Là con suốt đời

Truyện ngắn: LÊ HỨA HUYỀN TRÂN 00:13, 17/08/2023
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Tiếng trống tập những ngày này bắt đầu giòn giã hơn, đám trẻ đương lội ngoài đồng chợt ngẩng người đứng nghe rồi xì xào háo hức:

- Dãy là sắp tựu trường lại rồi đó bây, tao mong đi học quá, nhớ lớp lắm rồi.

- Mày nên nghĩ tới cái đống bài tập cuối ngày đi là vừa. Ôi, còn đâu những ngày rong chơi.

Duy chỉ có thằng Quốc là lặng thinh, nó cẩn thận lội bì bõm qua chỗ nước người lớn vừa gặt, cúi người mót được quả trứng vịt chạy đồng đánh rơi, miệng nở nụ cười nghĩ tới việc đổ chả để ba và nó đi làm về sẽ có bữa cơm chiều đổi món.

- Qua thầy qua nhà tao nhắc về vụ tựu trường với ba má tao cho khỏi lỡ ngày rồi. Mày có qua chưa Quốc?

- Mày nghĩ ba nó để nó đi học chắc.

Rồi như cảm thấy lỡ lời đám trẻ lặng im. Tiếng trống trường im bặt càng khiến cho buổi chiều thêm màu cô quạnh. Sau vụ lúa, người lớn thường hay cho đám trẻ thả vịt trên đồng, lũ vịt sẽ tranh thủ ăn những bụng no nê của những hạt lúa còn sót lại khi chạy máy gặt. Đám trẻ vừa lùa vịt, cũng vừa mót lúa đợt cuối, vậy mà cũng đầy những bị. Thả vịt đến chiều thường cũng sẽ mót được vài quả trứng mà lũ vịt đẻ trên đồng, và đến khi chiều tan, khi ngày bắt đầu tắt những giọt nắng đầu tiên, chúng vẫn thường tự thưởng mình bằng những trò chơi như thả diều trên những triền đê. 

Ở cái miền quê nghèo này, được đi học đã là một điều xa xỉ, dù được hỗ trợ nhiều nhưng vì gánh nặng cơm áo, mọi thành viên trong gia đình đều là nhân tố mưu sinh. Nhà Quốc chỉ có hai cha con nó, mẹ nó cám cảnh sự nghèo đã bỏ đi từ khi nó còn đỏ hỏn, ba nó phải ôm nó đi xin sữa từng người trong xóm, nó lớn lên trong sự thương tình của bà con. Trẻ con miền quê thường tìm niềm vui cho mình bởi những điều giản dị. Vào những ngày lúa rộ, khi các bậc cha mẹ bươn chải ngoài đồng từ bấy thì chúng cũng đã lom khom với bát bánh đúc và miếng nước mắm chan vào để rồi tụ tập lại cùng nhau đi bắt cào cào. Quốc nhớ những giây phút nó ở bên mẹ nó, mỗi khi mẹ nó làm bánh đúc, nó thường ngồi mân mê bên cạnh để rắc những hạt lạc lên. Thi thoảng khi chúng dính lên tay, nó lại liếm ăn, vị bùi bùi giòn tan vô cùng thơm ngon. Khi mẹ làm chưa xong vẫn múc riêng cho nó một bát bánh đúc để nó ăn trước…

- Tụi mày bắt được nhiều chưa, tao cả bị rồi.

- Tao cũng được cả bị, nhớ đến cào cào rang muối là chảy nước miếng.

Ở miền quê này, người lớn làm việc lớn, trẻ con nhỏ thì thường tìm niềm vui bằng cách hỗ trợ người lớn. Bắt cào cào không chỉ là bữa ăn đắp đổi qua ngày mà còn là để chúng đừng hại lúa. Còn trong đầu Quốc nó chỉ nghĩ đến việc về thật sớm để có thể nấu cơm cho ba trước khi ba về bận chiều đầy mệt mỏi. Nó chợt nhớ đến việc làm vài ba cái hình nộm để canh đồng, hôm qua nó tính làm mà rồi lại quên, đuổi mấy con chim ăn lúa.

Ngày mẹ nó đi, nó còn nhỏ quá nên cũng không nhớ được gì nhiều. Mà kì thực nó không nghĩ mẹ nó đi thật vì bà bỏ nhà đi tận mấy lần. Từ khi nó còn đỏ hỏn, rồi lại về. Rồi sau nó lớn thêm một chút, cám cảnh sự nghèo, gồng không nổi nữa rồi lại đi. Cứ thế mấy bận, lần nào ba nó cũng không nói gì, chỉ im lặng chấp nhận việc đi và về, nên nó biết ba nó thương mẹ nó lắm. Vậy mà, lần này bà đi thật. Ba nó ban đầu còn chờ nhưng rồi không chịu nổi nữa. Khi nó lớn dần lên, ba nó bắt đầu đổi tính, bắt đầu nhậu nhiều hơn và mỗi khi nhìn thấy cái mặt y chang má của nó, ba nó lại dần nó nhừ tử. Dẫu ông thường đánh nó khi rất say và chỉ non trận đòn đã say khướt nhưng cũng đủ hằn lên trên người đứa nhỏ những vết lằn rát đỏ thịt da. Nó biết ba nó thương nó, bằng chứng là ông chưa bao giờ bỏ rơi nó, có gì ngon ông cũng mang về cho nó, đó là những khi ông tỉnh. Dù ông rất kiệm lời, hai cha con ít khi nói chuyện với nhau. Về việc đi học thì mỗi năm để được đi học với nó giống như một cực hình, nó biết nhà nó còn khó khăn dẫu nó rất ham học, nó vừa không dám đề cập với ba, vừa muốn đi học.

Ông Linh đẩy cái cửa cọt kẹt bước vào nhà sau một ngày chạy cộ bò đầy mệt mỏi. Quốc nom ngửi thấy trên người ba không có mùi rượu nên nó khẽ dọn cơm lên, đưa ba nó cái khăn nhúng nước để lau mồ hôi rồi thỏ thẻ:

- Ba ơi, hôm nay thầy có lại nhà…

Ở đây mỗi mùa tựu trường vì học sinh đến trường ít nên thường thầy cô trước khi khai giảng sẽ đến trường vận động học sinh đi học. Trường nhỏ thôi, ít lớp, lớn lên xíu sẽ được đề nghị cho lên trấn học. Ba nó khẽ ngẩng đầu suy nghĩ rồi lại cắm cúi ăn cơm, ông lấy chai rượu ở góc bàn lên uống. Nó nom rụt người lại. Mỗi khi ba nó có điều suy nghĩ ba nó lại uống và nó lại bị đánh…

***

- Không có tiền đâu mà đi học.

Ba nó sẵng giọng nói với thầy khi thầy đến nhà mấy lần vận động. Thầy nhìn nó bất lực và nhìn cả những vết lằn trên tay nó, vốn là một người thầy trẻ nhiệt huyết, thầy đã thưa lên chính quyền cả về bạo lực gia đình. Qua quá trình đấu tranh của thầy và cả những bằng chứng từ những người xung quanh, mọi người bắt đầu tách cha con nó ra, nó sẽ về để ông bà nuôi dưỡng chứ như giờ vừa không được đi học, vừa bị đánh… Ba nó dĩ nhiên không chấp nhận, nó vẫn còn nhớ như in buổi chiều đó, rất nhiều người đã đến nhà nó, ba nó dằn nó lại, không hiểu tại sao lần đầu tiên nó lại thấy nước mắt của ba nó, nhưng vì là một người đàn ông kiệm lời lại chịu nhiều thương tổn, ông chỉ biết giữ nó chứ không thể nói được gì.

- Mày buông tha cho nó đi, mày đánh thằng nhỏ không còn gì - Nội nó vừa khóc vừa nói.

- Anh cũng không cho thằng bé đi học.

Những lời nói bủa vây khiến hai cha con như ù đi. Đột nhiên ba nó buông tay nó ra, không gian im bặt như là câu trả lời, ba nó nhìn nó hồi lâu, nó bỗng thấy cái hoàng hôn trong mắt ba nó khiến mắt ông đỏ hoe. Dường như ông đang nhận ra ông đang sắp mất nó, ông đau đớn cho bản thân mình nên hành hạ nó, mà không hiểu nó cũng có những nỗi đau tương tự ông. 

- Để thằng bé quyết định.

Tiếng một ai đó vang lên khiến ông câm lặng. Ông bất lực ngồi xuống đất, ông đã đoán được câu trả lời, không có lí do gì để nó ở lại bên cạnh ông cả.

- Con muốn ở với ba, con suốt đời là con của ba.

Không ai hỏi tại sao vì nhìn thấy bộ dạng chắc nịch của nó. Dường như đôi khi người lớn nghĩ quá nhiều còn trẻ con đơn giản hơn,...

 có thể nhìn thấy ai đối tốt với mình dù có thể họ che giấu bằng những tổn thương khác. Mắt ông ươn ướt nhưng ông vội quay đi, Quốc chạy lại ôm lấy ba nó, thân thể to lớn của ba nó như đang đổ rạp vào nó…

***

Quốc vừa đào được mấy củ sắn dây nom trắng tròn, củ lớn nhìn cứ như những chú lợn con. Mùa nắng như thế này có mấy củ này về nấu nước hoặc ăn sẽ rất mát người. Nó chợt nhớ tới nồi củ lang đương nấu dở ở nhà nhờ bác hàng xóm trông hộ, miệng nở nụ cười thực tươi sáng, vội rảo bước về nhanh hơn. Ba nó đương đi cộ ngang qua nó đang nhảy chân sáo về nhà.

- Sao giờ này con còn ở đây? Sao không đi học?

- Dạ, nay con học chiều á ba, con mới ra đồng để phụ cô Ba mót lúa với con đào được mấy củ sắn dây nè. Về nấu nước nghe ba.

Ba nó bế thốc nó lên trên cộ ngồi bên cạnh rồi thắng con bò đi thong thả trên đoạn đường làng. Ông chợt nhận ra cái hình hài bé nhỏ ấy đã luôn ở cạnh và gồng gánh mỗi khi ông mệt mỏi, chỉ là đôi khi ông ích kỉ quên đi nó vì tổn thương gia đình mình đã mang.

- Đi học vui không con?

- Vui lắm nghe ba. Thầy mới cho con mấy cuốn vở nữa đó, hôm qua thầy nói với con bên trường có phát động phần thưởng cho học sinh nghèo. Nếu con học chăm thì sẽ có học bổng, đỡ cho nhà mình lắm đó ba.

Nó tíu tít kể cho ba nó nghe về sân trường rợp nắng, bóng khăn quàng đỏ tung bay trong gió. Giờ chào cờ mỗi đầu tuần và tiếng trống trường đã điểm. Nó kể về những buổi học với ngôi trường chỉ có vài lớp nhưng lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui. Nó còn kể về những lần mưa, sân trường ngập hết, có khi nước dâng cao tới đùi nhưng lội đi rất vui, lại còn làm bè chuối để con bạn nữa đi lên cho khỏi ướt.

Ông lắng nghe chăm chút từng lời của cậu con trai nhỏ. Có lẽ đến phút có thể mất đi biết đâu ông sẽ trân trọng và biết được điều gì là tốt cho nó. Ai cũng thấy rõ một tia sáng vừa lóe lên trong mắt ông.