Triển lãm mỹ thuật “Tay níu thời gian” của họa sĩ Bửu Chỉ

QUỲNH UYỂN 12:23, 27/03/2023

(LĐ online) - Trong 2 tháng từ 26/3 - 26/5/2023, công chúng yêu nghệ thuật hội họa có dịp được thưởng lãm tranh của họa sĩ Bửu Chỉ (1948 - 2002) tại triển lãm “Tay níu thời gian” diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Villas Dalat nhân 20 năm ông rời cõi tạm.

Chân dung họa sĩ Bửu Chỉ (1948 - 2002)

Triển lãm “Tay níu thời gian” được khai mạc chiều tối ngày 26/3 đã giới thiệu 30 tác phẩm của họa sĩ Bửu Chỉ được sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau như sơn mài, vải bố, giấy, sơn dầu. Đa số các tác phẩm được mượn từ các nhà sưu tầm trong nước và chỉ có một số ít từ gia đình của tác giả lưu giữ được. 

Có thể dễ dàng nhận thấy hình ảnh mặt trăng mặt trời trở đi trở lại trong tranh của Bửu Chỉ; hình ảnh những chiếc ly đập vào trực giác người xem nhiều cảm xúc: sum vầy, đoàn tụ, viên mãn, hạnh phúc, vỡ vụn, tổn thương, bất an, cô độc; hình ảnh những chiếc đồng hồ xô lệch, méo đi đưa đến xúc cảm về dòng thời gian.  

Họa sĩ Bửu Chỉ sinh ra trong gia đình dòng dõi vua chúa triều Nguyễn, nhưng ông sớm dấn thân vào cuộc đấu tranh của sinh viên Huế đòi hòa bình từ năm 1968 với khẩu hiệu sáng tác “Nghệ thuật đứng về phía nước mắt”. 

Khai mạc triển lãm

Là Tổng thư ký “Hội sinh viên sáng tác Huế”, tuổi chưa đến đôi mươi, họa sĩ Bửu Chỉ đã vẽ bộ tranh “Tiếng thét từ lòng đất” có tác động mạnh đến tinh thần đấu tranh của tuổi trẻ. Tốt nghiệp Trường Luật Huế năm 1971, năm 1972 ông bị bắt giam vì tham gia phong trào chống chiến tranh của học sinh sinh viên. Hơn 3 năm trong nhà tù Chí Hòa, ông tiếp tục vẽ trên bất cứ chất liệu nào tìm được như hộp bao thuốc lá, diêm, giấy, que tre với khát khao một đất nước hòa bình, tự do. Tác phẩm của ông được bí mật đưa ra ngoài xuất hiện trên các ấn phẩm phản chiến ở Châu Âu và Bắc Mỹ. 
Đất nước thống nhất, tranh của Bửu Chỉ đã vượt không gian, nổi tiếng trên thế giới qua hàng chục triển lãm quốc tế vào cuối những năm 80 - 90 của thế kỷ trước. 
Tranh của ông gắn liền với hơi thở thời cuộc. Tác phẩm thời chiến và hậu chiến, đó là nỗi bất an, dày vò, niềm u ám, ảm đạm; tranh giai đoạn đất nước mở cửa đổi mới tươi hơn, lãng mạn hơn, tình hơn, thơ hơn, mộng mơ hơn.

Họa sĩ Bửu Chỉ quan niệm “Người nghệ sĩ không chỉ nhìn cuộc đời mà phải sống với cuộc đời. Trước khi là Cái Đẹp, tác phẩm hội họa phải là Sự Thật. Tác phẩm hội họa biểu hiện phần cuộc đời bị bóng tối khuất lấp, là cảm nhận của người nghệ sĩ về sự thật”. Tranh ông giàu triết lý nhân sinh, chủ đề tranh chủ yếu đề cập đến con người, triết lý về phận người, về sự tồn tại nhưng lại được thể hiện một cách tài tình, gây ấn tượng mạnh đối với người xem.

Triển lãm đưa đến công chúng những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật, đồng thời giúp công chúng Đà Lạt hiểu hơn những đóng góp của một họa sĩ tài năng cho nền mỹ thuật nước nhà.

Một số tác phẩm hội họa của họa sĩ Bửu Chỉ gây ấn tượng: