghiệp... Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho 3.071 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn với số tiền trên 118 tỷ đồng để bà con phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh, môi trường; giải quyết việc làm...
 
Từ Chương trình 135 của Chính phủ đã hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn với kinh phí 2,7 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, ưu tiên cho bà con là đồng bào dân tộc thiểu số. Đơn cử như gia đình chị K’Déo ở thôn Đoàn Kết, xã N’thol Hạ, được Nhà nước hỗ trợ vốn để đầu tư mua nong, né nuôi tằm và được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn kỹ thuật nuôi nên nghề nuôi tằm của gia đình chị phát triển, nuôi tằm đạt chất lượng cao, mỗi hộp tằm, gia đình chị thu gần 60 kg kén, với giá thu mua hiện nay dao động từ 135 đến 150 ngàn đồng/kg. Từ nghề nuôi tằm, mỗi tháng gia đình chị cũng có thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Chị K’Déo nói: “Được hỗ trợ vốn, rồi được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, kinh tế gia đình tôi cũng ổn định hơn, không còn ăn bữa nay, lo bữa mai như trước đây nữa, tôi rất mừng”.
 
Thực hiện chương trình khuyến nông, ngành chức năng của huyện đã hỗ trợ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất rau, hoa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích lúa kém hiệu quả sang canh tác rau màu và hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi. Nhờ có vốn hỗ trợ của Nhà nước, bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã có điều kiện phát triển kinh tế, làm ăn có lãi để cải thiện đời sống. 
 
Về chính sách hỗ trợ nhà ở, trong 3 năm qua, huyện Đức Trọng đã xây dựng, sửa chữa 43 căn nhà cho hộ nghèo, trong đó có 18 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở đã góp phần giúp hộ nghèo có nhà ở ổn định, từng bước nâng cao mức sống, phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo bền vững.
 
Cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế, hỗ trợ nhà ở, lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm cũng được UBND huyện quan tâm, thường xuyên chỉ đạo các trường vùng dân tộc tập trung nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Nhờ đó, chất lượng học sinh vùng dân tộc thiểu số được nâng lên, hàng năm tỷ lệ lên lớp đạt trên 99%; tỉ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, tốt nghiệp THCS trên 99,5%. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã tổ chức 22 lớp nghề cho 505 lao động nông thôn với số tiền 749 triệu đồng, trong đó có 233 lao động là người dân tộc thiểu số. Thông qua nhiều hình thức như vay vốn, xuất khẩu lao động, làm việc tại các khu công nghiệp, chế biến trong và ngoài tỉnh, tại các khu trang trại gia đình,... huyện Đức Trọng đã giải quyết việc làm cho 12.096 người, trong đó có 3.992 người dân tộc thiểu số. 
 
Nhờ có sự quan tâm, đầu tư của nhà nước và ý thức tự vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số nên đời sống của bà con được cải thiện, thu nhập bình quân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tăng 6% từ 36,98 triệu đồng/năm vào năm 2019 lên 39,46 triệu đồng/năm vào năm 2020; số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm từ 296 hộ năm 2019 xuống còn 173 hộ vào năm 2020. Bà con ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
 
Có thể thấy, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 14 của Tỉnh ủy, đến nay kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đức Trọng ngày càng phát triển, đời sống của bà con từng bước được cải thiện. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, từ đó chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.
 
NHẬT MINH