Đội cồng chiêng của những đóa hoa rừng

06:02, 11/02/2016

Trong các lễ hội truyền thống của người K'Ho thường chỉ thấy nam giới biểu diễn cồng chiêng, nữ giới chỉ giữ vai trò múa xoang mô phỏng sống động đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Thế nhưng, ở thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà) lại đang có một đội cồng chiêng nữ với 15 thành viên ở độ tuổi 20 - 40, tạo nên vẻ độc đáo trong việc bảo tồn và phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng.

Trong các lễ hội truyền thống của người K’Ho thường chỉ thấy nam giới biểu diễn cồng chiêng, nữ giới chỉ giữ vai trò múa xoang mô phỏng sống động đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Thế nhưng, ở thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà) lại đang có một đội cồng chiêng nữ với 15 thành viên ở độ tuổi 20 - 40, tạo nên vẻ độc đáo trong việc bảo tồn và phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng.
 
Đội cồng chiêng nữ thị trấn Đinh Văn mang nét độc đáo và sức sống mới cho Di sản văn hóa cồng chiêng (Ảnh chụp tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng - 2015 tại Đam Rông)
Đội cồng chiêng nữ thị trấn Đinh Văn mang nét độc đáo và sức sống mới cho Di sản văn hóa cồng chiêng (Ảnh chụp tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng - 2015
tại Đam Rông)

Học đánh chiêng, dù khó…
 
Từ 2 năm nay, vào buổi tối, chị em ở các buôn làng xung quanh thị trấn lại tụ họp về Trung tâm Văn hóa huyện học đánh chiêng. Ngày đầu học, đội thu hút gần 30 chị em tham gia luyện tập. Các nghệ nhân K’Bét, K’Kèn, Bonner Pier đã cùng nhau tận tình truyền dạy những điệu thức cồng chiêng cho chị em. Đến gần với nhịp chiêng, với chiêng mới biết để đánh chiêng không hề đơn giản. Khó từ cách cầm chiêng, cách gõ chiêng, bước đi, đến chuyện việc học tiết tấu từng bài chiêng, mỗi bài có nhịp riêng, mỗi vị trí trong bộ 6 thang âm có tiết tấu riêng. Phải mất rất nhiều thời gian để tập được một bài chiêng, nhớ từng nhịp phách, từng bài, chiêng nào bắt nhịp trước, chiêng nào vào trước vào sau và giữ đúng nhịp từng vị trí; nắm vững, rồi cả dàn mới diễn tấu thành bài, duy trì nhịp phách khi dồn dập, lúc chậm rãi trong suốt thời gian biểu diễn… Khó khăn khiến một số chị em “rơi rớt” dần, chỉ còn lại hơn 10 người quyết tâm học với tình yêu và lòng kiên trì. Ka Phôn, Ka Phen, Ka Cúc, Ka Hằng, Ka Woày, Ka Hà, Ka Them, Ka Yếm, Ka Wen… đều làm nông nghiệp, là trụ cột gia đình, ngày bận rộn ruộng vườn, nhưng không bỏ lỡ buổi học nào. Chị Ka Phôn (43 tuổi) tâm sự: Buổi sáng, mình lo chợ búa và chăm sóc 4 đứa con, chiều đi dặm lúa, dù mệt lắm, nhưng tối vẫn rất thích đi tập”. Thời gian đầu, những phụ nữ ấy tưởng rằng đánh cho mạnh thì chiêng mới kêu, các chị ai nấy đều cố hết sức “gồng mình” mà đánh, đến mức cánh tay nhức mỏi rã rời, bàn tay phồng rộp, mưng mủ. “Nhưng bây giờ thì khác rồi, học đúng kỹ thuật các nghệ nhân truyền cho thì chỉ cần gõ nhẹ chiêng cũng đủ ngân vang” - Đưa đôi tay chai sần về phía tôi, Ka Phen (39 tuổi) nói. Bộ chiêng 6, chị thuộc nằm lòng từng tiếng chiêng, chỉ cần tấu lên là biết âm của chiêng “me”, chiêng “thiệt”, hay chiêng “T’rơ”… Ka Phen đứng ở vị trí chiêng “thiệt” - chiêng số 6 có âm cao nhất và tiếng ngân nhất, nên trong dàn chiêng chị như người giữ hồn cho bài chiêng bởi luôn đánh nhiều nhịp nhất. 
 
Cứ thế, lần lượt các bài chiêng cơ bản của cha ông để lại các chị đều đánh thành thạo. Vừa học đánh chiêng, các chị vừa chỉ cho nhau những điệu múa, làn điệu dân ca, các phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp. Phụ nữ tham gia đánh chiêng có thể đóng cả hai vai: vừa có thể đánh chiêng, vừa có thể múa xoang. Khi cần, họ lại đổi vị trí cho nhau tạo thành một đội nhóm chuyên nghiệp, đa năng. Học đến đâu, các chị đều cố nhớ đến đó, nên được người già khen: Con gái nó học nhanh hơn đàn ông, đàn ông học chậm lắm, nhịp phách lẫn lộn, lúc nhớ lúc không, khó dạy chúng nó lắm - nghệ nhân K’Kèn (63 tuổi) cho biết.
 
Không khỏe khoắn, rắn chắc, mạnh mẽ như nam giới, các chị bước đi uyển chuyển, vừa đánh vừa nhún đôi chân trần, mềm mại, duyên dáng, đánh chiêng như múa, đầy quyến rũ. Các bài chiêng Chào mừng khách quý, mừng ngày hội mùa (chiêng ting), bài chiêng đuổi con ma trong rừng ăn lúa bảo vệ mùa màng (bài chiêng phéc tơrun)… tấu lên từ những đôi tay nhẹ nhàng làm mê đắm người xem. Buổi nào các mẹ đi tập, các con gái cũng đi theo, Ka Woày nhìn bọn trẻ cười: “Khi chúng lớn, mình cũng sẽ dạy bọn chúng đánh chiêng”. Học nhuần nhuyễn các bài chiêng 6 cổ truyền chưa đủ, Ka Phen còn “tham vọng” muốn tiếp tục học chiêng 2. Chiêng 2 của người K’Ho chỉ có 2 người diễn tấu, cùng các nhạc cụ khác như khèn bầu, ống lứa, đàn lồ lô… mang tính biến tấu, ngẫu hứng, nghệ thuật cao. Nghệ nhân Duôn Dai K’Bát - vừa là già làng cũng có mặt “xem con cháu học tập thế nào để hỗ trợ cho chúng”, ông lắng nghe từng nhịp chiêng, khi có nhịp sai, ông sẽ uốn nắn ngay.
 
Chỉ sau hơn một tháng tập luyện miệt mài, đội cồng chiêng nữ Đinh Văn đã đại diện cho huyện Lâm Hà tham dự Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng - 2015 tại Đam Rông. Các chị đã mang đến liên hoan một sắc thái mới, một nét đẹp mới cho việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Liên tiếp sau đó, chị em được mời tham gia biểu diễn ở nhiều nơi trong những ngày hội giao lưu văn hóa, tổng kết đề án bảo tồn văn hóa cồng chiêng của tỉnh... 
 
Các thành viên của đội - chị Ka Phôn, Ka Phen giao lưu rượu cần
Các thành viên của đội - chị Ka Phôn, Ka Phen giao lưu rượu cần

Trách nhiệm bảo tồn di sản đâu chỉ của nam giới
 
Lớn lên trong không gian văn hóa cồng chiêng bên dòng Đạ Dâng, dù đã nhuần nhuyễn các điệu múa xoang do bà, mẹ truyền lại, Ka Phen vẫn ao ước cũng được học đánh cồng chiêng như các anh trai mình. Chị luôn nghĩ: Muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thì đòi hỏi phải có sự đồng sức, đồng lòng, không phân biệt già - trẻ, gái - trai. Ka Phen luôn ấp ủ sẽ nhóm họp các chị em trong buôn yêu văn nghệ để cùng học đánh chiêng. Ý định của Ka Phen đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có trách nhiệm của Trung tâm Văn hóa huyện Lâm Hà.
 
Theo nghệ nhân Duôn Dai K’Bát thì từ xưa, phụ nữ K’Ho cũng đánh cồng chiêng, nhưng không nhiều. Vào các dịp lễ hội của buôn làng, chị em nào biết đánh chiêng đều được khuyến khích “biểu diễn” cùng với nam giới, không phân biệt, không kiêng kỵ. Vì rất hiếm chị em nữ học đánh chiêng nên cộng đồng K’Ho tại vùng đất này từ xưa chưa bao giờ có đội cồng chiêng nữ. Chị Ka Phen cho biết thêm: Tuy không phân biệt nam - nữ chơi chiêng, nhưng trước đây, người K’Ho vẫn cứ nghĩ đánh cồng chiêng là việc của nam giới. Những phụ nữ biết đánh chiêng thường “bị” cộng đồng nhìn nhận là người mạnh mẽ, bạo dạn (có khi là táo tợn). Vì quan niệm này mà đa số phụ nữ e ngại, sợ bị “đánh giá” nên không dám học đánh chiêng, chứ thần linh không trách phạt. Tuy nhiên, trước khi đội cồng chiêng nữ ra đời, tập luyện, nghệ nhân Duôn Dai K’Bát giữ thông lệ làm lễ xin “vía” nhạc cụ (chiêng) cho “phải phép”, bởi người K’Ho quan niệm “vạn vật hữu linh” (mọi vật đều có linh hồn), muốn sử dụng thì phải “xin phép”, nam giới sử dụng chiêng cũng phải làm như vậy. 
 
Có thể nói, văn hóa cồng chiêng ngày càng chịu sức ép của đời sống hiện đại, các yếu tố làm nên không gian diễn xướng cồng chiêng đang mất dần, khó níu kéo do hình thái kinh tế thay đổi. Nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Lâm Hà cho biết: Cùng với ý thức, trách nhiệm bảo tồn văn hóa dân tộc mình của chị em nữ trong đội, Trung tâm Văn hóa huyện đã “vào cuộc” hỗ trợ và coi đây như một giải pháp hữu hiệu trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy Di sản không gian văn hóa cồng chiêng. Trước đây, Trung tâm đã từng mở vài lớp truyền dạy cồng chiêng dành cho nam thanh niên đồng bào K’Ho ở các cộng đồng dân cư có đông đồng bào sinh sống. Với bộ chiêng 6 của người K’Ho đòi hỏi một đội cồng chiêng phải có ít nhất 6 người đảm nhiệm thì mới tạo nên một dàn diễn tấu. Truyền dạy cho một người nam đánh chiêng giỏi đã khó, đánh nhuần nhuyễn càng khó hơn, nhưng khi các lớp truyền dạy vừa kết thúc đã có 1 - 2 người nam trẻ “bị” những cô gái ở buôn xa “bắt” về làm chồng, thế là “theo vợ bỏ cuộc chơi”. Cả dàn cồng chiêng 6 người khuyết đi chỉ một vị trí, cũng đủ “tê liệt”, tựa như bộ cồng chiêng khi khuyết đi một thanh âm thì không thể thành bài. Muốn truyền dạy cho người nam nào đó bổ sung vào là rất khó khăn và cần thời gian, nhưng cũng không thể đảm bảo nó có bị “bắt” đi xa hay không. Việc thành lập đội cồng chiêng nữ là giải pháp hữu hiệu, bởi người nữ sinh ra ở buôn, lớn lên ở buôn, “bắt chồng” ở đâu thì cũng sinh sống ở buôn, không còn phải lo đội hình bị xáo trộn. 
 
Nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng cho biết thêm: Từ thành công của đội cồng chiêng nữ thị trấn Đinh Văn, Trung tâm Văn hóa Lâm Hà tiếp tục tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng cho đội cồng chiêng nữ xã Phi Tô từ 2 tháng nay, thu hút 24 chị em tham gia. Hai nghệ nhân K’Ken và K’Bét (cán bộ của Trung tâm Văn hóa) tối tối không kể trời mưa gió đã vượt đường xa vào Phi Tô truyền dạy cho chị em, đến nay đã có 6 chị đã biết đánh cồng chiêng… Trong tương lai gần, Lâm Hà sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình đội nhóm cồng chiêng nữ. 
 
Với tình yêu và trách nhiệm với văn hóa dân tộc mình, đội cồng chiêng nữ Đinh Văn đã tiên phong trong việc mang lại sức sống mới cho không gian văn hóa cồng chiêng, góp phần phát huy di sản văn hóa cồng chiêng trong đời sống tinh thần để cồng chiêng trường tồn cùng dòng chảy thời gian; tiếng chiêng thêm ngân xa, mải miết...
 
QUỲNH UYỂN