Gom hoa cỏ vào tranh

03:10, 27/10/2010

Những cánh hoa, nhánh cỏ ghép lại thành tranh gợi nên nét nguyên sơ của thiên nhiên Đà Lạt. Lòng người nghệ sĩ yêu thiên nhiên đã thu nhỏ thế giới ấy vào tác phẩm của mình.

Những cánh hoa, nhánh cỏ ghép lại thành tranh gợi nên nét nguyên sơ của thiên nhiên Đà Lạt. Lòng người nghệ sĩ yêu thiên nhiên đã thu nhỏ thế giới ấy vào tác phẩm của mình.
 
Đưa hoa cỏ vào tranh
Đưa hoa cỏ vào tranh

Phạm Uyên Trang vốn là dân mỹ thuật. Chị trở nên yêu hoa khi thực hiện những bộ áo cưới và kết hoa cưới cho cô dâu. Đã có nhiều năm gắn bó với hoa, trang trí hoa cho các không gian cần sự tươi tắn, Uyên Trang ấp ủ ý tưởng làm tranh từ hoa, cỏ và đã thành công với ý tưởng ấy.

Không phải là dân Đà Lạt nhưng những cánh hoa, các loài cỏ dại của thành phố trong con mắt của chị như một thứ tài sản vô giá mà thiên nhiên ưu ái cho nơi này. Tại sao không để hoa cỏ đẹp hơn qua các ý tưởng thiết kế, vừa thu gom những góc nhỏ, hiền lành, hoang sơ vào tranh, vừa lưu giữ các nét đẹp thiên nhiên ấy được tồn tại lâu bền? Từ ý tưởng đến hiện thực, Uyên Trang tạm ngừng các công việc bên ngoài và chú tâm nghiên cứu thế giới hoa cỏ hẳn không chỉ có chị mà sẽ còn rất nhiều tâm hồn khác cùng đồng điệu.

Nhặt nhạnh từng mảng rong rêu, lá dương xỉ, cỏ lau, rễ cà phê, lá trạng nguyên…; lựa những cánh cẩm tú cầu, hoa trắng, đồng tiền, cánh hồng…, các loại phụ phẩm tưởng chừng không còn giá trị sử dụng như vỏ trấu, mùn cưa… Uyên Trang làm tranh trong cảm giác được bay bổng. Tranh của chị hình thành, đó là sự kết hợp giữa hoa, cỏ và sơn dầu. Tranh là sự dung hòa mềm mại của nét đẹp tự nhiên với những ý tưởng nhấn nhá bổ sung qua những đường cọ, tranh không phẳng lì mà có độ sâu khi hoa cỏ hiện hữu với nét thô mộc nhất, hoa cỏ tạo thành hình khối. Rời thế giới tự nhiên để vào tranh, hoa cỏ vẫn là chính nó, đó là thành công nhất mà loại tranh này đạt đến.

Ngoài những tác phẩm tranh lớn, kỳ công là những mảng thiên nhiên được kiến tạo như một góc Đà Lạt, Uyên Trang cũng giành cho người thưởng lãm những góc nhỏ chỉ là cánh hoa, nhành cỏ, chiếc lá…như một tiểu tác phẩm, cũng có thể là tấm thiệp trao tặng nhau đem theo cả tình yêu thiên nhiên mong manh, nhẹ nhàng. Đến với thế giới đó, người xem như đắm chìm vào một loại hình nghệ thuật tinh tế, vừa thật vừa cách điệu và đậm đà nét tự nhiên. Ý tưởng tràn đầy, hoa và cỏ được kết hợp với đá và đặc biệt hơn, hoa còn dùng được để trang trí trên khăn ăn. Những cánh đồng tiền, hoa giấy, lá của hoa hồng… trở thành đường viền trên các tấm khăn ăn qua kỹ thuật gắn kết rất công phu, tỉ mỉ. Với loại sản phẩm này, hoa Đà Lạt đã đến với thị trường Nhật Bản, hiện diện trong những bữa ăn sang trọng, lịch lãm.

Nói về tình yêu Đà Lạt, Phạm Uyên Trang ban đầu chỉ coi đây như một điểm đến để ngắm nhìn, còn giờ đây, chị như đã gắn bó sâu nặng với thành phố này. Dù công việc tại thành phố Hồ Chí Minh hiện rất thuận lợi với nhiều cơ hội thể hiện mình như xuất hiện trong các chương trình dạy cắm hoa của HTV, bố trí không gian cho chương trình “ Sức sống mới” của VTV và những dự án khác, Uyên Trang vẫn giành nhiều thời gian ở Đà Lạt để sáng tác. Chị đã thành lập Công ty Vạn Hồng Gia trên đường Phù Đổng Thiên Vương - con đường dẫn vào những điểm du lịch nổi tiếng của thành phố để thiết lập một điểm dừng chân giành cho du khách. Thế giới hoa cỏ lung linh này đã làm vương vấn một cảm giác rất Đà Lạt trong cảm nhận của người ghé thăm.

Một du khách đến từ Hà Nội nhận xét rằng không gian này được bày trí  lịch sự, nhẹ nhàng, trầm ấm, xinh xắn, đầy hoa cỏ khiến chuyến du lịch của chị và bạn bè thực sự thoải mái và đọng lại nhiều cam xúc tinh tế về Đà Lạt. Vẫn miệt mài với những ý tưởng mới, Uyên Trang đang giành tâm huyết cho một tình yêu mãnh liệt của một tâm hồn nghệ sĩ trong thế giới hoa cỏ ăm ắp yêu thương.
 
Hải Yến