Đạ Chais chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa lũ

06:11, 05/11/2021

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương) đã triển khai thực hiện phương án phòng, chống thiên tai...

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương) đã triển khai thực hiện phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ và 3 sẵn sàng” bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc được liên tục… hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân khi có tình huống thiên tai xảy ra.
 
Cây cầu mới qua suối Klong Klanh được khánh thành đầu tháng 11/2021
Cây cầu mới qua suối Klong Klanh được khánh thành đầu tháng 11/2021
 
Đầu tháng 11/2021, cùng với niềm phấn khởi chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cà phê, người dân trên địa bàn thôn Long Lanh cũng vui mừng khi cây cầu treo bắc qua suối Klong Klanh vừa được khánh thành. Cách đây tròn 1 năm, tại cây cầu này đã xảy ra vụ việc nhóm du khách từ TP Hồ Chí Minh, đang trên đường trải nghiệm tuyến leo núi Bidoup trở về, khi đang đi qua cầu treo bắc ngang suối, đầu nguồn sông Đa Nhim, thì nước lũ dâng cao khiến sáu người gặp nạn. Trong đó, hai người may mắn được cứu kịp thời, bốn người bị lũ cuốn, sau đó cây cầu cũng bị cuốn trôi, hư hỏng. 
 
Ngoài nối tuyến đường trải nghiệm của Vườn quốc gia, cây cầu còn là đường vào khu sản xuất rộng hơn 50 ha của hàng chục hộ dân. Chị Kon Xa Ka Dân, Trưởng thôn Long Lanh cho biết, việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sản xuất của bà con. Trong 1 năm qua, chỉ khi nước cạn người dân mới có thể lội bộ qua suối. 
 
“Nhiều người muốn đi làm nhưng nước lớn thì cũng đành chịu, hoặc phải đi bộ đường vòng, rất xa. Những năm trước cũng không khá hơn vì mỗi lần mùa mưa là thấp thỏm vì nước dâng cao. Vì thế nay có cây cầu mới, người dân ai cũng vui mừng. Cây cầu mới xây cao hơn hẳn vị trí cũ, lại chắc chắn, người dân chúng tôi yên tâm hơn trong mùa mưa lũ”, chị Ka Dân cho biết thêm.
 
Ông Liêng Jrang Ha Thuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Chais cho biết, người dân trên địa bàn sống dọc theo các con suối. Những năm trước mưa lũ nhiều, nước thường xuyên dâng cao qua mặt cầu, chia cắt địa bàn dân cư. Để chủ động ứng phó các loại hình thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã cùng các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; tăng cường công tác phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ.
 
UBND xã cũng đã mua sắm, huy động các phương tiện, trang thiết bị thông dụng và chuyên dụng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương để thực hiện nhiệm vụ khi xảy ra thiên tai. Tổ chức và duy trì trực ban để nắm diễn biến tình hình, đề phòng tình huống xấu và chuẩn bị phương án ứng phó, đồng thời theo dõi và thông tin kịp thời diễn biến tình hình thời tiết, cảnh báo thiên tai cho Nhân dân trong khu vực biết để kịp thời ứng phó. 
 
Theo ông Ha Thuyên, ngay từ đầu mùa mưa, các cơ quan, đơn vị, các thôn đã vận động Nhân dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ, suối, hồ… làm ách tắc dòng chảy, hạn chế đến việc tiêu thoát nước; đề xuất chặt tỉa, đốn hạ cây xanh không an toàn; cắm biển cảnh báo tại những khu vực xung yếu, khu vực nguy cơ cao để cảnh báo. Đồng thời, triển khai thực hiện phương án phòng, chống lũ, lụt; rà soát các khu dân cư đang sống dọc ven sông, suối, vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ sạt lở…, thông báo tình hình mưa lũ để Nhân dân chủ động ứng phó, hạn chế đi lại trong vùng ngập lũ…
 
“Chúng tôi thường xuyên cảnh báo Nhân dân khi xây dựng công trình phải tính toán đến thiên tai, tập trung theo dõi, nắm chắc các khu vực có nguy cơ sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời. Hình thức truyền thông từ xã đến các thôn qua hệ thống truyền thanh không dây của xã, loa cầm tay trực tiếp đi tuyên truyền lưu động”, ông Ha Thuyên cho biết thêm.
 
Chính quyền địa phương cũng chủ động cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng chốt chặn ở những đoạn đường bị ngập sâu, cấm người, phương tiện qua lại ở những đoạn đường bị ngập, những nơi có dòng nước chảy xiết và các khu vực nguy hiểm; bảo vệ hệ thống, phương tiện thông tin liên lạc, thiết bị điện; ngăn ngừa và báo cáo ngay cơ quan chuyên môn khắc phục sửa chữa ngay khi xảy ra sự cố đường dây tải điện. Đối với các công trình đang xây dựng dở dang, chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình trước, trong mùa mưa bão. Hơn hết là nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn.
 
HỒNG THẮM