Đối với mỗi quốc gia, dân tộc, khi mà nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khoa học kỹ thuật đang chứa đựng trong nó những giá trị mang tính toàn cầu, thì văn hóa nói chung và âm nhạc cổ truyền dân tộc nói riêng là khẳng định sự tồn tại một cách ý nghĩa nhất của quốc gia, dân tộc đó.
Đối với mỗi quốc gia, dân tộc, khi mà nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khoa học kỹ thuật đang chứa đựng trong nó những giá trị mang tính toàn cầu, thì văn hóa nói chung và âm nhạc cổ truyền dân tộc nói riêng là khẳng định sự tồn tại một cách ý nghĩa nhất của quốc gia, dân tộc đó.
Những vấn đề chung
Là một thành tố quan trọng cấu thành văn hóa, âm nhạc cổ truyền dân tộc với những giá trị tiềm ẩn mang tính bản sắc văn hóa thật sự là “chứng minh thư” của một dân tộc trong xu thế hội nhập mang tính toàn cầu. Âm nhạc cổ truyền dân tộc ra đời và tồn tại như một thành tố quan trọng, thiết thân và không thể thiếu được của sinh hoạt văn hóa dân gian, gắn bó với mỗi con người từ thuở lọt lòng trong lời ru của mẹ (Hò ơi… Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chày, thức đủ vừa năm(1)… hay… Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn/… Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru(2)… cho đến khi nhắm mắt xuôi tay trong tiếng kèn tiễn biệt về nơi vĩnh hằng, đó là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của nền âm nhạc mới Việt Nam.
Trong mỗi thời đại, các nhạc sỹ đều tìm đến giá trị truyền thống và kết hợp với tinh hoa nhân loại để xây dựng cho mình một ngôn ngữ âm nhạc, một phong cách âm nhạc mang hơi thở dân tộc. Ngày nay, khi âm nhạc giải trí tiếp thu mạnh mẽ những yếu tố như tiết tấu, hòa thanh, nguồn âm của điện tử thì âm nhạc dân tộc cổ truyền đứng trước sức ép vô cùng lớn, nên không có điều kiện thể hiện hết những giá trị dân tộc và hiện đại trong thể loại của mình, đồng thời cũng mất đi một số lượng đáng kể khán thính giả ham mê thể loại này.
Tuy nhiên, khi sáng tác một tác phẩm về một dân tộc nào đó thì cần phải nghiên cứu thật kỹ từ văn hóa, tín ngưỡng cho đến âm hưởng, giai điệu của dân tộc đó. Có nhiều nhạc sỹ đã có những tác phẩm về dân tộc rất hay. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người sáng tác ca khúc về một dân tộc nào đó nhưng lại vay mượn âm hưởng của một nơi khác. Điều đó sẽ làm mất đi sự tinh túy của hồn dân tộc trong mỗi sáng tác, bởi “Nhân dân là người tạo nên âm nhạc, chúng ta chỉ ghi lại và chuyển biên chúng”(3).
Tính dân tộc và tính hiện đại trong ca khúc đương đại
Trong lĩnh vực âm nhạc, mối giao thoa Đông - Tây như con sóng ngầm đã diễn ra từ lâu, nhưng phải đến những năm gần đây thì biểu hiện của nó ngày càng rõ nét trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Không phải hoàn toàn âm nhạc truyền thống phương Đông bị lấn át, hay bị mất dần bản chất như nhiều người vẫn nghĩ, mà thực tế nó diễn ra theo chiều ngược lại. Âm nhạc truyền thống bản địa với những đặc trưng của nó về chất liệu âm nhạc, hòa thanh, đã đi sâu vào đời sống của nhiều nhạc sỹ nổi tiếng trên thế giới, là nguồn cảm hứng cho họ sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ.
|
Biểu diễn hát chầu văn (ảnh trên) và hát xoan (ảnh dưới) - là những loại hình di sản văn hóa phi vật thể được Unesco công nhận (Đà Lạt 2013). Ảnh: BN |
Tính dân tộc và tính hiện đại trong âm nhạc cổ truyền là chủ đề rất rộng, liên quan đến mọi lĩnh vực, từ sáng tác, biểu diễn, đào tạo đến lý luận phê bình. Đây là một cặp phạm trù luôn tồn tại trong âm nhạc của mọi dân tộc, mọi thời đại. Việc giải quyết thành công mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại đã hình thành ra các trường phái âm nhạc. Các nhạc sỹ sáng tác là những người đi tiên phong trong việc khai thác, phát triển nền âm nhạc của dân tộc mình và tiếp thu tinh hoa âm nhạc thế giới để xây dựng phong cách riêng cho mình, đồng thời góp phần làm phong phú cho trường phái âm nhạc dân tộc mà họ được sinh ra…
Về sáng tạo, trong mỗi thời đại các nhạc sỹ đều tìm đến giá trị truyền thống và kết hợp với tinh hoa nhân loại để xây dựng cho mình một ngôn ngữ âm nhạc, một phong cách âm nhạc mang hơi thở dân tộc. Dân tộc và hiện đại có mối quan hệ biện chứng với nhau, dân tộc là nền tảng, hiện đại là xu thế tất yếu. Vấn đề phụ thuộc vào vai trò cá nhân của người sáng tạo mà trong âm nhạc là các nhạc sỹ sáng tác. Tính dân tộc là một khái niệm động, nó không như một cổ vật khi khai quật được thì vĩnh viễn nằm trong bảo tàng. Tính dân tộc luôn chuyển động theo thời gian và được phát triển qua từng giai đoạn trong con đường đi lên, bản thân tính dân tộc cũng bị chi phối bởi yếu tố hiện đại.
Ngày nay mối quan hệ tương tác giữa tính dân tộc và tính hiện đại càng có sự cọ sát, va đập mạnh hơn lúc nào hết. Trong các thể loại âm nhạc, từ âm nhạc cổ truyền dân tộc đến âm nhạc giao hưởng thính phòng và ca nhạc nhẹ giải trí, hai yếu tố dân tộc và hiện đại đều có điều kiện phát huy hết công suất và khoe sự nổi trội của mình. Đó là chưa kể đến ảnh hưởng vô cùng lớn của nền âm nhạc quốc tế làm dung hòa và pha loãng tính dân tộc trong các tác phẩm âm nhạc, đặc biệt trong lĩnh vực ca khúc giải trí.
Các tác phẩm mang âm hưởng dân tộc - Cách thức này được sử dụng nhiều nhất, các nhạc sỹ đã khai thác chất liệu về hòa thanh, điệu thức, tính năng nhạc cụ, các thủ pháp sáng tác mới để thể hiện nội dung nghệ thuật của tác phẩm. Nhìn chung, các nhạc sỹ đã đạt được những thành công nhất định khi vận dụng nhiều thủ pháp âm nhạc có từ trước, và sáng tạo thêm nhiều thủ pháp mới để diễn đạt những nội dung nghệ thuật của riêng mình.
Vai trò ca khúc dân gian đương đại
Âm nhạc luôn có một dòng chảy văn hóa dân gian của dân tộc trong các ca khúc. Từ khi âm nhạc mới ra đời đến nay, ở bất cứ giai đoạn nào, các nhạc sỹ luôn có ý thức khai thác những yếu tố dân gian để đưa vào ca khúc. Tuy nhiên, cũng có sự khác nhau, đó là, người thì tiếp cận dưới góc độ ngôn ngữ, âm hưởng, chất liệu âm nhạc, nhưng có người lại ở góc độ cốt chuyện... Mục đích cuối cùng là đem cho người nghe một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh, mang tính thẩm mỹ dân tộc.
Như vậy, ca khúc dân gian đương đại, thực chất là những bài hát mà giai điệu, nội dung hay lời ca đều có tiếp thu một số yếu tố của âm nhạc dân gian. Không thể phủ nhận giá trị nghệ thuật của những bài hát này trong bối cảnh âm nhạc hiện nay, còn gọi chúng là gì, sao cho hợp lý, có lẽ đó là công việc của các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình âm nhạc nước nhà?
Cùng với sự phát triển của nhiều dòng âm nhạc khác, âm nhạc cổ truyền dân tộc thời gian qua cũng đã chứng minh được những giá trị mang tính bản sắc của mình. Những làn điệu dân ca, dân vũ đã không chỉ vang lên nơi thôn quê, giữa các phòng hòa nhạc, mà hơn thế, đã đến và làm say lòng bè bạn năm châu bốn bể. Là người Việt Nam, dù ở nơi đâu chúng ta cũng luôn nhớ và tự hào về di sản văn hóa âm nhạc truyền thống dân tộc mà cha ông đã để lại.
Tóm lại, từ các vấn đề đã nêu ở trên, hy vọng trong thời gian tới, giới những người làm công tác âm nhạc sẽ thường xuyên có những cuộc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn những di sản văn hóa âm nhạc trong bối cảnh toàn cầu hóa, làm sao để di sản văn hóa âm nhạc cổ truyền dân tộc không chỉ chứng tỏ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà còn góp phần làm giàu, làm phong phú, đa dạng thêm kho tàng văn hóa âm nhạc Việt Nam trên thế giới.
(1) Hát ru Nam Bộ
(2) Thơ Nguyễn Duy
(3) Mikhail Ivanovich Glinka (1804 - 1857): Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Nga, người góp phần rất lớn trong việc xây dựng nền âm nhạc kinh điển của Nga, đồng thời còn là nhà soạn nhạc đầu tiên của Nga được thế giới công nhận.
THANH TRUYỀN