Xin chữ đầu xuân : Hồi sinh một nét đẹp văn hóa truyền thống

06:20, 01/02/2023

Tục xin chữ có từ xa xưa, là hình ảnh gần gũi một thời đã đi vào thi ca. "Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua"... Câu thơ trong bài "Ông đồ" của nhà thơ Vũ Đình Liên đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ người Việt về một hình ảnh đẹp - hình ảnh thầy đồ cho chữ mỗi độ Tết đến, xuân về.

Xin chữ trong không gian truyền thống
Xin chữ trong không gian truyền thống

Từ xưa, thói quen xin chữ trong những ngày đầu năm mới của người dân Việt Nam đã trở thành một thường lệ quan trọng trong mỗi gia đình. Việc xin chữ đầu năm với mong muốn cả năm may mắn, bình an, phúc - lộc - thọ tràn ngập với chính mình và người thân. Người xin chữ sẽ xin lên tấm giấy một con chữ thể hiện cho những điều mà mình ước vọng. Ngoài ra, họ còn muốn xin cái đức độ, tài năng của thầy đồ, được treo những con chữ không chỉ mang ý nghĩa cao đẹp mà còn là những nét bút như bức họa, như rồng bay, phượng múa, gửi gắm cả tâm tư, tình cảm của người thủ bút. Sau khi đã xin được chữ thì thầy đồ sẽ giảng giải ý nghĩa của từng nét chữ để người xin hiểu hết được những ý nghĩa sâu sắc trong đó.

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng/ Người xin chữ nay đâu/ Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu”... Những câu thơ cũng đã cho thấy một thời gian dài, tục xin chữ bị rơi vào quên lãng theo bước thăng trầm của thời cuộc. Bẵng đi một thời, để rồi những năm gần đây, phong trào viết thư pháp, chơi thư pháp, tục xin chữ đã được hồi sinh mạnh mẽ. Đó là minh chứng cho truyền thống hiếu học, yêu chữ nghĩa, yêu cái đẹp, yêu nghĩa cả cùng khát vọng lớn lao của một dân tộc không dễ gì mất đi. 

Xin chữ thư pháp thường bằng từ Hán Việt, xưa các cụ viết chữ Hán, nhưng ngày nay, đa số được thay thế chữ Quốc ngữ, dễ đọc, dễ hiểu. Tùy vào nguyện vọng của mỗi người, họ sẽ xin mỗi con chữ khác nhau. Người lớn thích xin các chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “An Khang”, “Cát Tường” nhằm cầu mong sự bình yên cho gia đình con cháu. Người đi học thường xin chữ “Trí”, “Tài”, “Nhẫn”. Người buôn bán, kinh doanh xin chữ “Hưng”, “Thịnh”, “Phát”, “Tín”, “Vượng”, “Phát Tài”, “Phát Lộc” mong cho công việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió. Người thành đạt xin chữ “Nhẫn” để cầu tỉnh táo, “Công thành danh toại” để thăng quan, tiến chức. Người trung niên xin chữ “Tâm”, “Đức”. Thanh niên nam nữ xin chữ: “Danh”, “Duyên”, “Hiếu”, “Trung”, “Nghĩa”, “Lễ” để mong duyên lành, để răn mình, để hướng tới. Xin chữ “Thọ” để mừng các bậc cao niên. Các bạn học sinh thường xin chữ “Trí tuệ”, “Minh”, “Thành”, “Đạt”, “Đăng Khoa” để cầu học hành tấn tới. Ngoài ra, còn có những lời cầu chúc phổ biến như: “Chúc mừng năm mới”, “Mã đáo thành công”, “Phúc lộc song hoàn”, “An khang thịnh vượng”, “Tân niên hạnh phúc”, “Ngũ phúc lâm môn”, “Vạn sự như ý”... 

Bên cạnh những chữ, nhiều câu thơ hay, nhiều ý tứ đẹp cũng được nhiều người ưa chuộng như các câu châm ngôn về mối quan hệ gia đình, về quan hệ xã hội như: “Mỗi đêm con thắp đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con”; “Nước biển mênh mông không sánh bằng tình mẹ. Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”, “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gian khổ cuộc đời không nặng gánh bằng cha”, “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”...

 Trước mong muốn của người xin chữ, người cho chữ tùy tâm trạng, tùy hoa tay có thể tạo ra những hình tượng lạ mắt; những ước vọng tốt đẹp cho một năm mới hạnh phúc, bình an được lồng trong những nét mực uyển chuyển. Không khó để bắt gặp trong mỗi ngôi nhà, mỗi tổ ấm gia đình, những bức tranh chữ viết trên nền giấy đỏ chứa đựng ý nghĩa được treo trang trọng được chủ nhà nâng niu, ngắm nhìn mỗi ngày.

Bên cạnh những “ông đồ” còn có nhiều “bà đồ”
Bên cạnh những “ông đồ” còn có nhiều “bà đồ”

Ở Lâm Đồng, tục xin chữ đầu năm cũng dần được khôi phục mạnh mẽ cùng với 2 câu lạc bộ (CLB) thư pháp ra đời quy tụ hơn 20 “ông đồ” thủ bút cho chữ. Các tay bút Mưu Lê, Nguyễn Mậu Pháp, Giang Phong đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng công chúng yêu chữ nghĩa.

Nhớ Tết Nguyên tiêu Đinh Hợi (2007), các nhà thư pháp Đà Lạt đã thả cho gió cuốn đi lên trời đêm 60 câu thơ được viết bằng thư pháp. CLB Thư pháp Đà Lạt thành lập với gần 10 nhà thư pháp. Nhà thư pháp Lê Văn Mưu (Mưu Lê) được bầu làm chủ nhiệm CLB. Với phương châm “Vui là chính”, ngay Tết đầu tiên ra đời, đúng vào ngày mồng 1 Tết Mậu Tý (2008), CLB đã tổ chức khai bút đầu năm, thu hút đông đảo công chúng đến với thư pháp, xin chữ. Mới đầu lạ, dần hình ảnh những “ông đồ” khăn đóng, áo dài trổ tài bằng nét bút bay bổng trên nền giấy điều đã trở nên quen thuộc trong các sự kiện như Ngày thơ Việt Nam, hội sách, hội báo xuân...

Hơn 20 năm viết thư pháp, nhà thơ Mưu Lê mang nét bút đẹp đến cho đời, ông “cho chữ” đúng nghĩa và dành cả tấm lòng, tình yêu trong từng con chữ mà không mong cầu lấy bất cứ đồng thù lao nào từ người xin chữ. Nhà thư pháp Nguyễn Mậu Pháp (Ngũ Hành Sơn) là thầy giáo, vừa “trồng người” vừa gieo cái đẹp đến cho đời bằng việc cho chữ. Tham gia CLB Thư pháp Đà Lạt ngay từ ngày đầu ra đời, 15 năm qua, ông đã thủ bút hàng ngàn con chữ với lời hay, ý đẹp, từng nét bút như thả hồn, thả tâm tư của mình gửi tặng người yêu chữ nghĩa. Song song cùng thư pháp chữ Quốc ngữ, ông còn viết cả chữ Hán làm cho bức thư họa mang thêm nét đẹp hoài niệm thấm đẫm hồn xưa. 

Cách đây một năm, CLB Thư họa Bảo Lộc được thành lập với 11 thành viên do họa sĩ Ngô Quang Vinh (Giang Phong) làm Chủ nhiệm. Đặc biệt, trong dịp Tết Quý Mão 2023 này, lần đầu tiên ở Lâm Đồng, “Phố ông đồ” được CLB tổ chức tại Bảo Lộc đã giới thiệu nhiều tác phẩm thư pháp độc đáo, các hoạt động cho chữ - xin chữ, thiết thực đưa nghệ thuật thư pháp đến gần hơn với công chúng yêu cái đẹp, phát huy nét đẹp của thư pháp Việt.

Bên cạnh đó, một lớp người trẻ tuổi đang làm sống dậy phong trào viết thư pháp. Tại chợ đêm Đà Lạt, những “ông đồ” trẻ với những nét chữ hiện đại, vừa cho chữ, vừa vẽ chân dung ký họa trên phố đi bộ. Không chỉ có “ông đồ” còn xuất hiện cả “bà đồ” cùng mặc áo dài viết thư pháp đã cho thấy việc cho chữ trong tục xin chữ xưa giờ đây không còn bó hẹp trong khuôn khổ giới tính như thời Nho học. Từ tiền giấy mực, nhiều người trẻ cũng sống được bằng nghề cho chữ. 

Cùng với tục khai bút đầu năm, tục xin chữ thể hiện nét đẹp văn hóa, tinh thần hiếu học, trọng chữ nghĩa của người Việt đang được hồi sinh. Những ước vọng đầu xuân được gửi vào những câu đối, câu chúc, lời hay ý đẹp bằng mực tàu trên giấy đỏ được viết bằng chữ Quốc ngữ là những món quà tinh thần chào đón năm mới, đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam. 

QUỲNH UYỂN