Câu chuyện “nhà tôi” của nhà thơ Yên Thao

02:10, 03/10/2012

Hôm rồi, anh Nguyễn Trọng Hoàng (người từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của tỉnh Lâm Đồng và là một người cầm bút, hiện đã về hưu, sống tại Đà Lạt), gửi mail cho tôi với lời nhắn: “Anh gửi chú câu chuyện về bài thơ “Nhà tôi” của Yên Thao, chú đọc cho vui...

Hôm rồi, anh Nguyễn Trọng Hoàng (người từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của tỉnh Lâm Đồng và là một người cầm bút, hiện đã về hưu, sống tại Đà Lạt), gửi mail cho tôi với lời nhắn: “Anh gửi chú câu chuyện về bài thơ “Nhà tôi” của Yên Thao, chú đọc cho vui. Đây là bài thơ mà một thời phong trào đấu tranh của sinh viên miền Nam rất thích, đã phổ biến cho nhau học thuộc như một câu chuyện nâng bước chân trên đường tranh đấu”. Nhận thấy đây là câu chuyện của không chỉ riêng tôi và anh Hoàng nên xin phép anh Hoàng xin được ghi ra đây câu chuyện này (và bổ sung thêm một vài điều) để mọi người, nhất là những bạn yêu thơ văn, cùng tham khảo.

Trước hết, xin được nhắc lại khổ thơ cuối trong bài thơ “Nhà tôi” của thi sỹ Yên Thao: “Anh rót cho khéo nhé!/Không lại nhầm nhà tôi/Nhà tôi ở cuối thôn Đoài/Có giàn thiên lý/Có người tôi yêu”.

Tư liệu mà anh Nguyễn Trọng Hoàng gửi cho tôi là bài trả lời phỏng vấn của nhà thơ Yên Thao với một nhà báo cách nay 14 năm (1998), được nhiều tài liệu trích dẫn lại. Trong bài phỏng vấn, nhà báo Bích Huyền “đặt vấn đề” bằng câu khẳng định: “Thưa thi sĩ, Bích Huyền còn thấy có nơi dùng sai một chữ nữa trong câu thơ cuối bài thơ “Nhà tôi ở cuối thôn Đoài…”. “Đoài” viết hoa như một danh từ riêng ạ! Đúng ra là “thôn Đồi”: “Nhà tôi ở cuối thôn Đồi/Có giàn thiên lý/Có người tôi thương”… Đoạn sau bài phỏng vấn, nhà thơ Yên Thao có trả lời theo kiểu trích dẫn: “Thế gian lẫn lộn đúng sai vẫn thường…”.

Đúng là từ xưa đến giờ, không chỉ riêng tôi mà tin rằng còn có nhiều người khác nữa vẫn đọc là “Nhà tôi ở cuối thôn Đoài/Có giàn thiên lý có người tôi thương”. Và, nếu tôi không nhầm thì trong một số ca khúc phổ cùng bài thơ “Nhà tôi” của nhà thơ Yên Thao vẫn có ca từ là “Nhà tôi ở cuối thôn Đoài…”. “Đoài” ở đây là một danh từ riêng.

Vậy, vì sao là có chuyện từ chữ “Đồi” biến thành chữ “Đoài” này? Nhà thơ Yên Thao kể lại với nhà báo Bích Huyền: “Chuyện thế này: Năm 1949, tôi công tác văn nghệ tại Quân đội Liên khu 3, theo một đơn vị đánh vào một đồn binh Pháp đồn trú cạnh sông ở một làng Đồi. Trong lúc đợi chờ giờ nổ súng, tôi trò chuyện với anh em và được biết ở đơn vị này có một cậu quê ở ngay làng Đồi đó. Phía bên ấy đang còn mẹ và vợ. Cậu ta lấy vợ được chừng tháng thì chiến tranh bùng nổ. Chàng lên đường đi kháng chiến, chia tay người vợ trẻ. Trong câu chuyện, mấy lần cậu ta nhắc đến giàn thiên lý của nhà mình. Tôi rất thích câu chuyện nên viết nên bài thơ “Nhà tôi”…”. Qua thời gian và không gian (bài thơ được phổ biến rộng rãi ở miền Nam trước 1975, nhất là trong giới sinh viên như lời của anh Nguyễn Trọng Hoàng), “thôn Đồi” của Yên Thao đã biến thành “thôn Đoài”; hoặc chí ít như trong một cuốn sách do Nhà Xuất bản Giáo dục in năm 2005 thì viết: “Anh rót cho khéo nhé/Kẻo lại nhầm nhà tôi/Nhà tôi ở cuối thôn Đồi/Có giàn thiên lí, có người tôi thương”. Trong thực tế, ở Bắc Ninh có một thôn tên là thôn “Đoài”: Thôn Đoài thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Cũng cần nói thêm, đây là thôn khá nổi tiếng với nghề làm bánh đa gạo. Bài thơ “Nhà tôi” của Yên Thao được lấy ý để phổ thành nhiều ca khúc nhưng hầu như tác giả nhạc nào cũng đều nhầm “thôn Đồi” nguyên bản thành “thôn Đoài” có thật ở một làng quê miền Bắc.

Trong tài liệu mail do anh Nguyễn Trọng Hoàng gửi cho tôi, phần “nói về mình”, nhà thơ Yên Thao cho biết: “Tên cúng cơm của tôi là Nguyễn Bảo Thịnh, sinh ngày 21.1.1927 quê ở Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Nhà tôi tên Đỗ Thị Phú (chứ không phải là Hà), sinh 17.1.1929; quê Đại Gia, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Chúng tôi gặp nhau trong kháng chiến chống Pháp, cưới nhau ở Phú Thọ ngày 1.11.1953. Tôi và Phú đều là học sinh thoát ly gia đình đi kháng chiến. Bài thơ “Nhà tôi” không phải là viết về chúng tôi…” (mà viết từ câu chuyện của một người lính như trên vừa nêu). Cũng cần nói thêm, Yên Thao là một nhà thơ khá nổi tiếng thời kháng chiến chống Pháp cùng với những tên tuổi như Quang Dũng, Tất Vinh, Hồng Nguyên, Hoàng Cầm…

Nhà thơ Yên Thao viết không nhiều thơ tình. Mà, xem ra, ông nổi tiếng hơn ở thể thơ trào phúng. Ngay trong bài thơ tình “Nhà tôi” viết về câu chuyện “nhớ vợ” của một anh lính trẻ vẫn chứa đầy bom đạn chiến tranh: “… Đêm hôm nay tôi trở về lành lạnh/Sông sâu buồn lấp lánh ánh sao thưa/Tôi có người vợ hiền trẻ đẹp như thơ/Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ/Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín…” (trong một số tuyển thơ trước đây in thành “mùi lúa chín” thay cho “mùa lúa chín” nguyên gốc). Nhà thơ Yên Thao là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ trào phúng Hà Nội nhiều năm; và tại Đại hội lần thứ X vào tháng 5.2011, ông được tiếp tục tín nhiệm bầu giữ chức Chủ nhiệm của Câu lạc bộ này. Ở lĩnh vực thơ trào phúng, độc giả Hà Nội và cả nước biết nhiều đến thơ ông dưới bút danh Cử Yên (thường dùng nhất) hay Thái Dương, Lang Bang, Nguyễn Bảo…

Khắc Dũng