Sổ gạo (truyện ngắn)

09:07, 09/07/2015

Sau hơn một tháng Vinh đi công chuyện từ miền Nam trở về, gia đình anh có một biến cố nhỏ. Nói biến cố có thể cũng không hoàn toàn đúng, nhưng mà thôi, cũng khó tìm một từ ngữ để thay thế cho sự việc này, cho nên cứ tạm chấp nhận như vậy...

Sau hơn một tháng Vinh đi công chuyện từ miền Nam trở về, gia đình anh có một biến cố nhỏ. Nói biến cố có thể cũng không hoàn toàn đúng, nhưng mà thôi, cũng khó tìm một từ ngữ để thay thế cho sự việc này, cho nên cứ tạm chấp nhận như vậy. Đó là cái việc khi Vinh vắng nhà, vợ anh đã bán quyển sổ gạo từ thời bao cấp mà mấy chục năm nay Vinh vẫn kín đáo cất trong một ngăn tủ. Nói tới sổ gạo thấy cũng cần phải có đôi lời giải thích, nếu không, các bạn trẻ hôm nay sẽ rất khó hình dung. Đó là một quyển sổ hình thù na ná giống như quyển sổ liên lạc của học sinh hoặc quyển sổ khám bệnh bây giờ. Trong sổ, ghi rõ tên tuổi, ngày tháng năm sinh, cơ quan, nghề nghiệp của người được cấp và đặc biệt là tiêu chuẩn gạo của từng đối tượng được hưởng với đầy đủ các loại chữ ký, dấu má. Xin nói thêm, ngày ấy quyển sổ gạo quí như vàng. Tuy chỉ là một quyển sổ in ấn lem nhem nhưng đối với cán bộ, công nhân viên nó giống như cái phao cứu sinh giữa sông nước, mất nó gần như là tuyệt đường sinh sống. Vì thế một thời đã xuất hiện câu thành ngữ “Mặt nghệt như mất sổ gạo”. Dần dần, sau khi chấm hết thời bao cấp, quyển sổ gạo mới mất thiêng, coi như một thứ bỏ đi.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Vậy mà mấy năm gần đây trong xã hội bỗng xuất hiện một số người giầu sang tự nhiên sinh ra cái ý thích sưu tầm những thứ đồ đã từng được lưu hành từ thời xa xưa. Họ mua những thứ đó với cái giá không hề rẻ. Không phải để dùng cho những việc cần thiết mà hình như bỏ ra cả một đống tiền chỉ để phục vụ cho sở thích sưu tầm, bảo tàng đồ cổ gì đó, nghĩa là thỏa nguyện chuyện chơi sang, chơi ngông của họ. Chính vì vậy mà bỗng nhiên những đồ dùng như cái bát sắt, chiếc bình tông, chiếc đồng hồ cũ, thậm chí chỉ là những tờ tem phiếu mua đường, mua thịt, mua vải vóc… nếu ai còn giữ được thì đều trở nên có giá. Nhiều người bảo đó là một việc làm mang ý nghĩa văn hóa, nhưng cũng không ít người cho rằng thực chất chỉ là sự rải tiền của những người giàu sang phú quí không biết ném của vào đâu cho hết. Vợ Vinh thì chẳng cần quan tâm đến những ý nghĩa này, ý nghĩa nọ. Với cô ấy, cái giá mười triệu họ trả cho quyển sổ gạo bấy lâu nay vẫn nằm lăn lóc trong xó tủ là quá sức tưởng tượng, giống như một giấc mơ. Lâu nay, vợ chồng Vinh vẫn thường bàn bạc, động viên nhau cố tiết kiệm từng đồng lương hưu ba cọc ba đồng mong sao mua nổi một cái tủ lạnh, một cái máy giặt để cải thiện đời sống cho bằng anh bằng em mà vẫn không thực hiện nổi. Cứ hết tháng là tiền đã hết veo. Chuyện mua sắm chỉ là ảo tưởng. Vậy mà đùng một cái, chỉ với cuốn sổ gạo cũ kĩ ố vàng, rách nát, vứt đi chả bõ mà đã có thể sắm được đầy đủ những thứ đang ước ao. Quả là như trúng số độc đắc.
 
Vinh về tới nhà, đờ mặt nhìn cái tủ lạnh và cái máy giặt sừng sững giữa bếp. Khi được vợ cho biết tất cả đều từ quyển sổ gạo mà có, Vinh lại đờ mặt thêm một lần nữa. Và Vinh bỗng thấy trong tim nhói đau một cái. Nhưng rồi tất cả cũng chỉ thoáng qua. Vài giây đồng hồ sau, môi Vinh đã vội nở một nụ cười đầy mãn nguyện. Cái cười của anh tuy thấp thoáng buồn nhưng không hề giả dối. Không vui sao được khi từ nay bàn tay vợ anh sẽ không còn phải bầm tím, tê buốt vì ngâm trong nước lạnh để giặt giũ cho cả nhà. Không vui sao được khi cặp mắt các con anh sẽ sáng rực lên trước những cốc nước mát trong những ngày nắng hè thiêu đốt. Mấy năm gần đây, nhiều gia đình trong cái ngõ phố anh đang sinh sống đều đã có đầy đủ mọi tiện nghi sinh hoạt, thậm chí toàn đồ xịn, vậy mà một cái máy giặt, một cái tủ lạnh bình thường đối với gia đình Vinh bấy lâu nay vẫn chỉ là trong mơ ước. Cho nên, chuyện vợ anh quyết định bán cái sổ gạo rõ ràng là một hành động khôn ngoan, thức thời, biết tận dụng thời cơ để cải thiện đời sống gia đình.
 
Mọi sự đều đúng như vậy, nhưng chẳng hiểu sao, buổi tối hôm ấy khi chỉ có một mình ở nhà, Vinh vào buồng lặng lẽ mở cái ngăn tủ mà ngày trước vẫn cất quyển sổ gạo, nhìn ô tủ trống không, lòng anh lại tan loãng ra, giống như vừa mất đi một bảo vật quí giá của cuộc đời.
 
Nói quyển sổ gạo là bảo vật không biết có chính xác với mọi người không, nhưng với Vinh thì rất đúng.
 
Hơn ba mươi năm trước, Vinh là một thầy giáo trường làng. Cũng giống như bất cứ một cán bộ, công nhân viên nào trong thời bao cấp, tháng tháng Vinh đều phải mang sổ gạo đến cửa hàng lương thực để mua theo tiêu chuẩn. Những người ở vào độ tuổi năm, sáu mươi trở lên chắc đến tận bây giờ vẫn chưa ai có thể quên những tháng ngày xếp hàng rồng rắn để mua lương thực, thực phẩm theo sổ, theo tem phiếu. Cổ nhân thường ví hạt gạo như hạt ngọc thì có lẽ nó chính xác nhất vào cái thời bao cấp. Hồi ấy, trong chuyện mua bán, cân kẹo chỉ cần thiếu, thừa một lạng thôi là đã có thể xảy ra cãi vã một mất một còn. Người mua và người bán luôn phải chống mắt lên để điều chỉnh từng nửa mi li mét trên cái tay đòn bàn cân và sẵn sàng đôi co khốc liệt nếu như có sự gian dối nào đó.
 
Nhưng Vinh lại hơi khác người. Anh không bao giờ quan tâm đến cái chuyện mà mọi người luôn xét nét, soi mói kia. Khi đến lượt, Vinh đưa hóa đơn, chờ bà nhân viên bán hàng hất hàm ra hiệu là đã cân xong, anh vội vã bê suất gạo mười ba cân tháng nào cũng như tháng nào đưa lên xe đạp.
 
Vậy mà một người dễ tính như anh lại có một lần va chạm với bà nhân viên bán gạo.
 
Hôm ấy, sau khi bê suất gạo mười ba cân định đặt lên poóc - ba - ga xe đạp, Vinh có cảm giác hình như trĩu tay hơn mọi lần. Nhấc bao gạo để kiểm tra lại một lần nữa, Vinh biết là bà nhân viên lương thực đã cân nhầm số gạo cho anh. Vinh vội bê bao gạo trở lại bàn cân, dè dặt nói:
 
- Chị cân lại suất gạo này giúp tôi.
 
Bà nhân viên lương thực gạt mồ hôi trán, quắc cặp mắt bọ róm nhìn Vinh, gắt tướng lên:
 
- Rách việc! Chúng tôi không cân điêu đâu mà anh thắc mắc! Mất thì giờ! Còn cả một đống người đang đợi đây!
 
Vinh khẽ lắc đầu, phân vua:
 
- Tôi không nghi bà cân gian mà có lẽ bà đã cân thừa thì phải.
 
Nghe rõ hai tiếng “cân thừa” bà bán gạo tá hỏa như bị điện giật:
 
- Thật không? Vất gạo lên cân, tôi cân lại!
 
Sau khi kiểm tra lại số cân, bà ta mừng rú lên, rồi nói như ra lệnh:
 
- Đúng rồi. Mười tám cân. Anh xúc trả lại năm cân! Nhanh tay lên cho tôi nhờ!
 
Vinh lặng lẽ làm theo. Mấy người đứng quanh đó bấm nhau tủm tỉm cười. Vài giọng nói rất khẽ nhưng cũng đủ cho Vinh và mọi người nghe thấy:
 
- Ông này hâm rồi.
 
- Đúng là ngớ ngẩn quá! Đã thế lại chẳng được một lời cảm ơn.
 
Xong xuôi, Vinh lặng lẽ bê bao gạo lên xe trước những cặp mắt nửa thương hại, nửa giễu cợt của nhiều người đứng đó.
 
Vinh đang lúng túng không buộc nổi bao gạo lên chiếc pooc - ba - ga lủng lẳng thì có một bàn tay giúp anh giữ thăng bằng lại chiếc xe đạp. Vinh ngẩng nhìn. Một cô gái trẻ và khá xinh đẹp. Vinh hơi cúi mặt, nói với cô gái:
 
- Chắc cô cũng nghĩ tôi là một thằng ngớ ngẩn như mấy người kia phải không?
 
Cô gái bật cười. Tiếng cười vô tư và trong vắt:
 
- Anh không hề ngớ ngẩn. Chuyện này anh hoàn toàn đúng. Còn họ nghĩ sao kệ họ!
 
Nghe mấy lời phát ra từ miệng cô gái mới quen, anh phải kìm nén để nước mắt cảm kích khỏi ứa ra.
 
Cô gái đó chính là vợ anh bây giờ. Có một buổi tối Vinh hỏi: “Cớ sao mới quen nhau, chưa hiểu anh được bao nhiêu mà em đã dám nhận lời cầu hôn?”. Vợ anh đã trả lời không hề đắn đo: “Chỉ cần duy nhất cái lần cân gạo ở cửa hàng lương thực hôm ấy là em đã có thể yên tâm nhận lời làm vợ anh!”. Ừ! Hóa ra ngày ấy con người trong veo như suối ngàn vậy.
 
Có lẽ vì thế mà suốt mấy chục năm sau Vinh đã lưu giữ lại cuốn sổ gạo như một kỉ niệm sâu sắc khó phôi pha.
 
Hơn ba mươi năm trôi qua. Ba mươi năm ấy, đã bao lần Vinh được chứng kiến cặp mắt buồn buồn của vợ như thêm sẫm lại khi nhìn thấy hàng xóm khênh khênh vác vác những đồ dùng tiện nghi gia đình đắt tiền vào những căn nhà sang trọng của họ. Ba mươi năm ấy, đã bao lần Vinh được chứng kiến những cặp mắt hau háu của con trai nhìn lũ con hàng xóm khoái chí cầm trên tay những cốc sữa chua được lấy ra từ những chiếc tủ lạnh của nhà chúng. Nhiều đêm Vinh mất ngủ vắt tay lên trán nghĩ đủ mọi kế có thể kiếm ra tiền để đời sống gia đình được khá giả hơn mà vẫn mịt mù. Vì vậy, nay vợ anh chỉ bán cái sổ gạo ố vàng mà đã mua nổi cái tủ lạnh và chiếc máy giặt thì có thể nói đó là niềm vui khôn xiết của cả nhà. Nhưng sao lúc này nhìn vào ô tủ trống không, tim anh lại bỗng nhói đau? Bán đi một kỉ niệm tươi đẹp của cuộc đời ư? Chao ôi! Giữa lúc này mà còn có ý nghĩ “bất bình thường” như vậy thì có phải là người hâm hâm, ngớ ngẩn không? Giống như ngày xưa anh từng “dại dột” trả lại số gạo thừa cho bà nhân viên lương thực để rồi phải hứng chịu những cái nhìn thương hại và những lời bình phẩm gay gắt. Đúng! Bây giờ nếu anh tỏ ra phản ứng việc làm của vợ thì rõ ràng anh sẽ là một kẻ ngớ ngẩn không hơn không kém. Bất giác, Vinh khẽ thở dài. Nhưng cho dù thế nào đi nữa, Vinh vẫn thầm ao ước giá như lại được nghe vợ anh nói cái câu cách đây hơn ba mươi năm: “Anh không hề ngớ ngẩn. Chuyện này anh hoàn toàn đúng. Còn họ nghĩ sao kệ họ!”.
 
Vinh lặng lẽ đóng cửa ngăn tủ như đóng lại một dĩ vãng mờ xa, đầy nuối tiếc.
 
Truyện ngắn: HỒ THỦY GIANG