Cần một hành trình dài cho phát triển văn hóa đọc

VÕ THU HƯƠNG 05:27, 20/04/2023

Có một thế hệ nhà văn trẻ 8X không coi việc lao động văn chương là đơn độc trên trang viết. Họ có những hoạt động sôi nổi bên ngoài trang viết, đến tận các trường học, vùng quê, vùng sâu, vùng xa giao lưu cùng các em học sinh, độc giả để lan tỏa văn hóa đọc, tình yêu văn chương đến mọi người. Công việc ấy song hành với sáng tạo. Trong những ngày hướng tới Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), cùng nghe họ chia sẻ về việc lan tỏa những giá trị đẹp đẽ này.

Giao lưu giới thiệu sách thiếu nhi tại TP Buôn Ma Thuột
Giao lưu giới thiệu sách thiếu nhi tại TP Buôn Ma Thuột

Nhà văn Tiểu Quyên (Nhà văn đoạt Giải thưởng Sách quốc gia):

Tiểu Quyên thường nhiều lần đi giao lưu với các em nhỏ ở TP Hồ Chí Minh. Mới đây có đến Buôn Ma Thuột, Vũng Tàu... Mỗi khi đến với các em, tôi cảm thấy vui khi được truyền những năng lượng tích cực, những giá trị của việc đọc sách, góp một phần nhỏ trong việc truyền cảm hứng cho các em trong việc đọc và việc học văn trong nhà trường. Điều có ý nghĩa với nhà văn khi đến với những cuộc giao lưu là được trao đi những điều giá trị mà có khi mình không chuyển tải trong tác phẩm của mình. Điều ấy không chỉ có ý nghĩa với một cá nhân mà còn với cả cộng đồng. Tôi cảm thấy tất cả mọi người cùng kì vọng vào một thế hệ mới lớn lên cùng trang sách. Tôi nghĩ mọi người tổ chức tặng sách về vùng sâu, vùng xa hay tổ chức nói chuyện ở các trường, các địa phương cũng vì mục đích chung đó. 

Đối với độc giả, nhất là độc giả nhỏ tuổi, mỗi bạn có cách tiếp cận, đón nhận khác nhau và đều cần sự định hướng từ người lớn. Trong quá trình đến với các em, tôi thường nói rất nhiều điều mình muốn chia sẻ và chỉ cần độc giả của mình nhận về một điều gì đó giá trị đối với các em cũng đã là điều rất đáng mừng rồi. Ví dụ như, có thể nhen lên trong các em niềm yêu thích đọc sách trong nhà trường, niềm tin tưởng về những điều tốt đẹp trong tương lai hay cho các em động lực để suy nghĩ những điều lí tưởng, khát vọng, hoài bão cuộc đời mình... Bởi vì tôi cũng từng là một đứa trẻ lớn lên, tôi hiểu những lời động viên, những lời tâm tình, những trao gởi của người lớn có nhiều ý nghĩa như thế nào với trẻ nhỏ. Những điều tưởng như bé nhỏ ấy nhưng vô cùng quý giá.

Tháng 4 này, tôi tham gia giao lưu về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam ở Buôn Ma Thuột. Khi giao lưu, hỏi các con những câu hỏi khá khó về biển, đảo, vẫn có những em nhỏ trả lời đúng. Con bảo do bố con nói cho con biết, do con thích tìm hiểu về biển, đảo... Những điều ấy khiến tôi rất vui mừng vì thấy người lớn đã quan tâm, tạo những nấc thang tri thức vững chắc để con bước đi. Bước trên những bậc thang ấy, chắc chắn con sẽ đi đúng hướng, sẽ trưởng thành.

Nhà văn Tống Phước Bảo (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam):

Theo tôi nghĩ, việc các nhà văn đến các trường học thiết thực và rất cần được lan tỏa bởi chính nhờ các cuộc giao lưu khiến khoảng cách giữa nhà văn với các em học sinh xích gần lại. Chúng ta thấy văn học trong nhà trường ngày nay phần lớn nằm ở lý thuyết và không hấp dẫn các em. Việc các cuộc giao lưu tại các trường học của các nhà văn đôi khi sẽ giúp các em có hứng thú hơn, hiểu hơn về văn học. Điều quan trọng là từ các cuộc giao lưu này, các nhà văn cũng lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng hay sở thích của các em, để khi sáng tác chúng ta có thể tạo nên tác phẩm gần gũi, cuốn hút và chinh phục các đối tượng độc giả này.

Gần đây, tôi có các cuộc giao lưu với các em học sinh, khi được hỏi nhà văn trong mắt các em như thế nào thì các em rất hồn nhiên trả lời là nhà văn là người rất cao siêu. Và chẳng ai trong mấy trăm học sinh ngồi bên dưới lựa chọn nhà văn khi được hỏi có muốn làm nhà văn không. Điều này rất đáng để chính bản thân tôi và các nhà văn suy ngẫm. Giữa thời đại thế giới phẳng với sự phát triển đa nền tảng của công nghệ, làm sao để văn chương thu hút các em, và làm sao để luôn có một thế hệ nhà văn trẻ tiếp nối thế hệ đi trước? Câu hỏi này khiến tôi luôn trăn trở.

Vài năm trở lại đây, văn hóa đọc được phổ biến và lan tỏa bởi các định hướng từ cơ quan nhà nước, cũng như các chương trình được thực hiện rất đa dạng và đổi mới, thu hút sự quan tâm của người yêu sách, độc giả và nhiều phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, chúng ta đang làm tốt phần lễ hội, chứ chưa đi sâu vào phần chất. Nhiều chương trình từ lớn đến nhỏ được tổ chức nhân Tuần lễ Văn hóa đọc, nhưng phần nổi đó rộn ràng, đa dạng, sinh động, vui tươi nhưng sau đó thì mạnh ai nấy về. Chưa có một chương trình hành động về lâu dài bởi văn hóa đọc không chỉ hô hào 1 ngày, 1 tuần, mà nó cần đi vào hành động xuyên suốt, bền bỉ bằng nhiều cuộc hội thảo, giao lưu, đến các vùng sâu, vùng xa đang thiếu sách, hay ngay cả các thư viện cộng đồng sách tại các đô thị vẫn chưa có mật độ dày. Chúng ta nói nâng tầm văn hóa đọc, nhưng chỉ làm có 1 tuần thật rộn ràng còn lại hơn 300 ngày sau đó thì sao? Tôi nghĩ nên chia ra, trải đều từng tháng, mưa dầm thì sẽ thấm lâu.

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (Giải thưởng Nhà văn nữ Ấn tượng của Hội Nhà văn Việt Nam):

Theo tôi, việc các nhà văn đến trường học và những chương trình giao lưu sách vô cùng có ý nghĩa với cả bạn đọc và người viết. Từ những buổi giao lưu này các bạn đọc nhí và người viết được xích lại gần nhau hơn. Các em sẽ có điều kiện tiếp xúc, trò chuyện với các nhà văn, được giới thiệu thêm nhiều cuốn sách hay. Từ đó, xây dựng và tăng thêm mối quan tâm của các em với sách và việc đọc sách. Bản thân người viết từ những buổi gặp gỡ này cũng được tiếp thêm nhiều động lực sáng tác khi thấy được tình yêu mến của độc giả nhí và hiểu được nhu cầu đọc của các em. 

Kỉ niệm đáng nhớ nhất của tôi có lẽ là lần đến giao lưu, tặng sách ở một ngôi trường ven thành phố, đa phần tập trung các em học sinh dân tộc thiểu số và khó khăn. Sau buổi gặp, cũng như các nơi khác, các em học sinh quây lấy tôi xin chữ kí. Tôi cứ nhớ mãi những mảnh giấy học trò lấy vội, cả mấy quyển sách giáo khoa cũ các em rụt rè đưa tôi kí lên. Không sổ tay, không tập vở đẹp. Nhưng tôi muốn rưng rưng vì tình cảm của các em, những đứa trẻ da ngăm đen, tóc cháy nắng, đi chân không. Chỉ biết thầm chúc các con đi cùng con chữ, sách vở được lâu, để chặng đường phía trước đỡ nhọc nhằn như ông bà, cha mẹ mình. 

Việc nâng tầm văn hóa đọc hiện nay tương đối thuận lợi khi đang được sự quan tâm của xã hội. Các cơ quan, đơn vị quản lý và giáo dục từ đó cũng có nhiều động thái thúc đẩy. Tôi mong những hiệu ứng tốt này được duy trì. Vì phát triển văn hóa đọc không phải là một phong trào rầm rộ nhất thời. Cần cả một hành trình dài để văn hóa đọc được tiếp thu, ngấm sâu vào văn hóa của xã hội. Trước mắt, tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục với hoạt động thiết thực nhất: Đưa sách và các nhà văn đến với trường học và các em học sinh.