Giữ rừng ở làng Ðưng Iar Jiêng

04:09, 09/09/2021

Một đêm trời tối đen như mực, gió ầm ào rít qua những rặng thông già. Những nhân viên kiểm lâm Trạm Đưng Iar Jiêng tranh thủ thời gian ca trực ghi chép một số thông tin tuần tra rừng...

Một đêm trời tối đen như mực, gió ầm ào rít qua những rặng thông già. Những nhân viên kiểm lâm Trạm Đưng Iar Jiêng tranh thủ thời gian ca trực ghi chép một số thông tin tuần tra rừng. Họ nghe tiếng ai đó gõ dồn ổ khóa lên thành cổng sắt. Nhìn ra cổng, thấy Đơngura Hiệp, một thanh niên trong làng Đưng Iar Jiêng chạy ra đứng thở dốc. 
 
Con cháu người trong làng Đưng Iar Jiêng đi tuần tra rừng
Con cháu người trong làng Đưng Iar Jiêng đi tuần tra rừng
 
“Đi mau đi, chiều nay có tiếng xe máy kéo đoàn phía sau lưng buôn, cả chục người đó”, Đơngura Hiệp hối thúc. Cả trạm vội lên đường. Hiệp lại dẫn cả đoàn đi theo hướng anh nghi có “lâm tặc” vừa vào. Lúc này anh đã đi cà nhắc, tay rỉ máu do té trong đêm.
 
DANH DỰ NGƯỜI CIL
 
Chiều hôm đó, Đơngura Hiệp đang ăn cơm trên nhà sàn ở trong làng Đưng Iar Jiêng - ngôi làng nhỏ chỉ có 37 nóc nhà của người Cil (một nhánh của dân tộc K’Ho, nằm giữa vùng lõi của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, huyện Lạc Dương) thì già Ha Clas (67 tuổi) - một trong 7 người cao niên của làng gọi vội ra trạm kiểm lâm báo động bởi già mới nghe có tiếng xe máy chạy vào đây.
 
Ra đầu làng lắng tai một hồi, Hiệp xỏ đôi ủng nhựa vọt đi ngay. Buổi sáng, Hiệp mới từ ngoài xã Đa Nhim (người làng Đưng Iar Jiêng hầu hết đều có hộ khẩu tại xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương) vào làm ruộng ở làng, xe máy của Hiệp đứa em đã mang ra lại xã để làm việc khác. Muốn đi tới nơi phải mấy 3 giờ vừa đi vừa chạy nhưng thanh niên này vẫn không chần chừ. Đêm đen kịt, cây đèn đội đầu quá nhỏ để soi rõ lối đi trong rừng. Hiệp kể lại: “Vội quá nên em té mấy lần, may mà không bị lăn xuống vực”. 
 
Nhờ có Hiệp dẫn đường nên rạng sáng lực lượng kiểm lâm Trạm Đưng Iar Jiêng đã đến được nơi “lâm tặc” hạ trại cưa máy. Nơi họ định hạ trại nằm giữa một khu rừng có hàng chục cây bạch tùng, du sam. Toàn là những loại cây quý có tên trong Sách Đỏ. Cán bộ Trạm Kiểm lâm Đưng Iar Giêng bảo những loại cây này giữ như giữ vàng. May mà có mặt kịp thời yêu cầu họ giải tán. Đó là một trong nhiều câu chuyện giữ rừng cách đây nhiều năm của bà con người Cil tại làng Đưng Iar Jiêng.
 
Những câu chuyện người Cil ở làng đã giúp Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà giữ rừng nhiều như những ngày tháng mà họ đã sống ở vùng lõi của rừng già. Và lần nào sự nhiệt tình cũng không hề giảm đi. Như các già ở buôn làng nói thì đó là cách họ biết ơn những người đã cho họ được sống trên mảnh đất tổ tiên. Già Ha Clas kể chuyện giữ rừng với lời lẽ đầy tự hào dù không được ai giao trách nhiệm: “Thấy có người lạ mình tìm cách nhắn với cán bộ. Nhiều khi mình vờ hỏi han rồi mình bảo, ở hướng đó cán bộ mới vào để họ nhụt chí bỏ đi”. 
 
Con cháu người trong làng Đưng Iar Jiêng đi cuốc cỏ tranh để bảo vệ những cây thông con trong vùng lõi Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà
Con cháu người trong làng Đưng Iar Jiêng đi cuốc cỏ tranh để bảo vệ những cây thông con trong vùng lõi Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà
 
Còn già Ha Sa (66 tuổi) đưa chúng tôi ra cánh rừng bao bọc xung quanh làng. Rừng trồng xanh ươm. “Khi chúng tôi tới đây nguyên cả vạt rừng đó cháy trụi rồi, không biết ai phá nhưng chúng tôi nhận trồng, Nhà nước cho giống”, già Sa kể. Đã gần 30 năm tái lập làng ngay vùng lõi Bidoup - Núi Bà, làng không rộng hơn, không nhỏ hơn, mọi người sống vỏn vẹn trong khu đất có suối bao bọc. Con suối ấy là ranh giới giữa vùng sinh sống của người dân với rừng. “Người làng không có ai được bước qua suối để hạ một cái cây” - già Sa nói giọng sang sảng. 
 
Với già Sa, người dân tộc Cil sống dưới tán rừng Bidoup - Núi Bà, đang mang một nỗi oan. Những cây rừng hạ xuống ở đâu đó trong rừng, nhiều lời đổ vấy cho người đồng bào. “Chúng tôi không hạ cây rừng nhiều như vậy, cây già đổ ngã chúng tôi dùng nhưng không bao giờ tự hạ cây. Tổ tiên chúng tôi giờ hóa thành cây rồi. Sao dám chạm vào cây” - già Sa nói.
 
“ĐỘI ĐẶC NHIỆM”
 
Một lãnh đạo Trung tâm sinh thái Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà gọi những người ở làng Đưng Iar Jiêng và con cháu họ đang sống ở xã Đa Nhim là những người giữ rừng chuyên nghiệp và ví von họ là “đội đặc nhiệm” giữ rừng. Vườn Quốc gia có 32 loài động vật, 62 loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ nên sức hấp dẫn của rừng với “lâm tặc” không thể đo đếm được. Và những người làng Đưng Iar Jiêng cùng con cháu của họ sinh sống tại xã Đa Nhim đã được giao khoán bảo vệ rừng hàng trăm ha trong lõi Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Nhờ có họ mà cánh tay của lực lượng kiểm lâm được nối dài, len lỏi khắp cánh rừng bạt ngàn, mênh mông. 
 
Theo già Kơ Sá Ha Thanh trong làng Đưng Iar Jiêng kể, ban đầu chỉ những người trong làng nhận làm liên lạc và đi tuần tra rừng cùng cán bộ kiểm lâm. Nhưng sau này, cán bộ cần thêm người để trồng những khoảnh rừng đã mất thì con cháu của người dân trong làng đang sống ngoài Đa Nhim cùng tham gia. Chúng tôi có mặt trong mùa đốt cỏ để chống cháy lớn. Già Kơ Sá Ha Thanh cùng hai người cháu mình nhận dọn một khoảng rừng hơn 30 ha. Đốt cỏ thì dễ nhưng đốt sao để những cây thông con mới trồng chỉ cao ngang gối không bị chết mới là điều khó. 
 
Già Ha Clas (67 tuổi) dựng một chòi canh cháy rừng  ngay trên nền đất làng Đưng Iar Jiêng
Già Ha Clas (67 tuổi) dựng một chòi canh cháy rừng ngay trên nền đất làng Đưng Iar Jiêng
 
Già Thanh cùng hai cháu trai cuốc lật đất rồi trồng những cây thông con xuống bên dưới. “Lửa cháy cỏ nhưng không cháy được cây thông nhờ lớp đất ẩm phủ bên trên. Lửa cháy qua rồi chúng tôi lại đi bới đất để kéo cây thông con ra”, già Thanh kể lại công việc của mình. Việc này cứ lặp đi lặp lại với hàng chục nghìn cây thông trong nhiều năm liền. Ông vòng tay vỗ vào lưng mình, bảo: “Nâng niu cây thông muốn gãy cái lưng này, chỉ mong mưa xuống tới đâu thông lên tới đó. Chết một cây là uổng công buôn làng”. Già Thanh là người đã trồng và giữ được khoảnh rừng thông 40 ha đã được 10 năm tuổi. 
 
Già Ha Clas nói với chúng tôi đã thuộc từng gốc thông đỏ trong phạm vi 8 km đường chim bay. Ông thuộc từng cây bạch tùng, kim giao cổ thụ trong rừng. Mỗi ngày ông đi đến một đỉnh núi cao, vươn tầm mắt ra xa nhìn tán cây thuộc phạm vi bảo vệ của mình. Có động tĩnh bất thường ông sẽ đi báo kiểm lâm hoặc tới tận nơi xem chuyện gì đang xảy ra. Có lần đứng từ xa ông nghe tiếng thậm thình từ hướng khoảnh rừng ông đang trông coi. Ông cắt rừng chạy tới thì thấy một đám lố nhố người đang đốn hạ một cây thông và đang làm khung chuẩn bị hạ bạch tùng. Nhắm sức ông không thể ngăn được vụ bức tử cây rừng, ông lẳng lặng chạy về hướng trạm kiểm lâm. Đang chạy thì gặp một thanh niên cũng là con cháu người trong buôn đi bằng xe máy. Già Ha Clas liền nhắn thanh niên này chạy xe theo đường mòn và cấp báo cho kiểm lâm. Nhờ đó, vụ phá rừng đã được chặn đứng.
 
Những ngày đầu mùa khô cao nguyên, không khó để gặp toàn bộ “đội đặc nhiệm” thân thiết với Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Sáng đầu tuần, những thanh niên trai tráng, con cháu của những người trong buôn tập trung trước Trạm kiểm lâm Đưng Iar Jiêng để nắm địa điểm tuần tra rừng, trồng rừng. Trên xe đầy đủ rựa phát, cuốc, thuổng. Cứ thế họ đi hàng giờ đồng hồ vào rừng. Đi ngang qua làng Đưng Iar Jiêng, ghé vào nhà người thân mang thêm gạo cho cả tuần rồi cứ thế đi sâu vào rừng. Có nhóm đi theo con đường mòn dẫn vào khoảnh rừng xanh mướt để kiểm tra, chăm sóc. Có nhóm đi vào khoảnh rừng nhiều phần trơ trụi. Họ ở đó cả tuần rồi đi ra. Vài năm sau, nơi ấy rừng lên xanh.
 
GIA THỊNH - CHÍNH PHONG